Ashui.com

Friday
Nov 29th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị TPHCM: Mơ về đô thị vệ tinh 15 năm nữa

TPHCM: Mơ về đô thị vệ tinh 15 năm nữa

Viết email In

10-15 năm nữa, TPHCM sẽ có hai thành phố đô thị vệ tinh chia sẻ sự quá tải khu vực trung tâm thành phố. Khu Nam Sài Gòn và khu đô thị mới Thủ Thiêm thực chất chỉ là phần mở rộng, cơi nới của trung tâm thành phố.

Sau nhiều năm liền “cơ khổ” đào đường, kẹt xe, ngập nước, khói bụi, thêm “ấn tượng” năm 2008 là bùng nổ các “lô cốt”, người dân TPHCM vẫn luôn nuôi hy vọng vào một sự thay đổi nào đó.

Dẫu biết thay đổi không phải một sớm một chiều nhưng người dân vẫn chờ đợi một quyết sách mới, một khởi đầu cho một tiến trình phát triển hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn.


Bản đồ QH tổng thể Khu đô thị mới Nam Sài Gòn (click vào ảnh để xem kích thước lớn hơn)

Chiếc áo chật sắp bục

Bất kỳ một người nào khi đến TPHCM cũng dễ dàng nhận thấy một điều không bình thường là khối lượng vật chất, cơ sở dịch vụ xã hội, con người được dồn nén vào trong một diện tích quá hẹp.

Hơn 98% các tòa nhà cao tầng được dồn vào quận 1 và 3. Tất cả các công sở hành chính-chính trị quan trọng nhất của thành phố cũng như các trường đại học, cơ quan ngoại giao, ngân hàng, bệnh viện, thị trường chứng khoán, siêu thị, các cơ quan đại diện nước ngoài, các công ty xuyên quốc gia cũng đều tập trung ở đây.

Chính vì nguyên nhân này mà “thảm họa” kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường, quá tải dân số, quá tải cơ sở hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, cầu đường), thiếu cây xanh, thiếu dịch vụ đã đến mức đỉnh điểm khiến đời sống dân cư bị đảo lộn ghê gớm.

Có lẽ TPHCM là một trong những thành phố ít ỏi còn lại của thế giới rơi vào mô hình phát triển đơn cực, không có thành phố vệ tinh, không có các thành phố thứ cấp chia sẻ với trung tâm chính. Đã có lúc các nhà quản lý nhầm lẫn cho rằng trung tâm hành chính của các quận là trung tâm đô thị nhưng rất tiếc chúng không đóng vai trò là trung tâm kinh tế-tài chính cũng như giáo dục-văn hóa mà đơn thuần chỉ là trung tâm hành chính với một vài tòa nhà công sở như UBND quận, quận ủy, phòng chức năng.

  • Ảnh bên : Đại lộ Nguyễn Văn Linh

Vài năm trở lại đây, cũng có lúc thành phố cố gắng coi khu Nam Sài Gòn do Công ty Phú Mỹ Hưng tạo dựng và khu Thủ Thiêm đang hình thành là các thành phố vệ tinh. Sự thật thì Nam Sài Gòn và Thủ Thiêm chỉ là phần mở rộng, cơi nới của trung tâm thành phố.

Tại sao? Bởi Thủ Thiêm cách quận 1 chỉ là dòng sông Sài Gòn chưa đến 1.000 mét, còn Phú Mỹ Hưng cũng chỉ cách trung tâm chưa đến 3 km. Việc nén các tổ chức vật chất và tổ chức xã hội vào một điểm thực sự là một sai lầm lớn nhất của các nhà lãnh đạo trong quy hoạch và quản lý đô thị.

Áp lực thực tế và sự đòi hỏi của xã hội qua báo chí, ý kiến của các nhà khoa học về việc phải có sự thay đổi về quy hoạch ở khu vực trung tâm là không thể duy trì tình trạng quá tải này thêm được nữa. Do vậy, thành phố cố gắng hiện thực hóa việc hình thành hai đô thị vệ tinh ở hai cực của thành phố.

Đó là hai thành phố vệ tinh ở hai đầu của TPHCM là đô thị Tây Bắc Củ Chi và đô thị cảng Hiệp Phước phía nam thành phố.

Đô thị Tây Bắc: Kỳ vọng năm 2020



Thành phố này hiện chưa có tên chính thức mà chỉ gọi là đô thị Tây Bắc vì nó nằm ở phía tây bắc của TPHCM. Nó được hình thành bởi một quyết định ban hành vào tháng 8/2004 nhưng sau bốn năm chuyển động chậm chạp, nay thành phố muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Khu vực này có diện tích 10.000 ha bao gồm các xã Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn) và Tân Phú Trung, Tân An Hội, Phước Hiệp, Thái Mỹ của huyện Củ Chi, cách trung tâm Sài Gòn khoảng 30 km.

Khu đô thị được chia làm chín khu chức năng chuyên biệt và hỗn hợp với mong muốn có được một thành phố mới với khoảng 300.000 dân, cùng với việc hình thành các khu công nghiệp, khu dịch vụ thương mại, khu dân cư và vui chơi giải trí.

Điều đặc biệt của đô thị này là chất lượng dân cư sẽ thuộc vào loại cao với hơn 10 trường đại học và cao đẳng tập trung về đây với diện tích hơn 300 ha, chiếm 30% diện tích toàn bộ khu đô thị mới. Tỷ lệ đất dành cho cây xanh, vườn hoa, mặt nước khá cao vào khoảng 35%-40%.

Ngoài khu đô thị đại học, Khu công nghiệp Tân Phú Trung, khu chung cư với độ cao trung bình năm tầng ra thì các khu nhà vườn, biệt thự, nhà thấp tầng, vườn thực vật, cây cảnh, làng nghề vẫn được phát triển nhằm cân bằng và tạo ra bức tranh hài hòa. Tiêu chí của khu đô thị này là: sống-làm việc - vui chơi - phát triển.

Nhà đầu tư đầu tiên đã xuất hiện ở đây là Tập đoàn Berjaya của Malaysia với tổng mức đầu tư lên đến 3,5 tỷ đôla, được coi là dự án đầu tư lớn nhất TPHCM từ trước đến nay. Dự án của tập đoàn này đang trong giai đoạn thiết kế, thời gian bắt đầu xây dựng vào khoảng năm 2011 và hoàn tất các hạng mục trên diện tích 1.000 ha vào năm 2021.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất cho việc phát triển đô thị này là hệ thống giao thông từ trung tâm thành phố đến khu vực còn yếu kém. 30 km không xa nhưng việc đi lại phải mất đến hai tiếng đồng hồ do kẹt xe ở cửa ngõ phía tây thành phố và mật độ xe quá dày đặc.

Do đó, một phương án sớm hình thành đường tàu điện trên cao (MRT) cần được tính đến.

Cảng và đô thị biển Hiệp Phước


Mô hình đồ án của Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị & Nông thôn (VIAP) đoạt giải Nhì cuộc thi “ý tưởng quy hoạch tổng thể khu đô thị Cảng Hiệp Phước”

Đô thị cảng Hiệp Phước nằm trên địa bàn xã Hiệp Phước và xã Long Thới, huyện Nhà Bè. Hai mặt đông và nam của đô thị này được bao bọc bởi sông Soài Rạp, phía nam thông thẳng ra biển Đông. Nó có diện tích quy hoạch hơn 3.900 ha với dân số dự kiến là 250.000 người.

Đây là một thành phố cảng biển quốc tế có quy mô lớn không chỉ trong nước mà cả khu vực Đông Nam Á với tính chất cảng và đô thị biển.

Việc phát triển đô thị cảng Hiệp Phước sẽ làm cho Tp.HCM từ chỗ là thành phố bên sông Sài Gòn nay có thêm một phần bổ sung quan trọng là thành phố ven biển Đông. Vùng đất bên trong nội ô trước kia như Bason, cảng Sài Gòn sẽ được dành cho công viên cây xanh, khu dịch vụ cao cấp và cảng biển du lịch.

Đô thị cảng Hiệp Phước rất có tiềm năng bởi vì nó cách trung tâm thành phố không xa - chỉ có 18 km, cảnh quan tự nhiên rất đẹp. Do vậy, ngoài khu cảng với công suất 130 triệu tấn/năm, khu công nghiệp phục vụ cảng thì nơi đây sẽ trở thành một khu đô thị dân cư sinh thái kết hợp sông nước và du lịch biển rất trữ tình với các resort và biệt thự ven biển.

Các khu nhà ở cao cấp, trung tâm tài chính-ngân hàng, khách sạn, cao ốc văn phòng cho thuê sẽ xuất hiện ở đây. Đặc biệt là trong đồ án thiết kết đoạt giải nhất cuộc thi quốc tế, nhà tư vấn Nikken Sekkei đã thiết kế một trục chính gồm mở đầu bằng một cảng tàu thuyền du lịch có chiều rộng 500 mét, tiếp theo là quảng trường và dải các đường phố rợp cây xanh.

Đô thị mới này sẽ được kết nối với trung tâm thành phố bởi một hệ thống liên hoàn đường thủy, đường bộ và đường sắt.

Ngày xuân nói chuyện khu đô thị này nọ nghe có vẻ... loãng nhưng đó là một hy vọng rất “tươi”. Thật ra, hai đô thị vệ tinh có thể chưa giải quyết hết được các vấn nạn đang diễn ra ở trung tâm, có thể phải sau 10-15 năm nữa mới hoàn chỉnh nhưng dù sao đó cũng là những tín hiệu mới mở ra một thời kỳ mới - vươn ra bên ngoài, thoát ra khỏi cái áo đã bắt đầu bục rách vì quá chật chội của trung tâm Tp.HCM.

Những người dân mong muốn thoát khỏi sự quá tải, căng thẳng bởi nhịp sống, chất lượng hạ tầng khu trung tâm đều đặt nhiều hy vọng vào hai đô thị vệ tinh này. 

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...