Kiêm Trưởng ban Quản lý khu kinh tế Quảng Trị, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng có lẽ hiểu rất rõ về các khu kinh tế hiện nay, và vì thế, ông quan tâm nhiều đến vấn đề “hội chứng”, mà việc hình thành các nhà máy lọc dầu, là ví dụ.
“Hiện nay có nhiều địa phương trong cả nước không có dầu, nhưng vẫn được cấp phép khởi công xây dựng nhà máy lọc dầu, từ đó thông tin dư luận cho đây như một hội chứng”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nói.
Còn nhận xét chung về các khu kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển gọi đó là “nở rộ”.
Vượt quá khả năng ngân sách
Đến nay cả nước có 18 khu kinh tế được quy hoạch với tổng diện tích mặt đất và mặt biển 730.553 ha, trong đó có 15 khu kinh tế ven biển đã được thành lập với diện tích quy hoạch là 662.249 ha và 3 khu kinh tế ven biển được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch đến năm 2020, gồm khu kinh tế Thái Bình; khu kinh tế Ninh Cơ và khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị với tổng diện tích 68.304 ha.
Một nguồn tiền khổng lồ cũng đã đổ vào đây. Mỗi năm, chỉ tính riêng tiền đầu tư cho hạ tầng cũng lên đến hàng nghìn tỷ đồng, bởi các khu kinh tế đều được hỗ trợ vốn từ ngân sách trung ương để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội và các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng quan trọng; đầu tư hạ tầng ngoài các khu chức năng, đền bù giải phóng mặt bằng các khu chức năng, xây dựng công trình xử lý nước thải và chất thải rắn.
Như trong năm 2010, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ xây dựng hạ tầng khu kinh tế là 11.361 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn từ ngân sách, khu vực này còn thu hút hàng ngàn tỷ đồng từ các nguồn vốn khác. Lũy kế đến hết năm 2010, tổng số vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong các khu kinh tế trên cả nước là gần 170.000 tỷ đồng.
Đã giám sát rất kỹ về lĩnh vực này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng chủ trương xây dựng các khu kinh tế để hình thành các khu vực kinh tế năng động, thúc đẩy sự phát triển chung, tạo tiền đề thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài là đúng đắn để nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất, mặt nước, tạo điều kiện cho các địa phương giải quyết việc làm, thu hút lao động có trình độ tay nghề cao.
Tuy nhiên, với tổng diện tích đất dành cho việc xây dựng 15 khu kinh tế đã được thành lập là 662.249 ha (dự kiến còn tăng lên), nhiều địa phương đặt mục tiêu thu hút vốn vào khu kinh tế ở mức hơn 40 tỷ đồng, thậm chí 60-70 tỷ đồng/ha, là mức huy động rất khó thực hiện trong bối cảnh phát triển kinh tế suy giảm như hiện nay, đồng thời vốn đầu tư từ ngân sách cũng đang bị thắt chặt.
Việc thành lập nhanh các khu kinh tế kéo theo nhu cầu vốn đầu tư đang vượt quá khả năng cân đối của ngân sách quốc gia, nên nhiều khu kinh tế đang gặp khó khăn trong việc triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ, đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu vận hành và thu hút đầu tư.
Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế còn nhấn mạnh, mặc dù các tiêu chí thành lập khu kinh tế đã được thể chế hóa trong Nghị định 29 của Chính phủ, song thực tiễn việc thành lập một số khu kinh tế hiện nay chỉ đáp ứng được mục tiêu triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển khu kinh tế đến năm 2020 mà không có tính khả thi để trở thành khu kinh tế.
Sẽ có luật về khu kinh tế
Mới đây, trả lời bằng văn bản nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, ông Phùng Đức Tiến về thực trạng quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu đô thị, Bộ Xây dựng cũng nhìn nhận, trên cả nước, hình thành quá nhiều khu kinh tế, quy mô các khu kinh tế quá lớn, dẫn đến lãng phí đất đai, nguồn lực thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung. Nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.
Bộ này cũng cho biết, trước mặt, tập trung rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp cả nước đến năm 2020 theo hướng kiên quyết giảm diện tích, đưa ra khỏi quy hoạch các khu công nghiệp chậm triển khai, không có khả năng triển khai trên thực tế.
Đồng thời nghiên cứu điều chỉnh các văn bản pháp luật có liên quan về cơ chế, chính sách đầu tư phát triển và quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp đảm bảo hiệu quả và có tính cạnh tranh cao, tiến tới hình thành Luật Khu kinh tế.
Được biết, trong giai đoạn 2013 - 2015, chỉ còn 5 nhóm khu kinh tế ven biển được tập trung tối thiểu 65% ngân sách Trung ương bao gồm: khu kinh tế Chu Lai - Dung Quất (Quảng Nam - Quảng Ngãi); Nghi Sơn (Thanh Hóa); Đình Vũ (Hải Phòng); Phú Quốc (Kiên Giang); Vũng áng (Hà Tĩnh).
Đối với khu kinh tế cửa khẩu, cũng chỉ tập trung đầu tư vốn ngân sách từ 6 - 10 khu kinh tế có khả năng giao lưu, thương mại lớn tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam kết hợp với nhiệm vụ an ninh, quốc phòng gồm: khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn (Lạng Sơn), khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai (Lào Cai), khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), khu kinh tế thương mại Lao Bảo (Quảng Trị), khu kinh tế Bờ Y (KonTum), khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), khu kinh tế cửa khẩu An Giang (tỉnh An Giang).
Đoàn Trần
- Bình Dương dời trung tâm hành chính, địa ốc kỳ vọng
- Tân cảng Sài Gòn sẽ thành khu đô thị đa chức năng
- Công viên châu Á ở Đà Nẵng sẽ hoạt động năm 2014
- Hà Nội yêu cầu thực hiện các dự án đầu tư trong Khu đô thị Tây Hồ Tây
- Hà Nội: Bàn giao quy hoạch chi tiết Khu chức năng đô thị Ao Sào
- Soi khối nợ "khủng" của HUD, Vinaconex, Sông Đà
- TPHCM còn hơn 17.000 căn hộ chờ người mua
- Công ty Mỹ nhảy vào dự án địa ốc 2,5 tỷ USD tại Vũng Rô
- Hà Nội sắp tổng kiểm tra việc sử dụng đất tại các dự án
- Hà Nội cưỡng chế đất xây khu đô thị mới Tây Hồ Tây