Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Chuyên mục Bất động sản Nhìn lại năm 2011 thăng trầm của thị trường bất động sản

Nhìn lại năm 2011 thăng trầm của thị trường bất động sản

Năm 2011 là một năm đầy sóng gió với trường bất động sản, chủ yếu là do tín dụng bị thắt chặt, lực cầu yếu.

Cùng điểm lại 7 sự kiện tiêu biểu nhất tác động đến sức khỏe của thị trường bất động sản trong năm qua.

1. Thắt chặt tín dụng bất động sản

Tháng 2/2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11 về yêu cầu Ngân hàng nhà nước (NHNN) giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với năm 2010, nhất là lĩnh vực bất động sản.


Giá bất động sản rớt mạnh sau khi đạt đỉnh vào tháng 3/2011.

Biện pháp này khiến thị trường  bất động sản  vô cùng khó khăn do thiếu đi nguồn vốn đáng kể từ các ngân hàng. Hệ quả là nhiều doanh nghiệp chậm tiến độ dự án, thậm chí phải “bán tháo” hàng loạt vì không đủ vốn triển khai tiếp. Chênh lệch giữa cung - cầu rõ rệt, giá  bất động sản  rớt mạnh trên cả hai thị trường miền Nam và miền Bắc.

Trước những khó khăn trên, tháng 11/2011, NHNN đã cho phép loại trừ 4 nhóm có nhu cầu vay vốn thuộc lĩnh vực bất động sản ra khỏi tỷ trọng tín dụng phi sản xuất. Mới đây, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 2196 cho phép mở biên độ cho tín dụng cho vay bất động sản bằng các giải pháp thúc đẩy xây dựng nhà ở xã hội, cho vay mua nhà với người thật sự có nhu cầu…

Có thể nói, những quyết định trên phần nào giúp các doanh nghiệp bất động sản “dễ thở” hơn sau một thời gian dài trầm lắng, chịu đựng… dù với họ, cánh cửa “nới lỏng” ấy vẫn còn quá hẹp.

2. Ban hành Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030

Theo đó, tỷ lệ nhà ở chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại Hà Nội và TPHCM đạt trên 80%, đô thị từ loại I đến loại II đạt trên 50%, đô thị loại III đạt trên 30%... 

Lần đầu tiên, trong chiến lược nhà ở đặc biệt quan tâm đến nhà ở xã hội. Trong giai đoạn 2016 - 2020, phấn đấu xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội.

Đến năm 2030, phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn quốc khoảng 30 m2 sàn/ người, diện tích nhà ở tối thiểu 12m2 sàn/người.

Chiến lược cũng đặt mục tiêu đến 2015 đáp ứng cho khoảng 60% số sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề và 50% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở; hoàn thành việc hỗ trợ cho khoảng 400 nghìn hộ gia đình (theo chuẩn nghèo mới) tại khu vực nông thôn cải thiện nhà ở.

3. Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung Hà Nội



Tháng 7/2011, Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, trung tâm hành chính - chính trị quốc gia vẫn đặt tại Ba Đình. Tuy nhiên, một số bộ, ngành sẽ chuyển trụ sở đến khu Mỹ Đình và khu Tây Hồ Tây. Không quy hoạch các cơ quan Chính phủ tại Ba Vì…

Đặc biệt, Hà Nội có khu vực hành lang xanh nằm giữa khu trung tâm và các đô thị vệ tinh. Theo tính toán của các chuyên gia, để thực hiện được dự án này thì số vốn phải lên tới 300, thậm chí là 400 tỷ USD. Ước tính, 20 năm cho Hà Nội bằng 4 năm GDP của cả nước.

Bản quy hoạch Thủ đô  nếu được thực thi nghiêm túc thì trong vòng vài chục năm nữa Hà Nội sẽ là Thủ đô mà nhiều nước trên thế giới phải ngước nhìn. Tuy nhiên, kết quả thế nào, phải mất một thời gian khá dài nữa chúng ta mới có thể đánh giá.

4. Vốn FDI  đổ vào bất động sản năm 2011 giảm kỷ lục

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 11/2011, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản chỉ đạt hơn 464 triệu USD. Đây cũng là mức thấp kỷ lục trong vòng 5 năm qua.

Năm 2008, vốn FDI đổ vào bất động sản  đạt 23 tỷ USD, năm 2009 vốn FDI đạt 21,48 tỷ USD. Năm 2010 mặc dù khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng FDI dành cho bất động sản đạt 6,8 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của sự sụt giảm này là do các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ lớn đang gặp khó khăn về tài chính vì vậy không thể tiếp tục mở rộng đầu tư mà chỉ tập trung hoàn thành các dự án đã triển khai. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản Việt Nam cũng đang gặp rất nhiều vấn đề như không có tính thanh khoản, giá giảm mạnh vì vậy không tạo sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài.


Vốn FDI vào bất động sản sụt giảm nghiêm trọng.

5. Thanh tra các sàn BĐS, phát hiện nhiều sai phạm

Trong 6 tháng đầu năm, Thanh tra Bộ Xây dựng đã thanh tra, kiểm tra 128 sàn giao dịch bất động sản (62 sàn ở Hà Nội, 66 sàn ở TPHCM), phát hiện rất nhiều sai phạm, xử phạt tổng số 1,62 tỷ đồng.

Hành vi vi phạm về hoạt động xây dựng đối với các sàn giao dịch bất động sản gồm: các chủ đầu tư bán bất động sản không thông qua sàn, khai khống vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án, bán bất động sản không đủ điều kiện, huy động vốn vượt quá 70% khi chưa xong phần móng.

Các sàn giao dịch bất động sản đã bán bất động sản không đúng trình tự thủ tục; việc thành lập, hoạt động của sàn giao dịch bất động sản không đúng quy định; không đủ nhân viên có chứng chỉ hành nghề môi giới, định giá; bán bất động sản không đủ điều kiện…

Theo báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, hiện trên cả nước có tới 913 sàn giao dịch bất động sản đăng ký hoạt động, nhưng đa phần hoạt động không hiệu quả. 

6. Phê duyệt và khánh thành nhiều dự án lớn

Tháng 6/2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) với tổng số vốn ước tính 10 tỷ USD, dự kiến khánh thành trước năm 2020.

Ngày 16/12, Hà Nội khởi công cầu vượt sông Hồng lớn nhất trên vành đai 5. Cầu Vĩnh Thịnh nằm trên quốc lộ 2C có chiều dài 5,5 km, rộng 16,5 m với 4 làn xe, vốn đầu tư khoảng 6,2 triệu USD.


Phối cảnh cầu Vĩnh Thịnh bắc qua sông Hồng

Bên cạnh đó, năm 2011 được coi là năm hoàng kim của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng. Trong bối cảnh khó khăn của nền kinnh tế và tình hình u ám chung của thị trường bất động sản, vẫn có hàng loạt các dự án bất động sản nghỉ dưỡng chào hàng. Giới đầu tư nhận định rằng, xu hướng người dân có nhu cầu sở hữu căn nhà thứ hai là một nơi để nghỉ ngơi, giải trí sẽ ngày càng phát triển. Ngoài tính an toàn cao, số tiền đầu tư lớn nên phân khúc này sẽ chủ yếu hướng đến những người có nhu cầu thực thay vì nhà đầu cơ lướt sóng.

Cũng phải kể đến một xu hướng đầu tư trong năm qua là sự ra đời của khá nhiều dự án du lịch sinh thái lớn trên cả nước, như 12 dự án du lịch sinh thái ở Tây Ninh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế, Hậu Giang...

7. Thu hồi nhiều dự án

Năm 2011 cũng là năm hàng loạt các dự án bất động sản lớn bị rút giấy phép. Điển hình là một số dự án của nhà đầu tư nước ngoài đăng ký vốn “khủng” như dự án bãi biển Rồng (Quảng Nam) đăng ký 4,15 tỉ USD, dự án hồ Tràm Asian Coast (Bà Rịa - Vũng Tàu); dự án Thành phố sáng tạo (Phú Yên), dự án khu công viên văn hóa Thế giới kỳ diệu (Bà Rịa - Vũng Tàu) có vốn đăng kí 1,3 tỷ USD...


Siêu dự án 4,15 tỷ USD Bãi Biển Rồng đã bị rút giấy phép.

Bên cạnh đó, hàng loạt dự án lớn đã bị các địa phương thu hồi hoặc bị “dọa” thu hồi do chậm tiến độ. Điển hình, trong nửa đầu tháng 11, đã có hàng trăm dự án bất động sản bị thu hồi và kiến nghị thu hồi.

Tuy nhiên, do không thu xếp được vốn, không có năng lực thực hiện và cũng không thể chuyển nhượng, nhiều doanh nghiệp đành chấp nhận bỏ hoang, để dự án treo.

Năm 2012, bất động sản Việt Nam dự kiến vẫn sẽ còn nhiều khó khăn vì nguồn vốn chưa thực sự được khai thông dù NHNN đang nỗ lực tháo gỡ nút thắt vốn đầu tư cho các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp bất động sản nói riêng.

Trâm Anh (DVT)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm