Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Đầu tư hạ tầng: Kêu gọi PPP “kiểu mới”

Đầu tư hạ tầng: Kêu gọi PPP “kiểu mới”

Viết email In

Với nguồn vốn ngân sách hạn hẹp hiện nay, việc kêu gọi các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, đặc biệt là mô hình hợp tác công tư (PPP), cho đầu tư hạ tầng giao thông, đô thị đang được xem là ưu tiên hàng đầu của TP HCM. Tuy nhiên, mô hình này cần được thay đổi như thế nào cho hiệu quả ? 

TP HCM mới đây có văn bản gửi các bộ ngành liên quan, đề nghị được kêu gọi đầu tư bằng hình thức PPP (hợp tác công tư) vào một số công trình hạ tầng kỹ thuật quan trọng của thành phố như cầu Rạch Chiếc trên đường Vành đai phía Đông, đường nối Vành đai phía Đông với Xa lộ Hà Nội, Nhà ga hành khách xe buýt tại Bến xe.  


Cầu Phú Mỹ - một trong những dự án thành công trong việc đầu tư dạng PPP. 
 

Doanh nghiệp “xa lạ” với hình thức xã hội hóa “quen thuộc” 

Theo ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM - đơn vị có số dự án được thực hiện từ các nguồn xã hội hóa lớn nhất TPHCM, từ đầu năm 2013 đến nay, hầu như không có nhà đầu tư nào đặt vấn đề đầu tư xây dựng công trình giao thông từ các hình thức xã hội hóa “quen thuộc” như BT (xây dựng-chuyển giao), BOT (xây dựng-thu hồi vốn-chuyển giao)…. 

Ông Cường phân tích: Đối với hình thức BT, nhà đầu tư ứng vốn ra xây dựng công trình và sau đó ngân sách Nhà nước chi trả lại là một thách thức không chỉ đối với Nhà nước mà còn với cả DN vì trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, Nhà nước rất khó thực hiện được cam kết này. Nhà nước giao đất cho nhà đầu tư, nhà đầu tư khai thác và tìm kiếm lợi nhuận để bù đắp vào chi phí xây dựng (đổi đất lấy hạ tầng). Trước khi thị trường địa ốc đóng băng - là một trong những giải pháp hấp dẫn DN. Tuy nhiên, hiện nay giải pháp đó đã không còn phát huy tác dụng; Còn đầu tư theo hình thức BOT, khó khăn ở chỗ, các quy định của Nhà nước không cho phép đặt quánhiều trạm thu phí giao thông. Mặt khác, Nhà nước lại đang thực hiện thu phí bảo trì đường bộ và sử dụng khoản thu này để bảo trì và phát triển hệ thống giao thông thay cho việc lập trạm thu phí. 
 

Nhà nước chia sẻ lợi nhuận và rủi ro 

Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Hồng cho biết: Hiện nay vốn đầu tư hạ tầng từ ngân sách thành phố chiếm khoảng 12%/năm, giảm nhiều so với tỉ lệ 20% trước đây, điều đó cho thấy TP HCM rất chú trọng việc kêu gọi vốn đầu tư hạ tầng ngoài ngân sách. Hiện trong thu hút vốn nước ngoài, thành phố đang tiếp nhận nguồn vốn từ Cơ quan Phát triển Pháp dành cho các chính quyền địa phương (AFD) và Ngân hàng Thế giới (World Bank). Đây là nguồn vốn để tư nhân, các thành phần kinh tế không thuộc Nhà nước vay. Trong đó, AFD tập trung vào dự án công trình phúc lợi, bệnh viện..., còn World Bank dành nhiều cho hạ tầng. Đây là hai nguồn vốn lớn thành phố đã huy động và thực hiện trong nhiều năm qua. Bà Hồng cho biết, vừa rồi TP HCM cũng đã hoàn thiện dự án 50 triệu USD về cơ sở hạ tầng đúng kế hoạch năm năm theo cam kết giữa TP HCM và World Bank, đồng thời đang chuẩn bị đề án để nhận nguồn vốn tiếp theo từ tổ chức này. 

Hiện nay, để thúc đẩy mô hình PPP, TP HCM thành lập tổ công tác PPP, đẩy mạnh cơ chế một cửa. 

Thực tế, nếu căn cứ vào tính hỗ trợ của Nhà nước trong các dự án thì TPHCM đã thực hiện khá nhiều công trình phát triển hạ tầng kỹ thuật bằng hình thức PPP. Điển hình là công trình xây dựng cầu Phú Mỹ nối quận 7 với quận 4. Trong công trình này, TPHCM đã bảo lãnh cho chủ đầu tư vay vốn ở các tổ chức tín dụng nước ngoài. Nhiều công trình khác, TPHCM đã chi tiền giải phóng mặt bằng, tổ chức tái định cư cho người dân để nhà đầu tư có mặt bằng thực hiện dự án… Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đó mới là hình thức PPP “sơ khai”. Sự tham gia của Nhà nước đối với DN mới dừng ở mức…“đứng ngoài” hỗ trợ và tạo điều kiện thực hiện công trình. Nhà nước chưa thực sự cùng chia lợi nhuận cũng như rủi ro với nhà đầu tư. “Phải chuẩn hóa, luật hóa sự tham gia của Nhà nước với DN trong công tác đầu tư, thì hình thức PPP mới hấp dẫn, mới khả thi” - ông Lê Bình, TCty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (CII) - một trong những nhà đầu tư tham gia xây dựng nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật của TPHCM nhấn mạnh. 

Phá rỡ ba “rào cản” 

Theo ông Lê Bình, có ba vấn đề đang được các nhà đầu tư quan tâm. Một là vốn để đầu tư. Số vốn này thường rất lớn mà đa phần các nhà đầu tư phải vay mới đủ để thực hiện công trình. Việc đi vay không dễ dàng do số vốn lớn và thời gian vay dài. Do vậy, Nhà nước nên có quy định cụ thể về bảo lãnh vay cho DN, nhất là vay từ các nguồn vốn ODA. Hai là vấn đề hoàn vốn. Với các DN cổ phần và có phát hành cổ phiếu ra bên ngoài, Nhà nước nên ưu tiên hoàn vốn cho DN trước để thu hút thêm nguồn lực trong dân. Cuối cùng là Nhà nước nên tổ chức đấu thầu các dự án PPP; Nhà nước kiểm soát chất lượng dự án và tổng mức đầu tư, còn lại “khoán” cho DN chủ động thực hiện công trình…

Theo Sở Kế hoạch - đầu tư TP HCM, việc triển khai thực hiện các dự án theo mô hình PPP hiện đại còn rất nhiều thử thách, đặc biệt trong 10 năm tới khi một số dự án BOT “truyền thống” được chuyển giao lại cho thành phố, các ưu khuyết điểm của hình thức này mới được nhận diện hoàn chỉnh. Nhưng rõ ràng một hình thức xã hội hóa đầu tư hạ tầng kỹ thuật mới, khả thi hơn đang là yêu cầu bức thiết hiện nay đối với thành phố.

TP HCM đề xuất 6 dự án đầu tư PPP 

TP HCM vừa trình Bộ Kế hoạch - đầu tư danh mục sáu dự án kêu gọi đầu tư PPP để trình Chính phủ thông qua, đưa vào danh mục các dự án thí điểm thực hiện theo hình thức PPP của cả nước. Ước tính tổng giá trị của các dự án khoảng 13.800 tỉ đồng, chủ yếu thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng, giảm thất thoát nước. 

Thảo Nguyễn 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 4081 khách Trực tuyến

Quảng cáo