Ashui.com

Monday
Dec 02nd
Home Tương tác Góc nhìn Chúng tôi phá làng

Chúng tôi phá làng

Viết email In

Họ đã phá đi những ngôi nhà của mình, phá các làng của mình những ngôi nhà của ông cha để lại, họ phá đi truyền thống, phá đi ký ức, phá đi lịch sử, phá đi văn hóa. Cũng không hẳn đúng như vậy. Họ phá là buộc phải phá chứ không hề muốn. Giằng xé đó là đau đớn. Đặt mình vào tâm trạng của những người dân ở các làng cổ thì sẽ thấy.

Cái chốt của chuyện này nằm ngay trong đời sống, đó là mâu thuẫn của cặp giá trị tinh thần và vật chất, bảo tồn và phát triển. Mà giải quyết mâu thuẫn này thì người dân không làm được một mình. Phần quyết định nằm ở nhà nước. Những gì đang diễn ra ở Mông Phụ, Cự Đà, ở làng Cựu, ở làng cổ Bát Tràng là như vậy. Vẫn biết không có văn hóa, không có truyền thống thì vẫn sống được, thế nào mà chả sống được nhưng đó có phải là sống không? Những chuyện ăn, chuyện mặc, chuyện ở, tức là nhu cầu vật chất tối thiểu hàng ngày thì lại chả mấy liên quan đến những giá trị tinh thần kia cả. Chả nhẽ trong một ngôi nhà cổ 3 gian, mấy thế hệ cứ cùng chung sống mãi như thế? Ấy là chưa kể một gia đình có mấy người con, đều đã lấy vợ lấy chồng sinh con đẻ cái. Diện tích thì giữ nguyên, người nhiều hơn, nhu cầu mỗi ngày nhiều hơn.

  • Ảnh bên: Nhà cổ ở làng Cự Đà

Làng cổ Cự Đà mấy trăm năm tuổi, chỉ sau vài ba tháng, trước và sau Tết 2011 đã bị phá gần hết. Nguyên nhân: Đất nông nghiệp của làng được chính quyền giao cho một ông nhà giàu để biến thành khu đô thị. Người dân nhận tiền đền bù và dùng tiền phá nhà cũ xây nhà mới. Nhắc lại, chính người dân tự phá, buộc phải phá. Chỉ buồn khi nghèo thì giữ được, khi có tiền thì lại phá. Đáng nhẽ phải ngược lại chứ! Mà phá đi là mất vĩnh viễn.

Xây nhà mới, nhà cao cửa rộng là cái được trước mắt, thấy ngay. Cái bị phá (những ngôi nhà cổ) là truyền thống, di sản là cái sự mất không thấy ngay, không có tác hại ngay.

Làng cổ Mông Phụ cũng vậy, nói như một câu thơ của nhà thơ Khuất Bình Nguyên “Lang thang mây trắng xứ Đoài / Chưa qua ngoài ngõ đã vài trăm năm”. Sau khi được công nhận là Di sản Quốc gia, người dân không được sửa chữa, xây mới nhà cửa nữa cho dù họ vẫn phải sống, sinh con đẻ cái, dựng vợ gả chồng. Làm gì có luật nào bằng luật tự nhiên, thế là bằng cách này cách khác họ vẫn phá. Chật chội dột nát thế sống sao được. Chính sách không phù hợp với cuộc sống đã vô tình đẩy người dân vào con đường phạm pháp.

  • Ảnh bên : Những ngôi nhà tầng mọc lên

Không nên đổ lỗi cho người dân trong phong trào “chúng tôi phá làng”. Không nên bắt họ phải sống khổ sở trong di sản để người khác đến xem, chụp ảnh và làm du lịch.

Qua câu chuyện của làng Mông Phụ và làng Cự Đà có thể thấy được rõ nguyên nhân của phong trào “chúng tôi phá làng”.

Giải pháp duy nhất đúng để giải quyết chuyện này như sau:

Tất cả những người có quyền quyết định từ cấp cao nhất đến thấp nhất. Nếu đã thống nhất những ngôi làng cổ đó là di sản thì tại sao không có quy định cấp đất ngoài làng cho họ để họ xây nhà mới. Mông Phụ bán đất cho họ với giá vài trăm triệu 1 sào thì người dân lấy đâu ra tiền để mua. Với làng Cự Đà thì khác, đất nông nghiệp của làng mang bán cho tư nhân làm khu công nghiệp và khu đô thị. Tiền đền bù không đủ cho họ đi mua đất nơi khác, chỉ vừa đủ để xây nhà, thế thì họ đập “di sản” đi là đúng rồi. Chưa chắc những người lãnh đạo ở Cự Đà đã không biết cách bảo tồn di sản nhưng rõ ràng cách thức bán đất cho những công ty tư nhân với họ thì tiện hơn, lợi (vật chất) hơn.

Nông thôn, làng xã, nơi sinh ra và lưu giữ bảo tồn những giá trị căn cốt của tinh thần Việt, văn hóa truyền thống Việt. Lũy tre làng – cái lũy tre bảo vệ văn hóa làng – tưởng như không bao giờ bị vỡ vì đã được thử thách qua bao thăng trầm của lịch sử nay đã đổ vỡ.

Lê Thiết Cương 

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...