Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn Đoạn Hoàng thành 11 năm bị lãng quên

Đoạn Hoàng thành 11 năm bị lãng quên

Viết email In

Dư luận Hà Nội lại đang "nóng" về đoạn Hoàng thành Thăng Long phát lộ với 17 tầng văn hóa từ thời Lý-Trần-Lê trong hố khai quật khảo cổ “chữa cháy” cạnh cầu vượt ngã ba Hoàng Hoa Thám - Văn Cao - Hồ Tây.

Ngày 21/12, phóng viên báo Thanh Niên lên thăm khu vực khảo cổ tại công trình xây dựng nói trên, vẫn thấy dấu tích của 17 tầng văn hóa đã được các nhà khảo cổ học đánh dấu trên các vách đất của hố thám sát. Cách khu vực khảo cổ vài chục mét, cả một đoạn Hoàng thành thời Lê đã bị san phẳng để làm đường Văn Cao - Hồ Tây (xuyên qua đường Hoàng Hoa Thám). Một chiếc cầu vượt với các trụ bê tông đang cắm sâu vào lòng đất - nơi trước đây là đoạn Hoàng thành thời Lê. Được biết, sau khi công việc khảo cổ học “chữa cháy” hoàn tất, rất có thể cả khu vực với 17 tầng văn hóa thời Lý - Trần - Lê cũng có khả năng bị san phẳng để phục vụ cho việc thi công chiếc cầu vượt trên đường Hoàng Hoa Thám nói trên.


Đoạn Hoàng thành vừa bị san ủi để làm đường và xây cầu vượt (Ảnh: Việt Chiến)

Một số chuyên gia khảo cổ học cho biết cách đây 11 năm, họ đã thông tin cho cơ quan chức năng của TP.Hà Nội về đoạn Hoàng thành Thăng Long nằm trên phố Hoàng Hoa Thám là di tích lịch sử quan trọng cần phải tiến hành công tác nghiên cứu bảo tồn nhưng thành phố đã không có hồi âm. Trao đổi với phóng viên, PGS.TS khảo cổ học Trịnh Sinh (người cách đây hơn chục năm đã phát hiện dấu tích của đoạn Hoàng thành này) cho biết, năm 2000, khi dự án mở đường trên phố Hoàng Hoa Thám mới chỉ là ý định ban đầu thì ông và PGS.TS Hà Đình Đức đã có phát biểu trên VTV và VTC cảnh báo về chuyện nếu TP.Hà Nội mở đường trên phố Hoàng Hoa Thám tức là phá thành cổ thời Lê Hồng Đức.

Viện Khảo cổ học cũng cho biết ngày 19/10/2000, Viện đã có công văn số 166/KCH gửi cơ quan chức năng của Hà Nội đề nghị cần có chương trình nghiên cứu lâu dài về các đoạn thành cổ này (có thể nằm trong chương trình nghiên cứu 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội), đồng thời cũng cần có những cuộc tọa đàm khoa học đánh giá đúng mức giá trị của các đoạn thành trên để các nhà khoa học có thể tham gia rộng rãi. 

Sau 11 năm, mặc dù đã có ý kiến của các nhà khảo cổ học, đoạn Hoàng thành Thăng Long trên phố Hoàng Hoa Thám vẫn chưa được TP.Hà Nội công nhận là di tích lịch sử và dẫn đến hậu quả hôm nay, một đoạn Hoàng thành thời Lê đã bị san ủi để làm đường. Một số nhà khoa học cho rằng sau việc xuất lộ 17 tầng văn hóa ở đoạn Hoàng thành nói trên, chiếu theo luật Di sản, các cấp ngành chức năng phải khẩn trương tiến hành công tác nghiên cứu, xem xét, đề xuất công nhận di tích lịch sử để triển khai bảo tồn, vì cả ngàn năm qua, đoạn Hoàng thành Thăng Long dài gần 4 km này đã tồn tại qua nhiều biến thiên lịch sử và trở thành một di sản lịch sử văn hóa lớn ngay giữa thủ đô.

Việt Chiến

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo