Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật TPHCM tiếp nhận cầu Phú Mỹ: Nhà nước chịu rủi ro thay nhà đầu tư

TPHCM tiếp nhận cầu Phú Mỹ: Nhà nước chịu rủi ro thay nhà đầu tư

Viết email In

Sau nhiều lần bàn tính cách tháo gỡ những vướng mắc phát sinh sau khi xây dựng xong cầu Phú Mỹ (2/9/2009), thành phố vừa thống nhất chủ trương tiếp nhận lại cầu Phú Mỹ từ chủ đầu tư BOT là Cty cổ phần đầu tư xây dựng Phú Mỹ (PMC).

Tuy nhiên qua dự án BOT này, vấn đề đáng bàn chính là những rủi ro của nhà đầu tư đang khiến thành phố phải gánh thay.

Thế phải gánh nợ thay

Dự án đầu tư xây dựng cầu Phú Mỹ (dài 2.031m, rộng 27,5m) được đầu tư bằng hình thức BOT. Theo hợp đồng BOT ký kết giữa UBND TPHCM và PMC năm 2005, tổng vốn đầu tư xây dựng cầu khoảng 1.800 tỉ đồng. Với tổng vốn này, nhà đầu tư tính toán sẽ thu phí giao thông đường bộ hoàn vốn đầu tư và có lãi trong vòng 26 năm. Thế nhưng, theo chủ đầu tư, khi dự án hoàn thành vốn đầu tư đã tăng lên hơn 3.000 tỉ đồng. Thời gian qua, PMC đã nhiều lần “cầu cứu” UBND TPHCM và khoảng năm 2010 thành phố cho PMC tạm ứng ngân sách 120 tỉ đồng để trả nợ vay ngân hàng, cùng với 100 tỉ đồng đã được thành phố tạm ứng cho PMC trước đó để bồi thường, giải phóng mặt bằng nên tổng số tiền tạm ứng lên 220 tỉ đồng. Tuy nhiên vào năm 2011, PMC tiếp tục xin được gia hạn trả nợ vay Cty đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) trong thời gian 15-20 năm, thay vì 10 năm; đồng thời xin được vay ưu đãi 1.000 tỉ đồng để có vốn trang trải công nợ trong 5 năm đầu do thu phí không đủ trả nợ.

Đối với dự án BOT cầu Phú Mỹ, ngoài vốn sở hữu theo quy định, phần lớn vốn đầu tư còn lại PMC vay từ các ngân hàng của Pháp thông qua cơ quan có thẩm quyền của VN bảo lãnh vay, sau đó cho PMC vay lại từ HFIC. Do PMC không vay trực tiếp với các ngân hàng Pháp - HFIC mới là tổ chức vay trực tiếp từ các ngân hàng Pháp – nên khi chủ đầu tư gặp rủi ro về tài chính thì HFIC phải đứng ra trả vốn và lãi vay cho ngân hàng Pháp. Theo phân tích của một số chuyên gia giao thông, trong dự án BOT cầu Phú Mỹ, thành phố bị rơi vào tình thế phải gánh nợ thay chủ đầu tư.

Tổng đầu tư 3.400 tỉ đồng?

Tại thông báo nội dung kết luận của UBND TPHCM vào ngày 16/2/2012, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho rằng, dù UBND thành phố đã chủ động hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn giải quyết những vấn đề tồn tại về tài chính, tín dụng nhưng đến nay chưa thể giải quyết căn cơ, cần được xử lý nhanh để hạn chế tối đa những thiệt hại có thể xảy ra. Vì vậy, UBND thành phố thống nhất chủ trương sẽ tiếp nhận bàn giao dự án BOT cầu Phú Mỹ trước thời hạn. UBND thành phố cũng giao các cơ quan liên quan đàm phán trực tiếp với PMC để thống nhất tổng vốn đầu tư, nguồn vốn và phương thức thanh toán, đồng thời tìm một đơn vị khác có đủ năng lực tài chính tiếp nhận dự án cầu Phú Mỹ.

PMC khẳng định con số tổng mức đầu tư dự án 3.400 tỉ đồng đã được Viện Kinh tế Bộ Xây dựng thẩm tra và một trong những yếu tố chính làm tăng vốn là do trượt giá. Tuy vậy, thạc sĩ Phạm Sanh (thành viên tổ điều hành xây dựng cầu Phú Mỹ trước đây) vẫn lưu ý các cơ quan thành phố khi đàm phán tiếp nhận lại cầu Phú Mỹ cần xác định lại giá trị thực đầu tư xây dựng cầu, vì con số tổng vốn đầu tư tăng từ 1.800 tỉ đồng ban đầu lên 3.400 tỉ đồng vẫn chưa thuyết phục.

Từng tham gia điều hành xây dựng cầu Phú Mỹ, thạc sĩ Phạm Sanh cho rằng, trong quá trình xây dựng, dự án có điều chỉnh thiết kế một số hạng mục (chủ yếu tăng cường khả năng chống động đất) nên vốn đầu tư có đội lên, song khó có thể đội lên đến 3.400 tỉ đồng. Bởi lẽ, việc xây dựng cầu Phú Mỹ do nhà thầu nước ngoài thực hiện theo hợp đồng quốc tế và trọn gói – tức nhà thầu đã tính toán đến những yếu tố rủi ro, các chi phí dự trù cũng như yếu tố trượt giá, để đưa vào tổng giá trị toàn bộ gói thầu. “Lâu nay, tôi chưa nghe nhà thầu quốc tế xây dựng cầu Phú Mỹ lên tiếng phản ánh và đòi hỏi tăng chi phí do những yếu tố rủi ro, trượt giá trong quá trình xây dựng” – thạc sĩ Phạm Sanh cho biết.

Trần Phan

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 4586 khách Trực tuyến

Quảng cáo