Đề án Quản lý nhà biệt thự trên địa bàn TP Hà Nội vừa được HĐND TP thông qua và đang trình Chính phủ phê duyệt. Theo Đề án này, trong số 970 ngôi biệt thự do TP quản lý, sẽ có 588 biệt thự được bán theo Nghị định (NĐ) 61. Với một tài sản không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn về văn hóa, dư luận đang lo rằng liệu sau khi bán, những ngôi biệt thự kia có bị mất đi khi những người chủ mới của nó cho rằng: nhà của tôi tôi muốn làm gì thì làm.
Bán do không quản lý được
Ngôi biệt thự số 8 Tăng Bạt Hổ là nơi sinh sống của 51 hộ gia đình. Trước đây ngôi nhà thuộc quyền quản lý của một đơn vị quân đội, sau phân làm nhà ở cho cán bộ, công nhân viên trong đơn vị. Nhiều hộ gia đình đã về đây sinh sống từ những năm 1969 -1970. Căn phòng rộng chừng 20m2 cả công trình phụ, bếp, toa-lét… là tổ ấm của vợ chồng chị Nguyễn Thị Mơ cùng 2 đứa con. Chị Mơ cho biết, những hộ khác cũng không khá hơn nhà chị là mấy, nhất là những hộ sống tại tầng 1 của ngôi nhà. Có nhà thực chất chính là gầm cầu thang, hoặc ga ra ô tô, được cải tạo, cơi nới và trở thành nơi sinh sống của hai, ba thế hệ gia đình. Chật chội như vậy, nhưng được biết trước đây đơn vị quân đội này đã tính đến việc di dời các hộ dân đi nơi khác nhưng bất thành bởi các hộ dân không đồng tình di chuyển. Và hiện nay, họ cho biết đơn vị đang hướng dẫn họ làm hồ sơ để gửi lên TP để được mua nhà NĐ 61. Một hộ dân ở đây cũng cho biết: Chật chội thì chật chội, cứ được mua nhà đã rồi tính sau!
Trong số 970 biệt thự do TP quản lý, có tới 804 biệt thự được dùng để ở. Qua khảo sát, số biệt thự có 1 - 2 hộ ở chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 5%, còn lại 90% là có từ 5 - 15 hộ sinh sống, thậm chí có những biệt thự phải chứa tới 35 - 50 hộ. |
Hầu hết các ngôi biệt thự của Hà Nội đều nằm trong hoàn cảnh như biệt thự số 8 Tăng Bạt Hổ này. Do thiếu kinh phí sửa chữa, cải tạo nên nhiều biệt thự đã xuống cấp trầm trọng. Theo ý kiến của một số nhà quản lý đô thị, trong khi không quản lý được quỹ nhà này thì buộc phải bán nhà cho dân, bởi vì đây là cách duy nhất để quản lý.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đỗ Xuân Anh (cơ quan chủ quản) cho biết: Bán hay không bán đều là mục đích để quản lý được các nhà biệt thự này. Việc quản lý được xét trên toàn diện quỹ nhà hiện có chứ không phải chỉ quản lý những nhà không bán. Chính vì vậy, TP đã đặt ra việc bảo tồn, tôn tạo các biệt thự dựa trên việc xác định các cấp độ.
Phân hạng rõ ràng để quản lý
Theo Đề án Quản lý nhà biệt thự, biệt thự cấp độ 1 tức là có giá trị về kiến trúc, bảo tồn nguyên trạng về không gian, hình dáng kiến trúc công trình, diện tích khuôn viên biệt thự, mật độ xây dựng, số hộ sử dụng. Ngoài việc quản lý theo các quy định về nhà ở, đất ở phải thực hiện theo quy định về bảo tồn, tôn tạo. Với các biệt thự cấp độ 2 cho phép cải tạo, sửa chữa nhưng phải bảo đảm các điều kiện về quy hoạch, kiến trúc, mật độ xây dựng, số hộ sử dụng. Cấp độ 3 không cần bảo tồn, tôn tạo... Tuy nhiên, về việc phân hạng này, các chuyên gia cho rằng cần phải có hội đồng chuyên môn với sự có mặt của các kiến trúc sư, các nhà sử học đánh giá về giá trị lịch sử, kiến trúc và giá trị sử dụng của các biệt thự này, bởi nếu không sẽ xảy ra tình trạng có những biệt thự có giá trị cần bảo tồn sẽ bị xếp vào cấp độ 3.
Thực tế đã có rất nhiều vụ thương thuyết, thu gom các biệt thự để phá đi xây cao ốc, văn phòng. Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học kiến trúc Hà Nội Trần Trọng Hanh cho rằng: “Cần phải có quy chế để hạn chế việc mua đi bán lại những biệt thự này. Nên chăng TP thành lập doanh nghiệp đi thu gom, mua lại các biệt thự để khai thác, sử dụng, cho thuê có hiệu quả...”. Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN cũng cho rằng, TP cần phải tính được những vấn đề quản lý sau khi bán. Ông nhấn mạnh: "Cần phải có sự “vào cuộc” các nhà chuyên môn để đưa ra kết luận chính xác, phù hợp. Khi bán cũng cần công khai toàn bộ các biệt thự, các tiêu chí của biệt thự cần bán, địa chỉ từng căn để mọi người có thể tham gia mua bán một cách khách quan. Từ đó sẽ không bỏ sót những nhà có giá trị lịch sử và bảo đảm việc mua bán được minh bạch...”. Đa số các biệt thự này đều nằm ở những vị trí nhạy cảm, trung tâm của Hà Nội, chính vì vậy dưới góc độ quản lý về kiến trúc, một số chuyên gia cũng cho rằng nếu bán thì cũng phải quản lý, cải tạo như thế nào bởi nếu không sẽ tồn tại những ổ chuột ở những khu trung tâm...
Thanh Tân
>>
- Sắp có căn hộ 150 triệu đồng?
- Đâu là lối thoát cho kinh doanh bất động sản
- Thị trường bất động sản: "Quả bom" chưa được tháo ngòi
- Lối cho kinh doanh bất động sản thời khó khăn
- Thị trường địa ốc: "Nhà đầu tư" thay đổi
- Nghịch lý thừa - thiếu trong phát triển đô thị
- Bùng nổ nguồn cung cao ốc văn phòng
- 3 yếu tố khiến bất động sản có thể "ấm" sau 2010
- Hiệu ứng giảm lãi suất
- Bất động sản Hà Nội 2009 sẽ tiếp tục ảm đạm