Thực hiện nghị quyết của HĐND TPHCM, trong 6 tháng qua TPHCM đã tập trung giải quyết các vấn đề gây bức xúc cho người dân vốn tồn tại từ nhiều năm nay. Kết quả, đã một loạt chính sách ra đời nhằm đảm bảo quyền lợi của người bị thu hồi đất, người dân sống trong các dự án treo, quy hoạch treo…
Đây có thể xem là một trong những thành tựu lớn nhất trong 6 tháng đầu năm 2013.
Đất có nguồn gốc không rõ ràng vẫn được bồi thường
Có một thực tế là trên địa bàn TPHCM có nhiều hộ dân sử dụng nhà, đất không có giấy tờ hợp lệ, theo quy định pháp luật thì không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận và không được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, dẫn đến chỉ được hỗ trợ; chỉ được bồi thường theo pháp lý sử dụng đất mà không được bồi thường theo hiện trạng, theo quy hoạch… Theo UBND thành phố, đây là nội dung dẫn đến phát sinh khiếu nại gay gắt. Bênh cạnh đó, việc thay đổi điều chỉnh pháp luật thường xuyên có liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ cũng ảnh hưởng đến người dân tại các dự án bồi thường chậm, kéo dài…. Do đó, nếu không giải quyết hợp tình, hợp lý sẽ phát sinh khiếu nại đông người, gay gắt, kéo dài.
- Ảnh bên: Bán đảo Bình Quới – Thanh Đa, phường 28 quận Bình Thạnh bị quy hoạch "treo" hơn 10 năm, sắp tới người dân sống trong khu vực này sẽ được phép xây dựng (Ảnh: Công Bằng)
Căn cứ vào tình hình thực tế của thành phố và vận dụng quy định của pháp luật, để đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân, hỗ trợ tạo điều kiện cho người dân khi bị thu hồi đất ổn định cuộc sống, vừa qua Ủy ban Nhân dân thành phố đã có chủ trương giải quyết chính sách hỗ trợ cho người dân sử dụng đất có nguồn gốc sử dụng chưa rõ ràng. Đối với trường hợp đất do người dân đang sử dụng và không đăng ký theo Chỉ thị số 299/TTg ngày 10 tháng 11 năm 1980 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng khi triển khai Chỉ thị số 299/TTg, ủy ban nhân dân cấp xã, tập đoàn, hợp tác xã, nông-lâm trường… đứng ra đăng ký, nhưng trên thực tế đất vẫn được người dân tiếp tục sử dụng cho đến khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án (không có tranh chấp, khiếu nại) thì ủy ban nhân dân quận, huyện xem xét giải quyết bồi thường tương tự như trường hợp đủ điều kiện được bồi thường.
Trường hợp đất do Nhà nước quản lý (do ủy ban nhân dân cấp xã, tập đoàn, hợp tác xã, nông-lâm trường… đăng ký theo Chỉ thị số 299/TTg hoặc các văn bản quản lý khác của Nhà nước), nhưng sau đó người dân tự ý sử dụng hoặc lấn, chiếm; không tranh chấp, khiếu nại (trừ trường hợp chiếm dụng từ tháng 4 năm 2002 trở về sau và trường hợp bị xử lý vi phạm thì không xem xét) để sử dụng sản xuất nông nghiệp cho đến khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án thì được xem xét hỗ trợ tương đương giá bồi thường đất nông nghiệp như trường hợp đủ điều kiện được bồi thường.
Trường hợp tự chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở thì căn cứ vào thời điểm chuyển mục đích để xét hỗ trợ theo hiện trạng, theo loại đất đang sử dụng tương đương đơn giá bồi thường, hỗ trợ đất ở theo phương án được duyệt và phải trừ nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Thu hồi hàng hécta đất dự án "treo"
Một trong những vấn đề gây bức xúc vốn tồn tại rất lâu là tình trạng dự án ''treo'', quy hoạch ''treo'', khiến cho người dân ăn ở không yên, quyền lợi bị ''treo''… Để chấn chỉnh việc này, trong suốt 6 tháng qua thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra rà soát toàn bộ các dự án chậm triển khai trên địa bàn thành phố.
Kết quả đã có 77 dự án, diện tích 972ha có tỷ lệ bồi thường đạt dưới 50% diện tích đất của dự án, hầu hết các dự án này chủ đầu tư không có khả năng tiếp tục thực hiện hoặc dự án không còn khả thi, đã thu hồi, chấm dứt hiệu lực pháp lý văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư. Như vậy, đã xử lý xong 100% dự án thuộc loại phải xử lý thu hồi, chấm dứt hiệu lực pháp lý văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư. Số dự án tỉ lệ bồi thường, giải tỏa từ trên 50% đến 100% diện tích đất của dự án, thuộc loại được xem xét gia hạn và chỉ gia hạn 1 lần đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2013 là: 402 dự án, diện tích 3.409ha.
Điều kiện được gia hạn, ngoài tỉ lệ bồi thường của dự án từ 50% trở lện, chủ đầu tư còn phải bảo đảm có năng lực tiếp tục thực hiện dự án, có kế hoạch thực hiện dự án với thời gian, tiến độ cụ thể hợp lý và khả thi. Nếu thực hiện không đúng cam kết sẽ bị xử lý theo quy định.
Nhà xây dựng tạm sau 5 năm sẽ được bồi thường
Để giải quyết quyền lợi của người dân số trong các khu vực có quy hoạch nhưng không xác định được thời điểm triển khai thực hiện (thường được gọi là quy hoạch ''treo''), thành phố đã ban hành quy định về cấp phép xây dựng tạm; theo đó: Thời hạn sử dụng công trình, nhà ở riêng lẻ ghi trong giấy phép xây dựng tạm là thời gian thực hiện quy hoạch theo kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, nhưng tối đa không quá 5 năm kể từ ngày quy hoạch được công bố.
Nếu trong vòng 5 năm, kể từ ngày công bố công khai quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỉ lệ 1/2.000 (quy hoạch phân khu), Nhà nước thu hồi đất để thực hiện quy hoạch thì không được bồi thường, hỗ trợ vật kiến trúc được xây dựng mới trong lộ giới hoặc phạm vi quy hoạch; sau 5 năm Nhà nước mới thực hiện quy hoạch thì bồi thường, hỗ trợ theo quy định hiện hành.
Đặng Ngọc
- Hà Nội tiếp tục thu hồi đất để xây nhà ở xã hội
- TPHCM: 86 dự án bị cắt vốn đầu tư
- Đầu tư công 2014-2015 bị siết mạnh
- Nhà ở thương mại và nhà ở xã hội: Xuất hiện “sóng ngầm”
- Bó tay với tiêu cực chạy thầu?
- Xuất ngoại tìm vốn cho dự án cao tốc
- ACV muốn đẩy nhanh dự án sân bay Long Thành
- Hà Nội lý giải việc tạm thu tiền sử dụng đất
- Đổi đất lấy hạ tầng đô thị cảng Hiệp Phước
- Công chức dễ tiếp cận gói tín dụng ưu đãi hơn