Ashui.com

Tuesday
Jan 21st
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường 2 đề xuất trong quy định đánh giá tác động môi trường

2 đề xuất trong quy định đánh giá tác động môi trường

Viết email In

Luật Bảo vệ môi trường 1993 trước đây quy định về Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án đầu tư tại Điều 18, trong đó nhấn mạnh tất cả các dự án đều “phải lập báo cáo ĐTM để cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường thẩm định. Kết quả thẩm định báo cáo ĐTM là một trong những căn cứ để cấp có thẩm quyền xét duyệt dự án hoặc cho phép thực hiện“. Nghị định 175/1994/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường có 12 Điều hướng dẫn về ĐTM, trong đó Điều 11 quy định ”việc xây dựng báo cáo ĐTM đối với các dự án đầu tư được tiến hành thành 2 bước: Sơ bộ và chi tiết”. ĐTM sơ bộ được thực hiện trong giai đoạn xin cấp Giấy phép đầu tư; và ĐTM chi tiết được thực hiện trong giai đoạn thiết kế xây dựng. Nội dung ĐTM sơ bộ giúp cơ quan quản lý môi trường có đủ cơ sở cân nhắc và đưa ra các nhận xét về lựa chọn địa điểm, về lựa chọn nguyên liệu và công nghệ, từ đó đưa ra các khuyến nghị về những vấn đề/nội dung cần lưu ý khi làm ĐTM chi tiết.

Tuy nhiên do có ý kiến cho rằng việc yêu cầu dự án phải làm 2 lần báo cáo ĐTM là gây phiền hà về thủ tục hành chính nên từ 1998 (bắt đầu từ việc ban hành Thông tư 490/1998/TT-BKHCN&MT) đã loại bỏ dần dần việc thực hiện ĐTM sơ bộ và luật hoá bước sàng lọc (screening) trong quy trình ĐTM bằng việc ban hành danh mục quy định các dự án phải lập báo cáo ĐTM.

Nhược điểm của việc không thực hiện sàng lọc mà dựa hoàn toàn vào danh mục quy định các dự án phải lập báo cáo ĐTM đã làm nảy sinh nhiều lúng túng khi xuất hiện loại hình dự án mới không có trong danh mục. Thậm chí đã xảy ra trường hợp dự án sản xuất bột giấy Lee and Man tại Hậu Giang đã “suýt” không thực hiện ĐTM vì danh mục nêu trong Nghị định 80/2006/NĐ-CP đã “bỏ quên” loại hình sản xuất bột giấy; trong khi Nghị định 21/2008/NĐ-CP mặc dù bổ sung rất nhiều loại hình dự án mới (tổng cộng 162 loại hình) vào danh mục nhưng lại không có loại hình kho lưu giữ, trung chuyển chất thải nguy hại. Mặc dù vẫn có thể xếp các dự án bị bỏ sót này vào loại hình “dự án có nguy cơ ảnh hưởng xấu trực tiếp đến nguồn nước lưu vực sông, vùng ven biển, vùng có hệ sinh thái được bảo vệ” để yêu cầu phải thực hiện ĐTM, nhưng rõ ràng việc vận dụng này chỉ là giải pháp “tình thế” khiên cưỡng.

Vì vậy để vừa đảm bảo ý nghĩa và hiệu quả của ĐTM như một công cụ ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, vừa đảm bảo tính hợp lý và thống nhất giữa các bước trong quy trình ĐTM với quy trình xây dựng và triển khai dự án đầu tư, chỉ có thể lựa chọn 1 trong 2 đề xuất sau đây:

- Yêu cầu chủ dự án thực hiện nghiên cứu khả thi ngay trong giai đoạn xin cấp Giấy phép đầu tư: Việc có các thông tin chi tiết về phương án kỹ thuật, công nghệ và nguyên liệu, nhiên liệu và hóa chất không những giúp ĐTM đưa ra các dự báo và đánh giá định lượng mà còn giúp các cơ quan thẩm định về công nghệ, xây dựng, tài chính có đủ cơ sở đưa ra các kết luận xác đáng về việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên nghiên cứu khả thi đòi hỏi quá nhiều thời gian, kinh phí và vì thế trở thành gánh nặng vật chất đối với chủ đầu tư nếu dự án không được chấp thuận (và hệ lụy kéo theo là sẽ có nguy cơ trở thành gánh nặng “tinh thần” đối với cơ quan quản lý trong việc thực hiện chủ trương thông thoáng thủ tục, kêu gọi đầu tư);

- Quy định 2 bước thực hiện ĐTM: Tất cả các dự án đều phải trình nộp báo cáo ĐTM sơ bộ trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Cơ quan quản lý môi trường trong quá trình thẩm tra đầu tư sẽ xem xét báo cáo ĐTM sơ bộ để cân nhắc và đưa ra các kết luận đánh giá về lựa chọn địa điểm, về lựa chọn nguyên liệu và công nghệ và yêu cầu dự án có hay không phải trình nộp thẩm định báo cáo ĐTM chi tiết (với những khuyến nghị về vấn đề/nội dung cần đặc biệt lưu ý) trong giai đoạn thiết kế xây dựng. Như vậy danh mục quy định các dự án phải lập báo cáo ĐTM sẽ được loại bỏ khỏi các văn bản pháp luật liên quan. Nói chung không cần thiết phải tổ chức Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM sơ bộ, trừ những dự án có vấn đề phức tạp; dĩ nhiên điều này sẽ đòi hỏi cần thiết nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm và tâm huyết của các cán bộ trong các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.

Lê Hoàng Lan

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...