Ashui.com

Friday
Nov 29th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Giảm tải vùng lõi đô thị

Giảm tải vùng lõi đô thị

Đã có những nghiên cứu đề xuất giải pháp cụ thể cho việc giảm tải các vùng lõi đô thị và sự lên tiếng của công luận mỗi khi các không gian công cộng bị xâm hại. Những nhà quản lí đô thị không thể không biết, nhưng dường như quan hệ sử dụng đô thị đang bị chi phối bởi các nhóm lợi ích? Từ 1994 đến nay, Hà Nội đã mất hơn một nửa số hồ nước…

Điều tra mới nhất của dự án “Chiến lược nâng cấp đô thị quốc gia và kế hoạch đầu tư tổng thể đến năm 2020- NUUP" cho biết mật độ dân số đô thị ở phường (địa bàn đặc trưng của đô thị) dao động từ 2.000 người/km2 – 4.000 người/km2. Vùng lõi đô thị (các quận nội thành cũ của Hà Nội và TP.HCM) dân số chắc chắn cao hơn thế.

Dãn dân và tăng cây xanh

Những bức bách về sự quá tải trên nhiều phương diện đặt ra yêu cầu cấp bách cần phải giảm tải cho các khu vực trung tâm đô thị. Trong đó có giải pháp kiểm soát, ngăn ngừa xây dựng lấn chiếm những khu vực đất công cộng, xâm hại đến hệ thống thảm xanh (cây xanh) vốn đang còn lại ít ỏi ở đây.

Không xây dựng những công trình có sức chứa lớn như khách sạn, trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng… đồng thời với việc mở các vành đai giao thông nhằm buộc các phương tiện vận tải lớn không chạy vào vùng mật độ người đã quá cao.

Cũng tại khu vực này cần bảo vệ nghiêm ngặt những khoảng không gian công cộng để tăng mật độ cây xanh.

Như Hà Nội (tỉ lệ cây xanh/người mới đạt trên 1%), diện tích đất cây xanh khoảng dưới 2m2/người. Vậy muốn tăng tỉ lệ này lên 7m2/người, Hà Nội, phải “giải toả bớt công trình xây dựng” chứ không thể lấy diện tích cây trồng ở Sóc Sơn hay cộng thảm rừng ở Ba Vì để tính diện tích phủ xanh cho quận Đống Đa, Hai Bà Trưng hay Hoàng Mai… được.

Tỉ lệ này phải được tính trên mật độ dân cư và diện tích chiếm đất ngay trên địa bàn. Tỉ lệ cây xanh của TP.HCM cũng chẳng hơn gì Hà Nội. TP.HCM cũng tìm cách nâng chỉ tiêu cây xanh bằng hướng phát triển hệ thống cây xanh tại 6 quận mới và 5 huyện ngoại thành. Tức là vùng lõi (các quận cũ) sẽ không còn cơ hội có thêm cây xanh. Chưa nói yêu cầu thì cần tới vài trăm ha để xây dựng các vườn ươm, hiện TP.HCM mới có 40ha.

Nhiều khách quốc tế đến Hà Nội, TP.HCM khen có nhiều cây xanh, tuy nhiên, phần lớn đó mới chỉ là cây xanh ven đường phố, còn những mảng xanh trong long đô thị lại quá ít ỏi, mật độ xây dựng chiếm đến 95%. Vì các mô hình hệ thống vườn nhóm, vườn phường… đang mất dần.


Phố Hoàng Diệu (Hà Nội)

Công viên là hạ tầng kỹ thuật

Dáng vóc đô thị ngày một lớn nhanh (quy mô không gian đô thị tăng, số lượng đô thị nhiều) nhưng hạ tầng kỹ thuật chậm phát triển và thiếu đồng bộ. Tại các đô thị lớn, chỉ tiêu về hạ tầng giao thông chỉ đáp ứng được 35%-40% so với nhu cầu. Hà Nội và TP.HCM diện tích đất giao thông chỉ chiếm khoảng 7,8%-10%, ở nhiều thành phố tiên tiến tỉ lệ này chiếm tới 15%-18%. Thêm nữa, do lưu lượng giao thông tăng nhanh, đường trung tâm đô thị hẹp, khó cải tạo, nâng cấp – đã dẫn tới tình trạng ô nhiễm không khí (cao gấp từ 1,5 – 3 lần tiêu chuẩn cho phép).

Do bị lấn chiếm, bị phủ đầy mật độ xây dựng lên nhiều khu vực (bê tông hoá) nên khả năng tự thẩm thấu, tự tiêu nước rất kém, TP.HCM và Hà Nội đều bị tình trạng này. Nó là nguyên nhân chủ yếu của thảm kịch ngập lụt liên miên tại TP.HCM – khi gặp triều cường và mưa lớn. Chỉ sau 15 năm (1994 đến 2008), Hà Nội đã mất hơn một nửa số hồ nước (chưa kể diện tích các hồ khác bị thu hẹp).

  • Ảnh bên : Màu xanh quí giá trong công viên Thống Nhất (Ảnh: VNN)

Sở dĩ nói công viên cũng tham gia vào hạ tầng kỹ thuật của thành phố, bởi chính các diện tích đất hở (đất cây xanh) góp phần chứa nước trong mùa mưa. Đơn cử một ví dụ, công viên Thống nhất – Hà Nội diện tích đất ở là 27,8ha. Cùng với 21ha hồ, nó góp phần lưu giữ lượng nước tại chỗ (thoát nước cục bộ) cho các vùng xung quanh trước khi đổ vào hệ thống thoát nước theo hướng Nam thành phố.

Nhưng việc cấp phép cho xây khách sạn tại công viên Thống Nhất, hoặc dự kiến xây khách sạn 54 tầng tại công viên 23-9 (TP.HCM) sẽ trực tiếp gây hại cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật vốn rất yếu kém của hai thành phố này.

Tóm lại, đã có những nghiên cứu đề xuất giải pháp cụ thể cho việc giảm tải các vùng lõi đô thị và sự lên tiếng của công luận mỗi khi các không gian công cộng ở đó bị xâm hại. Những nhà quản lí đô thị không thể không biết nhưng dường như quan hệ sử dụng đô thị (đặc biệt trên các loại đất công) đang bị chi phối bởi các nhóm lợi ích?

Ngọc Lý 

>> Để công viên Thống Nhất là hòn ngọc thứ hai của Hà Nội 

>> Tản mạn về những "cái chết" không nhìn thấy 

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...