Các trung tâm phát triển quỹ đất thuộc sở tài nguyên và môi trường các địa phương được thành lập rất nhiều ở các tỉnh trong vài năm gần đây. Nhưng do mô hình tổ chức hoạt động nửa vời đã khiến các trung tâm này mắc kẹt trong hoạt động và mắc kẹt trong nhiều dự án mà họ đóng vai trò như một tổ chức trung gian.
Luật Đất đai hiện hành cho phép UBND các tỉnh, thành được thành lập các tổ chức phát triển quỹ đất với mục đích là được giao, quản lý quỹ đất đã thu hồi theo quyết định của Nhà nước. Đây là tổ chức dịch vụ công cùng với văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc sở tài nguyên và môi trường (TN-MT).
Các trung tâm này được địa phương cho phép thực hiện hàng loạt công việc của một cơ quan quản lý nhà nước: từ tổ chức giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ tái định cư, quản lý quỹ đất đã được giải phóng mặt bằng (là các công việc của hội đồng/ban giải phóng mặt bằng thuộc sở TN-MT, phòng TN-MT quận, huyện, xã phải thực hiện) đến việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân, cung cấp thông tin về giá đất, quỹ đất cho các tổ chức cá nhân theo yêu cầu (mang tính kinh doanh như doanh nghiệp).
- Ảnh bên: Một cảnh giải phóng mặt bằng ở TPHCM (Ảnh: Thanh Tao)
Mô hình lưỡng thể kiểu này thực ra không có trong luật hiện hành vì các tổ chức phát triển quỹ đất là tổ chức sự nghiệp công, thực hiện các hoạt động dịch vụ công do ngân sách chi trả.
Trung tâm phát triển quỹ đất ra đời ở các địa phương và tồn tại song song với rất nhiều cơ quan có chức năng tương tự trong bộ máy hành chính, công việc chồng chéo và giẫm chân lên nhau. Ví dụ ở các địa phương đều có ban hoặc hội đồng giải phóng mặt bằng (GPMB) cấp tỉnh, thành, huyện, xã. Thậm chí có thể thành lập các ban giải phóng mặt bằng cho từng dự án. Nên không phải cứ có dự án được UBND tỉnh/huyện phê duyệt là giao việc GPMB, hỗ trợ tái định cư... cho các trung tâm. Chỉ các dự án nào mà tỉnh/huyện ghi trong các quyết định phê duyệt dự án là giao phần việc này cho trung tâm thì trung tâm mới được thực hiện. Nếu không, các hội đồng/ban GPMB thực hiện.
Do vậy, vẫn có sự cạnh tranh ngầm giữa trung tâm và các ban GPMB xem đơn vị nào được chính quyền chọn, nhất là các dự án có dùng vốn ngân sách. Các trung tâm cần phần việc này để tạo nguồn thu. Phía ban GPMB cũng không muốn người khác làm thay phần việc của mình vì thực ra cuối cùng nếu trung tâm phát triển quỹ đất được giao thì thực tế vẫn phải thuê lại bộ phận GPMB ở huyện, xã thực hiện nếu dự án đó nằm tại địa bàn huyện, xã.
Công việc của các trung tâm là GPMB với điều kiện phải tự ứng vốn trước. Đổi lại họ được nhận khoản thu 2% từ tổng kinh phí GPMB từng dự án. Nhưng tiền GPMB ít cũng phải vài chục đến vài trăm tỉ, thậm chí cả ngàn tỉ đồng. Mới được thành lập mấy năm, các trung tâm này lấy đâu ra nguồn thu cỡ đó để ứng vốn GPMB như Thông tư số 57/2010/TT-BTC và Thông tư số 01/2010 của liên bộ Tài chính - TN-MT - Nội vụ hướng dẫn về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ và cơ chế tài chính.
Vì không có tiền, các trung tâm đều muốn nhận GPMB các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách. Cơ chế ứng vốn ngân sách, về lý sẽ khó hơn nhưng thực tế lại dễ “chia chác” với bên cho ứng hơn là các dự án dùng vốn doanh nghiệp để GPMB vì ứng vốn GPMB cho doanh nghiệp sẽ áp dụng cơ chế quản lý tài chính chặt chẽ hơn.
Lãnh đạo một công ty chuyên đầu tư về hạ tầng cho biết mô hình hoạt động của các trung tâm này thực ra không giúp gì cho doanh nghiệp. Ông là chủ đầu tư một dự án hạ tầng mà UBND tỉnh giao cho trung tâm phát triển quỹ đất làm nhiệm vụ GPMB đã hơn ba năm nay. Từ đó đến nay công việc tiến triển không đáng kể. Phần việc làm được (ví dụ như kiểm kê đất đền bù, GPMB) thì chủ yếu do chủ đầu tư phải trực tiếp thực hiện và trung tâm chỉ hoàn tất về thủ tục.
Lý do là các trung tâm thiếu nhân lực, vật lực để làm việc này. Khó nữa là để nhận được 2% từ các công trình bồi thường GPMB, trung tâm phải lập dự toán, phân bổ kinh phí phối hợp với ban GPMB từ huyện đến xã và đến phần việc của huyện, xã thì vẫn phải thuê lại ban GPMB ở đó làm chứ không thể làm thay. Do vị trí pháp lý nửa vời nên tiếng nói của trung tâm xuống huyện, xã thường ít có trọng lượng, nhất là trong việc chỉ đạo các ban GPMB phải làm việc này, việc khác.
Bất cập là thế, song điều 24 và điều 71 của dự thảo Luật Đất đai mới nhất (chỉnh sửa hôm 6/9) tiếp tục giữ lại quy định cho phép thành lập các tổ chức phát triển quỹ đất như một dịch vụ công để GPMB. Phía Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại yêu cầu Chính phủ quy định lộ trình kiện toàn tổ chức này theo hướng chuyên nghiệp để thay thế hoạt động của hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và chuyển tổ chức phát triển quỹ đất sang mô hình doanh nghiệp phát triển quỹ đất.
Như vậy là Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhìn thấy không thể để các trung tâm phát triển quỹ đất tồn tại trong bộ máy hành chính song vẫn cho nó có mặt trong quy định của dự luật là điều khó giải thích./.
Ngọc Lan
- Quy hoạch không còn phù hợp: Phải điều chỉnh
- TP.HCM quy hoạch 1/500 khu công viên Mũi Đèn Đỏ và khu nhà ở đô thị
- Công trình từ 2.500m2 bắt buộc sử dụng năng lượng hiệu quả
- “Đề xuất của Tân Tạo cho dự án điện chưa hề có tiền lệ”
- TP Huế: Kêu gọi đầu tư vào các khu đất "vàng"
- Đầu tư hạ tầng: Kêu gọi PPP “kiểu mới”
- Những dự án casino "khủng" sắp mở tại Việt Nam
- Kiến nghị thu thuế đất phi nông nghiệp thay tiền sử dụng đất
- Công bố sai phạm tại dự án Trường THPT Amsterdam Hà Nội
- Đề xuất táo bạo về đất đai tại Phú Quốc