Không nhằm mục đích thống kê đầy đủ các hình thức chiếu sáng, những hình ảnh sau đây minh hoạ cho những quan sát về ý tưởng chiếu sáng đêm ở một số không gian công cộng tại Úc.
Do tính chất đa dạng người sử dụng và đan xen nhiều hoạt động, chiếu sáng đêm trong không gian công cộng cần có sự quan tâm mang tính chuyên biệt trong thiết kế so với chiếu sáng đêm trong nội thất công trình. Điều kiện cần là chiều sáng đủ và điều kiện đủ cũng là... vừa đủ, bởi chiếu sáng quá nhiều đôi khi cũng gây nên hiệu quả xấu không kém việc thiếu sáng, chưa kể đến lãng phí năng lượng. Các nhà chuyên môn thường xem chiếu sáng đường phố và không gian công cộng không chỉ là yêu cầu kỹ thuật, hay đảm bảo sáng sủa an toàn, mà còn là tạo nên một vẻ đẹp đêm lộng lẫy và diện mạo về đêm đẹp hơn cho các công trình.
Dải lụa đèn treo dọc suốt trục đường mua sắm ở Bourke Street Mall
Lộng lẫy mùa lễ hội
Cũng như nhiều nơi trên thế giới, lễ hội là dịp để những nhà thiết kế sáng tạo nên những điểm đặc sắc nhất cho không gian công cộng để đánh dấu thời khắc đặc biệt trong năm. Như ở thành phố Melbourne, mỗi năm đều có những giải pháp trang trí bằng màu sắc và ánh sáng cho mùa Giáng sinh và năm mới, trong đó luôn có một số nơi đặc sắc nhất và luôn khác biệt với những năm trước. Dải lụa đèn treo dọc suốt trục đường mua sắm ở Bourke Street Mall hay bức tranh đèn khổng lồ đầy ý nghĩa với những dòng trích đoạn của Kinh Thánh ở quảng trường thành phố là những điểm đặc biệt nhất trong mùa Giáng sinh năm ngoái ở Melbourne.
Những dòng trích đoạn Kinh Thánh bằng đèn ở quảng trường thành phố
Muôn màu kiến trúc đêm
Để làm cho những công trình kiến trúc trở nên lung linh huyền ảo hơn và phô diễn vẻ đẹp riêng của mình trong toàn cảnh “buổi dạ tiệc đêm” đầy sắc màu ánh sáng, các nhà thiết kế đã thử nghiệm nhiều hình thức và kỹ thuật chiếu sáng khác nhau tuỳ theo thực tế công trình. Đó có thể là phủ sáng chan hoà theo mảng hoặc “đánh” ánh sáng tập trung cho từng phần công trình. Một số vị trí có thể dùng chiều sáng ngược từ dưới lên hay đơn giản là kiềm chế mức độ sáng theo kiểu “viền nét”... Tất cả đều tạo nên những điểm nhấn hay cột mốc rực rỡ về đêm mang tính ghi dấu trong không gian đô thị.
Công viên Birrarung Marr
Rực rỡ theo bước chân
Các không gian giao thông luôn là nơi chiếu sáng dễ mà khó, bởi người tham gia giao thông cần ánh sáng đúng và đủ trước khi có thời gian thưởng ngoạn ánh sáng đẹp. Chiếc cầu đi bộ William Barak là một trong những điểm thu hút du khách, cũng như là nơi nhiều người dân thành phố biết đến không chỉ vì đó là cầu nối giữa công viên Birrarung Marr và công viên Yarra. Giải pháp chiếu sáng ở đây với ánh sáng vàng rực được điều tiết khá mềm mại từ hai bên lan can đã làm cho chiếc cầu trở thành “con đường ánh sáng” rực rỡ, soi sáng những bước chân chậm rãi của khách bộ hành, nối hai “điểm sáng đêm” khác là quảng trường Liên bang (Federation Square) và khu liên hợp thể thao MCG (Melbourne Cricket Ground).
- Từ Central Park nghĩ về công viên Thống Nhất
- Istanbul - nơi giao thoa của những điều kỳ lạ
- Tháp Tokyo: Nơi tương lai nước Nhật đã đi qua
- Tangier - Thành phố huyền thoại lột xác
- Mỹ: Tạo sự hồi sinh cho các không gian công cộng ở Los Angeles
- Tạo sự hoành tráng và đổi mới cho không gian công cộng ở Barcelona
- Không gian công cộng trong lòng đất
- Các bài học từ Phố Đông của Thượng Hải
- Khu nhà vườn Rodeløkka của Oslo - một lối sống Bắc Âu
- Tìm hiểu nghề thiết kế đô thị tại Anh