Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tương tác Góc nhìn Thực hiện các dự án nhà thu nhập thấp: Mắc cạn!

Thực hiện các dự án nhà thu nhập thấp: Mắc cạn!

Viết email In

Sau 2 năm thực hiện các dự án nhà thu nhập thấp (TNT), cả người dân và chủ đầu tư đã mệt mỏi, do bị mắc cạn với những chính sách ưu đãi trên giấy của Nhà nước.

Chỉ đạt 1% kế hoạch

Khi phát động chương trình làm nhà ở TNT năm 2009, Bộ Xây dựng kỳ vọng sẽ đáp ứng được một phần nhu cầu nhà ở cho người dân nội thành. Cụ thể, giai đoạn 2009 - 2015 có 189 dự án, quy mô: 166.390 căn hộ, đáp ứng khoảng 700.000 người. Riêng trong hai năm 2009-2010, các doanh nghiệp đã đăng ký 150 dự án, quy mô xây dựng 5.659.740m2 sàn, số vốn đầu tư 22.738 tỷ đồng, hoàn thành 152.372 căn hộ, đáp ứng 640.000 người...

Đến nay, Bộ Xây dựng vẫn không tổng kết được chương trình bởi mới có 39 dự án (chỉ đạt 26% so với dự kiến) được khởi công xây dựng, với tổng mức đầu tư khoảng 3.878 tỷ đồng, tổng diện tích sàn là 785.500m2 đáp ứng khoảng 66.900 người TNT. Đặc biệt, trong số 39 dự án này, hiện mới có 1.714 căn hộ hoàn thành, đáp ứng khoảng 6.800 người, chỉ đạt... 1% so với kế hoạch.

  • Ảnh bên: Bán giá 6 triệu đồng/m2, cộng khuyến mãi nội thất, xe máy nhưng dự án nhà TNT tại Huế của Vicoland vẫn khó bán

Riêng tại Hà Nội, chỉ một dự án nhà TNT Ngô Thì Nhậm được đưa vào sử dụng từ tháng 4-2011 với 328 căn. Còn 4 dự án đang triển khai là: Kiến Hưng (Hà Đông), Sài Đồng (Long Biên), Đại Mỗ (Từ Liêm), Đặng Xá (Gia Lâm) với tổng số 3.300 căn hộ.

Ông Trần Văn Can - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 5 (Handico 5) - chủ đầu tư nhà TNT cho biết: “Trong tổng số 420 căn nhà TNT tại Sài Đồng của Cty chúng tôi, đến nay chỉ có 100 khách hàng đóng tiền. Hiện công trình đã xây được đến tầng 9/17 tầng, nhưng mới chỉ thu được từ khách hàng khoảng 80 tỷ đồng, trong khi chúng tôi đã bỏ ra đầu tư 100 tỷ”. Nay thiếu vốn, doanh nghiệp thi công cầm chừng.

Rơi vào hoàn cảnh tương tự, Cty Cổ phần Xây dựng số 3 (Handico 3) - chủ đầu tư 2 tòa nhà TNT tại Sài Đồng cũng đang mắc kẹt hàng chục tỷ đã đầu tư vì chỉ có 260/420 hồ sơ đăng ký mua, nhưng chỉ có một nửa trong số đó đóng tiền.

“Theo tiến độ đóng tiền thì xây thô đến tầng 5 là thu tiền giai đoạn 2 nhưng nay chúng tôi đã xây đến tầng 8 mà chỉ có vài hộ dân đến đóng tiền giai đoạn 2. Chúng tôi bắt đầu triển khai bán hơn 200 căn hộ còn lại, nếu tình hình không khả quan thì số tiền đọng lại tại dự án cũng lên đến trăm tỷ” - ông Trần Văn Nguyên - Phó Giám đốc Handico 3, nói.

Là đơn vị đi đầu trong việc làm nhà TNT nhưng Cty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Phát triển nhà Vicoland cũng đang lâm cảnh khó khăn với hàng loạt dự án nhà TNT tại các tỉnh miền Trung. Mặc dù triển khai dự án nhà TNT ở Đà Nẵng từ khá sớm nhưng đến nay Cty mới chỉ bàn giao được 300 căn trên tổng số 1.000 căn hộ, vì không được vay vốn ưu đãi.

Tại dự án TNT ở Huế cũng do Vicoland làm chủ đầu tư, đã xây xong phần thô nhưng nay mới chỉ bán được 100/356 căn, dù giá bán chỉ 6 triệu đồng/m2. “Chúng tôi bị đọng vốn cả trăm tỷ tại các dự án nhà TNT. Vừa rồi Cty đưa ra chương trình khuyến mãi nội thất, xe máy khi mua căn hộ tại Huế nhưng vẫn khó bán”, ông Trần Xuân Hiền - Phó Tổng Giám đốc Vicoland cho biết.

Doanh nghiệp tự bơi

Một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết sở đã có kiến nghị tới lãnh đạo thành phố mở rộng đối tượng cư trú dài hạn (KT3, có đóng BHXH từ 1 năm trở lên) được mua nhà TNT và giảm thời gian được chuyển nhượng căn hộ từ 10 năm xuống 5 năm cho khách hàng, nhưng hiện vẫn chưa được UBND thành phố cho ý kiến. 

Khi các chính sách ưu đãi của Nhà nước không được thực hiện đầy đủ như: Miễn thuế (thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT), vay vốn ưu đãi... khiến nhiều DN phải tự thân vận động, mày mò tìm cách gỡ khó cho mình.

Ông Trần Xuân Hiền, cho biết: “Chính sách đưa ra doanh nghiệp nào cũng hào hứng làm nhưng cơ quan chức năng liên quan lại không thực hiện theo đúng những gì đề ra nên doanh nghiệp không đủ sức theo. Chúng tôi đã phải tự huy động vốn từ nhiều nguồn để triển khai dự án, nhưng nay vẫn rất khó khăn”.

Theo ông Hiền, dự án nhà TNT tại Đà Nẵng, DN đã phải tự tìm vốn từ phía Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thông qua một tổ chức tín dụng hỗ trợ 70 tỷ cho 250 khách hàng với lãi suất 11,8%/năm.

“Với hơn 500 căn chậm tiến độ bàn giao cho khách hàng tại Đà Nẵng, DN cố gắng hỗ trợ mỗi gia đình 1,2 triệu/tháng tiền thuê nhà và chúng tôi cố gắng bàn giao cho khách hàng trước tết. Còn tại Huế, thời gian tới, nhà TNT vẫn không có khách mua, Cty tiếp tục hỗ trợ khách hàng đóng một nửa tiền và số còn lại cho trả dần sau khi nhận nhà” - ông Hiền nói.

Đại diện một doanh nghiệp làm nhà TNT ở Hà Nội cho rằng, nếu không bán được và số khách hàng ít ỏi còn lại chậm đóng tiền thì chắc doanh nghiệp chỉ còn cách dừng dự án, xin trả lại cho thành phố.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Anh Dũng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, vừa rồi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế họp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp làm nhà TNT nhưng về cơ bản cũng chưa có biện pháp nào khả thi. Thành phố cũng đã tính đến phương án cho DN vay vốn từ Quỹ phát triển nhà của tỉnh nhưng số vốn chỉ khoảng 10% (30 tỷ) mà chia đều cho các DN làm nhà TNT trên địa bàn thì mỗi DN không được là bao.

Khó khăn nhất của DN là không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi khiến DN không thể triển khai dự án theo đúng chương trình. Về việc mở rộng đối tượng mua nhà cũng tính đến nhưng mức thu nhập của người dân ở Huế không cao, và một phần do phong tục tập quán chưa có thói quen ở nhà chung cư khiến DN không bán được hàng. 

Ngọc Mai 

Mắc cạn 

Cách đây hai năm, theo chính sách mời gọi của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp đã hăng hái tham gia đầu tư xây dựng nhà thu nhập thấp (TNT). Tham gia chương trình này, ngoài việc tìm kiếm lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp cũng thực tâm muốn làm một việc có ích với người TNT, chung tay cùng Chính phủ chăm lo chính sách an sinh xã hội. 

Chính sách mới hợp lòng dân, còn doanh nghiệp thì hào hứng, nên chỉ thời gian ngắn, hàng loạt dự án nhà ở TNT tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng... được doanh nghiệp khởi công. Nhưng mới đi được quãng đường ngắn, nhiều doanh nghiệp bắt đầu tỏ ra thất vọng, khi mà Quyết định 67 (ngày 24/4/2009) về cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho người có TNT tại đô thị không được thực thi nghiêm.

Điển hình là việc doanh nghiệp không vay được vốn ưu đãi của Ngân hàng Phát triển Việt Nam như quy định. Trong số 39 dự án nhà TNT trên cả nước triển khai, chỉ có hai doanh nghiệp được vay vốn. Còn lại các doanh nghiệp đều phải bỏ tiền túi hoặc vay thương mại để đầu tư...

Nay thị trường bất động sản đóng băng, những doanh nghiệp này như bị mắc cạn, bán giá rẻ để thu hồi vốn, thậm chí khuyến mãi khủng cũng không có người mua. Một chủ doanh nghiệp đầu tư nhà TNT tại Huế tâm sự “đang bị đọng vốn cả trăm tỷ đồng, chưa thu hồi được, vì không có khách mua”.

Trong khi đó, nhiều chủ đầu tư nhà TNT tại Hà Nội, đề nghị chính quyền thành phố mở rộng cho đối tượng hộ khẩu KT3 cũng được mua nhà TNT, giảm từ 10 năm xuống còn 5 năm được chuyển nhượng, nhằm tăng mãi lực, thu hồi vốn, nhưng đã nhiều tháng nay cũng chưa có được câu trả lời...

Một chính sách xã hội được cả người dân và doanh nghiệp chào đón, nhưng mới chỉ hơn 2 năm, đã khiến nhiều doanh nghiệp, và nay cả người mua trở thành nạn nhân. Vì doanh nghiệp không được tiếp sức, có thể sẽ phá sản. Còn với nhiều người TNT đã trót mua nhà, nay phải đóng tiền tiếp cũng khó khăn, khi mà vay ngân hàng không đơn giản, còn nếu may mắn vay được, cũng khó chịu nổi lãi suất thương mại tới trên 20%.

Chính sách của Nhà nước ban ra mà không có công cụ thực hiện thì chính sách dù hay đến mấy cũng chỉ là chính sách trên giấy. Nếu thực sự khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhà TNT, mong muốn người TNT có nơi ở đàng hoàng, rất cần có công cụ tài chính cụ thể đi kèm. Chỉ khi đó, chính sách mới có thể đi vào cuộc sống.

Nhật Anh 

[ Chuyên đề: Nhà ở xã hội

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo