Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Công chức dễ tiếp cận gói tín dụng ưu đãi hơn

Công chức dễ tiếp cận gói tín dụng ưu đãi hơn

Viết email In

Đã có những người mua nhà giá thấp đầu tiên tiếp cận được gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng, song những gì đang diễn ra cho thấy giới công chức hưởng lương nhà nước có phần lợi thế hơn khi tiếp cận khoản vay ưu đãi này. 

Một tháng kể từ ngày được phép giải ngân và mặc dù đã có thêm hướng dẫn triển khai gói tín dụng ưu đãi, số lượng người mua nhà có khả năng tiếp cận được khoản vay này chưa được bao nhiêu.  

  • Ảnh bên: Một dự án chung cư tại quận Bình Tân, TPHCM đang có kế hoạch chuyển một phần sang phân khúc nhà ở xã hội (Ảnh: Đình Dũng) 

Trao đổi với phóng viên, anh M (không muốn nêu tên), cho biết gia đình anh đã được Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) duyệt cho vay 600 triệu đồng từ gói tín dựng ưu đãi để mua căn hộ dự án Khang Gia - Tân Hương tại quận Tân Phú, TPHCM. 

Anh này cho biết thông tin về nhà ở xã hội, nhà giá thấp với gói tín dụng lãi suất thấp 6% đã khuyến khích anh lên mạng tìm thông tin về các dự án căn hộ - công việc anh từng làm trong 2-3 năm qua. 

Sau khi cân nhắc một số dự án, anh này quyết định chọn dự án Khang Gia - Tân Hương với căn hộ 69,3 mét vuông có giá bán khoảng 14,9 triệu đồng/mét vuông. Đây là một trong chín dự án nhà ở thương mại có căn hộ thỏa điều kiện tham gia gói 30.000 tỉ đồng.  

Anh M cho biết do cả hai vợ chồng là giảng viên một trường đại học tại TPHCM với mức thu nhập hơn 17 triệu đồng/tháng, việc chọn căn hộ có giá trị khoảng một tỉ đồng như trên là khả thi với điều kiện họ được vay vốn lãi suất 6%/năm. 

Để tiếp cận khoản vay này, anh M đã không nhờ vả ai, kể cả chủ đầu tư thay vào đó đã tự mình liên hệ với ngân hàng BIDV để tìm hiểu thủ tục vay. Sau khi đã nộp hồ sơ bao gồm đơn xin vay vốn, bảng lương xác nhận mức thu nhập, bản xác nhận tình trạng nhà ở, hộ khẩu, chứng minh thư và số tiền vay cũng như phương án trả nợ, anh M chờ ngân hàng duyệt, mà sau này anh nói “nếu không có sự may mắn tôi đã không được ngân hàng cho vay.”

Do công tác tại trường đại học công lâp nơi hàng năm đều có kê khai tài sản cán bộ công chức nên việc xác nhận tình trạng nhà ở của anh M có phần thuận lợi hơn, trong khi với nhiều người vay khác thì đây là rào cản không dễ vượt qua.

Theo hướng dẫn xác định đối tượng cho vay của Bộ Xây dựng, những người mua là cán bộ công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước…thì chỉ cần cơ quan nơi đang công tác xác nhận là được. Trong khi đó, những người làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác thì bắt buộc phải có xác nhận tình trạng nhà ở của UBND phường xã nơi cư trú.

Đây là một trong những điều kiện gây khó cho người mua hiện nay, bởi chính quyền địa phương không xác nhận vì họ rất khó xác định người đó có nhà hay chưa. Một người có thể không có nhà ở địa phương đang ở nhưng có thể có nhiều nhà ở nơi khác.

Một vấn đề nữa là hợp đồng mua bán. Để vay tiền, ngân hàng yêu cầu người mua phải có hợp đồng mua bán nhà với chủ đầu tư, trong khi người mua chỉ dám mua nhà khi được ngân hàng cho vay.

“Đó là cái vòng luẩn quẩn. Chúng tôi chỉ mua nhà khi ngân hàng đảm bảo cho vay, nhưng ngân hàng lại yêu cầu phải mua nhà mới được vay,” anh M nói, và cho rằng nếu không vay được ngân hàng thì không có cách chi trả nổi. Cuối cùng, anh này chẳng còn cách nào khác ngoài việc ký đại hơp đồng để hoàn tất hồ sơ.

Chưa dừng lại ở đó, một chi tiết chút xíu nữa khiến anh này phải bỏ cuộc là diện tích căn hộ có thể chênh lệch giữa hợp đồng và giấy tờ sau này. Ngân hàng cho biết diện tích tạm tính của căn hộ trên là 69,3 mét vuông. Trong trường hợp lúc ra giấy tờ diện tích căn hộ là 70 mét vuông thì lập tức ngân hàng sẽ rút tên anh ra khỏi danh sách cho vay, đồng thời yêu cầu phải bồi hoàn chệnh lệch lãi suất từ thời điểm vay.

“Nếu điều đó xảy ra thì lấy tiền đâu mà bù,” anh M nói.

May cho anh này là ngày 25/6 vừa qua Bộ Xây dựng có công văn hướng dẫn mới, nói rằng “do đặc thù của sản phẩm xây dựng và phương thức bán nhà hình thành trong tương lai, chấp nhận diện tích căn hộ ghi trong hợp đồng là tạm tính nhưng với quy mô nhỏ hơn 70 mét vuông, khi hoàn công có thể thay đổi theo thực tế.”

Sau khoảng một tháng làm hồ sơ vay với 6-7 lần đi lại giữa ngân hàng và chủ đầu tư để bổ sung giấy tờ, anh M đã được BIDV thông báo đã duyệt cho vay 600 triệu đồng, với khoản trả vốn và lãi hàng tháng khoảng tám triệu đồng.

Tuy nhiên với những ai không phải là công chức hưởng lương nhà nước thì thủ tục giấy tờ khó vượt qua rào cản xác nhận tình trạng nhà ở, khâu mà giới công chức chỉ cần cơ quan đang công tác xác nhận là đủ.

Cùng mua căn hộ tại dự án Khang Gia-Tân Hương, nhưng anh Hải nhà ở quận 8, TPHCM hiện vẫn đang loay hoay với thủ tục vay hơn ba tuần nay, nhất là việc phải mang đơn ra phường xác nhận hiện trạng nhà ở.

Anh này đang lo nếu hồ sơ vay không xong trong ba tuần kể từ ngày đặt cọc mua căn hộ anh sẽ mất số tiền đặt cọc 20 triệu đồng và tiếp tục cảnh ở thuê như hiện nay. 
 

Chỉ vài hồ sơ được duyệt 

Theo Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM Nguyễn Hoàng Minh, từ khi bắt đầu triển khai gói 30.000 tỉ đồng từ đầu tháng 6, đến nay tại BIDV chỉ mới có 40 khách hàng đến hỏi thăm, và chỉ có hai hồ sơ vay được ký duyệt. Trong khi đó, tại Vietcombank đã có sáu khách hàng được vay, tổng giá trị là 4,1 tỉ đồng.

Hiện tại, với những đối tượng được vay gói này, nếu làm trong cơ quan nhà nước thì hiện trạng nhà ở được xác nhận bởi nơi làm việc, những đối tượng khác sẽ được phường, xã xác nhận. Tuy vậy, theo phó giám đốc một chi nhánh của BIDV thì khách hàng đang bị vướng mắc vì nhiều phường xã không chịu xác nhận hiện trạng nhà ở.

“Không thể biết rõ rằng ngoài căn nhà đang ở hiện tại, hộ gia đình đó còn có ngôi nhà nào khác nữa không, nếu xác nhận không đúng thì ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm, vì vậy nhiều khách hàng khi cầm hồ sơ vay đi xác nhận đã bị lắc đầu”, vị phó giám đốc chi nhánh nói.

Ông còn cho rằng quy định xác nhận hiện trạng nhà ở rất lạ, vì nếu là cơ quan làm việc, thì chỉ được phép xác nhận thu nhập, hoặc tình trạng công tác, không thể biết rõ hiện trạng nhà ở ra sao để xác nhận, nhưng thực tế người vay lại dễ được cơ quan xác nhận hơn là ở địa phương.

Còn về cho vay doanh nghiệp bất động sản, hiện tại có 9.000 tỉ đồng thôi, nhưng rất nhiều doanh nghiệp muốn vay. Nhiều ngân hàng đã ký kết tài trợ vốn cho doanh nghiệp, nhưng như tại TPHCM, danh sách doanh nghiệp có đủ tiêu chuẩn để vay vẫn còn chờ xác nhận từ Sở Xây dựng, nhưng đến hôm nay, danh sách này vẫn chưa về đến ngân hàng.

Các ngân hàng cũng bị vướng mắc ở chỗ nếu đã đồng ý ký kết với doanh nghiệp rồi, hồ sơ thủ tục cũng đã xong, chỉ còn chờ đưa lên NHNN để nhận giải ngân, nhưng NHNN nói số tiền cho vay đối với doanh nghiệp trong gói này đã hết, thì cũng khó cho ngân hàng. Vì hiện tại, cuối tháng NHNN mới duyệt chi một lần đối với gói này nên các ngân hàng khó chủ động. 

Đình Dũng - Thanh Thương 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1905 khách Trực tuyến

Quảng cáo