Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Thường xuyên cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu

Thường xuyên cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung các nguồn lực để xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó nội dung quan trọng là xây dựng và cập nhật các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên khẳng định như vậy tại Hội thảo ''Thông báo các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng'' do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, chiều 9/9 tại Hà Nội.

Việc thông báo các kịch bản này sẽ góp phần quan trọng trong việc đánh giá tác động để hoạch định các chính sách, kế hoạch ngắn hạn và dài hạn cho từng lĩnh vực, từng địa phương. Càng sớm có các giải pháp thì sẽ hạn chế được thiệt hại, nhất là cho người nghèo.

  • Ảnh minh họa : Hồ Cầu

Ông Peter Hansen, Đại sứ Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam cho rằng biến đổi khí hậu rất cần phổ biến tuyên truyền tới mọi người dân hiểu song đây không phải là vấn đề dễ hiểu. Những kịch bản được Bộ Tài nguyên và Môi trường thông báo sẽ là những tài liệu quan trọng để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và người dân hiểu thêm về thách thức toàn cầu này.

Tại Hội thảo, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, Tổ trưởng Tổ soạn các kịch bản này đã trình bày các kịch bản với các dự báo về tăng giảm nhiệt độ, lượng mưa, mức độ ngập lụt ở các vùng.

Theo đó, vào giữa thế kỷ XXI, mực nước biển có thể dâng thêm 30cm và đến cuối thế kỷ 21 có thể dâng thêm 75cm so với thời kỳ 1980-1999.

Phó Giáo sư Trần Thục cho biết, do tính phức tạp của biến đổi khí hậu và những hiểu biết chưa thật đầy đủ về biến đổi khí hậu của Việt Nam cũng như thế giới, các kịch bản được đưa ra ở mức trung bình, hài hòa nhất.

>> Kịch bản biến đổi khí hậu: Hơn 1/3 ĐBSCL bị ngập 

Biến đổi khí hậu làm tăng bức xạ trên Trái Đất 

Các nhà khoa học Canada vừa lên tiếng cảnh báo tình trạng biến đổi khí hậu sẽ tác động nhanh chóng đến bầu khí quyển và làm gia tăng khoảng 20% bức xạ tia cực tím tại một số vùng trên Trái Đất.

Trong báo cáo đăng trên tạp chí "Nature Geoscience" hai nhà khoa học Theodore Shepherd và Michaela Hegglin thuộc Đại học Toronto, Canada, cho biết khi nhiệt độ trên Trái Đất lên cao trong thập kỷ tới, sẽ có những thay đổi lớn về lưu thông không khí ở tầng bình lưu và mật độ của tầng ozone, vốn được coi là "lá chắn" bảo vệ Trái Đất khỏi bức xạ cực tím mạnh có hại từ Mặt Trời.

Sử dụng phần mềm máy tính mô phỏng để đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, hai nhà nghiên cứu dự báo trong 100 năm tới, bức xạ tia cực tím sẽ tăng 20% tại tầng bình lưu ở Nam Bán cầu vào mỗi mùa xuân và mùa hè.

Hiện tượng gia tăng bức xạ cực tím sẽ kéo theo những thay đổi với hệ sinh thái và gia tăng số người mắc bệnh ung thư da, da cháy nắng, đục thủy tinh thể.

Việc tăng bức xạ cực tím tại tầng bình lưu ở Nam Bán cầu sẽ chiếm gần 50% nguyên nhân gia tăng các lỗ thủng tầng ozone.

Tầng ozone nằm cách mặt đất từ 10 đến 50km, hấp thụ 97 - 99% các tia cực tím của bức xạ Mặt Trời và nếu tầng ozone bị suy giảm 1% sẽ dẫn đến việc gia tăng tia cực tím ở tầng bình lưu khoảng 2%.

Các chuyên gia cho biết kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Canada sẽ góp thêm tiếng nói cảnh báo về tác hại của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của nhiệt độ hành tinh đối với tầng ozone, qua đó cho thấy sự cần thiết phải đề ra các chính sách bảo vệ tầng ozone nghiêm ngặt góp phần bảo vệ tầng sinh quyển của Trái Đất./. 

 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm