Ashui.com

Wednesday
Apr 24th
Home Tương tác Góc nhìn Xử lý ô nhiễm chưa hiệu quả

Xử lý ô nhiễm chưa hiệu quả

Viết email In

Mỗi năm, TPHCM phải bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng từ ngân sách để duy trì hoạt động vận hành, xử lý chất lượng nguồn nước kênh rạch. Thế nhưng, bất chấp những nỗ lực của thành phố, chất lượng nước kênh rạch vẫn luôn trong tình trạng vượt chuẩn cho phép và ngày càng tăng nặng. Vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề này?

Thiếu vốn, đất hay thiếu trách nhiệm?

Nhiều cuộc họp đã được thiết lập để phân tích, mổ xẻ nguyên nhân khiến chất lượng nguồn nước kênh rạch không được cải thiện. Và một nguyên nhân được nhiều đại biểu đồng thuận nhiều nhất là do công tác xử lý chưa hiệu quả, đặc biệt công tác hậu kiểm còn yếu, lỏng lẻo ở nhiều khâu. Đơn cử, đối với hệ thống bệnh viện, từ năm 2006, thành phố đã quyết liệt chỉ đạo các sở ban ngành phải vào cuộc nhằm sớm chấm dứt tình trạng nước thải từ các bệnh viện chưa qua xử lý thải thẳng ra môi trường.


Ảnh minh họa: nước thải tại một khu công nghiệp (nguồn: Ashui.com)

UBND TP đã ghi vốn để hỗ trợ các bệnh viện đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Nhưng tính đến thời điểm hiện nay vẫn còn 322 trạm y tế phường, xã, 4 bệnh viện trực thuộc Trung ương, 15 bệnh viện tư nhân chưa có hệ thống xử lý nước thải; 40 bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải nhưng chất lượng nước thải sau xử lý chưa đạt quy chuẩn cho phép. Đó là chưa kể hơn 7.000 phòng khám, phòng mạch cũng chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải và đang thải trực tiếp vào hệ thống thoát nước sinh hoạt của thành phố.

Không dừng lại đó, tỷ lệ tái vi phạm môi trường đối với lĩnh vực công nghiệp cũng rất cao. Đặc biệt các cơ sở sản xuất quy mô vừa và nhỏ. Đại diện UBND huyện Bình Chánh khẳng định, đa số những cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện kinh doanh theo kiểu hộ gia đình. Họ gần như không quan tâm đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Nếu có xử phạt thì họ ngưng hoạt động một vài ngày rồi lại làm tiếp. Còn nếu quận làm căng, họ nghỉ một thời gian rồi hoạt động lại với một tên kinh doanh mới. Thậm chí, những cơ sở này cũng không đóng tiền phạt theo quyết định xử phạt.

Tình trạng này cũng diễn ra khá phổ biến ở các quận khác như Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Hóc Môn, quận 6… Ông Nguyễn Quốc Hùng, Đội trưởng đội tham mưu, Phòng Cảnh sát môi trường thành phố cho biết vì lợi nhuận, các cơ sở sản xuất vẫn cố tình vi phạm luật bảo vệ môi trường. Thủ đoạn của những đơn vị này ngày càng tinh vi. Mặc dù có hệ thống xử nước thải nhưng ít khi vận hành sợ chi phí cao. Cũng có nhiều doanh nghiệp cho nước thải vào bồn rồi chờ đêm đến hoặc lợi dụng khi trời mưa để thải thẳng ra kênh rạch.

Công tác hậu kiểm còn yếu

Lý giải thực tế trên, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do khâu hậu kiểm chưa chặt chẽ. Quá thời điểm khắc phục ô nhiễm môi trường mà quyết định xử phạt đưa ra nhưng Sở Tài nguyên - Môi trường, Phòng Cảnh sát môi trường không tổ chức hậu kiểm công tác chấp hành của các công ty, cơ sở bị xử phạt; không đưa ra những biện pháp tiếp theo đối với những trường hợp không chấp hành quyết định xử phạt. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, xử phạt chưa có sự phối hợp thống nhất giữa các đơn vị có chức năng liên quan. Việc phân cấp quản lý còn nhiều bất cập cũng tạo kẽ hở đáng kể cho các doanh nghiệp đen lộng hành.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết thêm, với những doanh nghiệp gây ô nhiễm, cảnh sát môi trường chỉ xử lý được mặt nổi vấn đề, tức xử lý hành vi vi phạm lúc bị bắt quả tang. Còn lại là vai trò địa phương rất quan trọng trong việc thanh kiểm tra, giám sát giải quyết dứt điểm ô nhiễm. Trong khi đó, ông Nguyễn Tương Minh, Phó Chủ tịch UBND quận 12 lại cho biết hiện cơ quan chức năng quận không có quyền kiểm tra đa số những đơn vị vi phạm nằm trên địa bàn mình vì họ thuộc quyền quản lý của thành phố. Vì thế công tác giám sát luôn bị chậm trễ nếu không muốn nói là bỏ lửng.

Trên thực tế, Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường đã thực hiện cưỡng chế buộc doanh nghiệp vi phạm phải ngưng hoạt động cho đến khi khắc phục xong hành vi vi phạm môi trường. Đáng tiếc công tác giám sát biện pháp cưỡng chế còn lỗ hổng nên sau khi đoàn thanh tra rời khỏi thì doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường.

Khó cũng... xử

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường khẳng định, mặc dù các cơ sở y tế tư nhân có quy mô nhỏ nhưng lượng nước thải ra môi trường cực kỳ nguy hiểm. Vì thế chúng ta không thể nhẹ tay, phải xử thật mạnh để cưỡng chế những cơ sở vi phạm. Theo đó, sở sẽ kiến nghị không cấp mới, thay đổi, gia hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề với các cơ sở y tế không có hệ thống xử lý nước thải, hoặc có mà xử lý chưa đạt tiêu chuẩn môi trường. Đồng thời, sở cũng kiến nghị Công an thành phố hỗ trợ trong việc tạm đình chỉ hoặc đóng cửa đối với các doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với mức độ nặng hoặc tái phạm nhiều lần.

Đồng quan điểm này, Sở Y tế cũng nhấn mạnh, theo quy định của Bộ Y tế, tất cả nước được dùng trong các cơ sở y tế đều phải xem là nước thải y tế. Do đó đều phải được xử lý đạt yêu cầu vệ sinh môi trường trước khi đưa ra hệ thống nước thải chung của cộng đồng. Vì thế, các phòng khám tư nhân cũng không nằm ngoài quy định trên.

Trong thời gian tới, Thanh tra Sở Y tế sẽ phối hợp với cảnh sát môi trường cùng tiến hành kiểm tra xử phạt, nếu đơn vị nào vi phạm sẽ bị chế tài. Ngoài ra, nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường thành phố và hạn chế các bệnh truyền nhiễm Sở Y tế thành phố có chỉ đạo, từ nay đến tháng 6-2012 nếu cá nhân nào xin cấp phép thành lập mới cơ sở khám chữa bệnh, phòng khám hoặc gia hạn thêm thời gian hoạt động thì phải chứng minh có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn.

Ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách, HĐND TPHCM khẳng định, để chấn chỉnh tình trạng này, đề nghị các sở ban ngành kiểm soát, giám sát chặt chẽ các đơn vị này. Ngoài việc tìm các giải pháp hỗ trợ về mặt công nghệ, kinh phí… các sở ban ngành cũng phải tăng cường các biện pháp xử lý như đình chỉ hoạt động hoặc xử phạt hành chính thật nặng, có như vậy các cơ sở này mới thay đổi được suy nghĩ của mình.

Minh Xuân - Minh Hải

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo