Ashui.com

Wednesday
Apr 17th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn: Tư duy đúng thì xã hội sẽ tiến rất nhanh

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn: Tư duy đúng thì xã hội sẽ tiến rất nhanh

Ngô Viết Nam Sơn thành danh ở nước ngoài. Cũng như thân sinh của mình, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, anh có tên trong Từ điển Danh nhân thế giới.

Sau nhiều năm tu nghiệp tại Mỹ, anh tham gia nhiều dự án lớn ở nhiều nơi trên thế giới, như cao ốc đa chức năng Almaden tại San Jose và trung tâm huấn luyện phi công tại Orlando (Mỹ), quy hoạch tổ hợp khu nhà ở và thương mại cao cấp Lachine ở Montreal (Canada), cao ốc Công ty HDB ở Singapore, phố Đông Thượng Hải (được giải thưởng danh dự của Viện Kiến trúc Hoa Kỳ), nhà ga sân bay quốc tế Aquino ở Philippines…

Ở Việt Nam, anh tham gia một số dự án như quy hoạch Đà Nẵng, quy hoạch chi tiết Trung tâm Du lịch thương mại quốc tế ở Phú Quốc, Khách sạn Century Huế…

Cuộc gặp gỡ diễn ra tại ngôi nhà cha mẹ anh để lại. Phòng khách là một không gian xưa cũ với kỷ niệm chương, bằng khen, chứng nhận, tranh, ảnh, tượng. Tất cả vẫn vẹn nguyên như thời cha mẹ anh còn sống. Tường xây bằng đá, cản nhiệt, nên dù nhà quay hướng chính Tây, giữa trưa nắng gắt, nhưng không khí vẫn khá mát mẻ.

Là "con nhà nòi", việc anh đến với kiến trúc có thể được xem là một lẽ tự nhiên?

Hồi nhỏ, tôi thích trò chơi xếp hình Lego. Mọi người cằn nhằn vì những thành phố mô hình “mọc” lên giữa nhà, làm vướng lối đi. Riêng cha tôi thì cười vui. Hết trung học, tôi thích ba ngành: y khoa, tin học và kiến trúc. Tôi loại y vì dở môn hóa học, tin học lúc đó còn sơ khai, nên quyết định thi vào kiến trúc. Đến giờ, sau mấy chục năm hành nghề, tôi biết sự lựa chọn của mình là đúng.

Sau bảy năm làm việc chung cùng với thân sinh, anh quyết định ra riêng. Đó là vì muốn thoát khỏi cái bóng cây quá lớn?

Tôi là sự tiếp nối. Người phương Tây có một câu nói, rằng cách nhanh nhất để trở thành người khổng lồ là đứng trên vai những vĩ nhân. Tức là thay vì bắt đầu từ móng, mình kế thừa và đi tiếp, giống như một cái cành đâm ra từ thân cây, có hoa mới, trái mới. Không ở dưới gốc, nên tôi không thấy “bóng” cây.

Tôi học được rất nhiều từ cha mình, từ cách tư duy cho đến các giá trị tinh thần. Nhưng tôi cũng luôn khao khát có cái gì đó riêng. Nếu tiếp tục làm việc chung thì dù muốn hay không, tôi vẫn phải theo ý cha tôi vì ông là chủ nhiệm đồ án. Kiến trúc của cha tôi là sự kết hợp giữa triết lý Á Đông và phong cách kiến trúc cổ điển châu Âu.

Còn tôi, vẫn là cái nền triết lý Á Đông nhưng kết hợp với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin.Thời đại thay đổi. Toàn cầu hóa đặt ra nhiều vấn đề bức xúc, chẳng hạn như bảo tồn và phát triển.

Anh có thể nói rõ hơn?

Nhìn lại lịch sử, kiến trúc của cha ông ta trật tự hơn bây giờ. Thời đó, thứ tự của tứ dân là sĩ - nông - công - thương. Việc xếp “sĩ” đứng đầu không phải vì xem nhẹ thương mại, mà thể hiện sự ưu tiên của tiền nhân cân nhắc nặng nhẹ các giá trị văn hóa tinh thần khi đưa ra những quyết định quan trọng.

Còn hiện nay, trật tự đó đã thay đổi theo chiều ngược lại, thương mại trở thành mối quan tâm hàng đầu. Khi đồng tiền trở thành số một thì người ta sẵn sàng đập bỏ công trình có lịch sử hàng trăm năm để xây nhà cao tầng.

Đó là vì bảo tồn không sinh lời?

Tôi có thể chứng minh bảo tồn vẫn sinh lời. Thí dụ, khu phố cổ Xintiandi ở Thượng Hải với những nóc nhà thấp lè tè sau khi được cải tạo đã trở thành một trong những khu vực đóng góp nhiều nhất cho GDP của thành phố này. Chính quyền địa phương đã chấp nhận phương án bảo tồn chúng tôi đề xuất, thay vì san phẳng để xây cao ốc.

Thay đổi nhận thức của xã hội là một quá trình. E rằng đến khi mất bò chúng ta mới làm xong chuồng?

Tôi nghĩ, giáo dục là hướng đi bền vững để thay đổi thực trạng này. Đối tượng cần bồi dưỡng nhiều nhất là những nhà lãnh đạo bởi họ có quyền ra quyết định. Để giữ chân nhà đầu tư, có một thời kỳ chúng ta cho phép họ xây dựng tại trung tâm lịch sử của thành phố. Quan điểm đó có thể đúng trong giai đoạn đất nước ta còn nghèo.

Bây giờ, đời sống đã khá hơn, mà các công trình văn hóa, lịch sử cũng không còn nhiều. Sở dĩ các nhà đầu tư thèm muốn vị trí trung tâm lịch sử là vì chi phí xây dựng ở khu vực này hiện quá rẻ, lợi nhuận quá lớn. Muốn ngăn họ không vào trung tâm lịch sử thì làm cho việc xây dựng tại trung tâm không còn lời quá cao so với các khu đô thị mới bằng cách áp dụng phí môi trường cao hơn khi cấp phép đầu tư xây dựng tại các khu vực nhạy cảm vì các lý do sau.

Một là nhà đầu tư tuy không phải làm hạ tầng, nhưng điều này lại gia tăng áp lực hạ tầng lên hệ thống cũ. Hai là tòa nhà mới mọc lên kéo theo hàng ngàn người ra vào làm việc hằng ngày, sẽ tạo thêm áp lực đối với hệ thống giao thông chung quanh, đặc biệt là ách tắc giao thông và chỗ đậu xe. Ba là công trình cao tầng làm giảm giá trị cảnh quan của các di sản văn hóa lịch sử lân cận, ảnh hưởng gián tiếp đến doanh thu ngành du lịch.Trên thế giới, nhà đầu tư phải trả phí môi trường rất cao, còn ở ta, Nhà nước lại bao cấp cho tư nhân hưởng lợi.

Trận mưa lớn kéo dài ba giờ đồng hồ sáng 13/7 đã gây ngập nhiều tuyến đường ở Hà Nội, khiến giao thông tê liệt. Mới đây, UBND TP. Hà Nội trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục xây dựng 223 dự án nhà cao tầng tại bốn quận trung tâm. Là một chuyên gia quy hoạch đô thị, anh đón nhận thông tin này như thế nào?

Cuối năm ngoái, Thủ tướng ra quyết định ngừng đập biệt thự cũ làm tôi rất mừng. Tôi nghĩ Chính phủ đã thấy rõ nguy cơ. Việc gần đây thay vì chuyển các dự án cao tầng ra khu đô thị mới, người ta lại rục rịch đòi xây các dự án này tại nội ô do sự tác động của các nhóm lợi ích, khiến tôi băn khoăn.

Tình trạng ngập tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh không có gì lạ, bởi hệ thống hạ tầng quá yếu kém mà người ta lại càng tăng tải lên nó. Mỗi ngày, hệ lụy này làm xã hội thiệt hại biết bao nhiêu mà kể. Từ 18 năm nay, chúng tôi đã khuyến nghị giảm tải xây dựng tại trung tâm thành phố, xuất phát từ nghiên cứu những bài học thực tiễn của thế giới.

Sau Đệ nhị Thế chiến, các đô thị ở châu Âu và Mỹ bùng nổ về xây dựng. Nhưng trong suốt quá trình phát triển kéo dài đến bây  giờ, không có bất kỳ thành phố nào của họ bị ngập như chúng ta. Cách làm của họ là ưu tiên trọng tâm phát triển, đi từ ngoài vào trong, tức là ưu tiên xây dựng khu vực ngoại ô trước.

Mãi đến đầu thập niên 1990, người ta mới bắt đầu tập trung phát triển khu vực trung tâm đô thị. Nghĩa là trong nửa thế kỷ trước đó, cán cân xây dựng đô thị phát triển lệch hẳn về ngoại ô. Còn chúng ta thì cứ tiếp tục đi ngược lại xu hướng của thế giới cho dù phải trả giá rất đắt.

Liệu bây giờ thay đổi, theo anh, có còn kịp không?

Dù đã trễ nhưng trễ vẫn còn hơn không. Tôi nghĩ GDP của chúng ta sẽ tăng đáng kể nếu thay đổi này trở thành quốc sách. Ít nhất chúng ta cũng mất vài chục năm để phát triển nhanh khu ngoại vi trong khi khu trung tâm phát triển dần dần với tốc độ chậm hơn nhiều. Anh Trang Bảo Sơn, Phó Ban Quản lý Dự án Thủ Thiêm cho biết hiện nay mới có ba nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Thủ Thiêm.

Thử hình dung, nếu các dự án cao ốc đang và sẽ xây dựng ở trung tâm TP. Hồ Chí Minh “chạy” sang Thủ Thiêm do chi phí xây dựng rẻ hơn khu trung tâm hiện hữu thì chúng ta sẽ sớm có thêm một khu đô thị hiện đại, đồng thời cứu vãn được phần nào trung tâm lịch sử đã bị xâm hại.

Tiếng Pháp có một câu kinh điển: “Quand le bâtiment va, tout va!”. Câu này đa nghĩa. Một là “an cư lạc nghiệp”, xây dựng đô thị đâu ra đó thì doanh nghiệp phát triển ổn định. Hai là xây dựng đô thị trên cơ sở dự đoán tiềm năng mở rộng thì tự khắc phát triển đi vào kế hoạch. Ba là quy hoạch đô thị cần có sự hợp tác của nhiều ngành, từ luật pháp, văn hóa, kinh tế…

Chỉ cần nhìn vào quá trình phát triển đô thị của một thời kỳ là có thể hình dung được tình trạng văn hóa, lịch sử, môi trường, kiến trúc, khoa học kỹ thuật của một quốc gia trong thời kỳ đó. Sinh thời, cha tôi thường nói: “Vạn thù quy nhất bổn, nhất bổn tán vạn thù”. Nhìn cái nhỏ là thấy cái lớn, và ngược lại. Cái nhỏ có đầy đủ thành phần của cái lớn.Diện mạo đô thị là thước đo phát triển quốc gia.

Đất nước đã hòa bình được 35 năm. Theo anh, Việt Nam đã có những công trình kiến trúc tiêu biểu đại diện cho giai đoạn này?

Cha ông ta đã từng có một nền kiến trúc đáng tự hào. Mỗi triều đại phong kiến đều có những dấu ấn riêng. Gần nhất với chúng ta là giai đoạn trước 1975. Hồi đó, Việt Nam đã có một số thành tựu về bản sắc chẳng hạn như Dinh Độc lập, Thư viện Quốc gia ở trong Nam và Hội trường Ba Đình ở ngoài Bắc. Hội trường Ba Đình là công trình kiến trúc có sự tìm tòi, sáng tạo, dù trong điều kiện hạn chế về tài chính, tiếc là đã bị đập bỏ.


Dinh Độc lập

Còn chúng ta hiện nay, nói một cách sòng phẳng, chưa có một công trình kiến trúc tiêu biểu mang âm hưởng văn hóa thời đại.

Tại sao?

Có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là chưa gột rửa tâm lý xây dựng tạm bợ hình thành trong thời chiến. Lúc đó, yếu tố an cư lạc nghiệp chưa khả thi, nguồn lực cũng hạn chế. Các nhà đầu tư không đầu tư lâu dài vì thế hệ sau, mà chủ yếu nhắm đến lợi ích ngắn hạn, có lời là sang tay. Vì miếng cơm manh áo, nhiều kiến trúc sư (KTS) triệt tiêu sự sáng tạo để chiều lòng nhà đầu tư.

Thứ hai, chất xám chưa được định giá tương xứng, có sự chênh lệch đáng kể về thù lao giữa KTS trong và ngoài nước. Ngày trước, thù lao của KTS được xem là tiền danh dự (honoraire) và được trả với sự tôn trọng bởi KTS là người đại diện và bảo vệ cho lợi ích của khách hàng cũng như lợi ích chung, chứ không phải là thiết kế phí theo nghĩa KTS là người làm công cho khách hàng như hiện nay.

Một dấu hiệu cho thấy nghề KTS đang bị thương mại hóa. Thứ ba là chất lượng đào tạo. Thế hệ trước được đào tạo bởi các giáo sư nước ngoài hoặc tốt nghiệp ở nước ngoài, hằng năm số lượng tốt nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng đều là những người giỏi và yêu nghề. Còn cách đào tạo hiện nay nghiêng về số lượng. “Xuất xưởng” hàng ngàn KTS mỗi năm để làm gì khi mà nhiều người phải chuyển sang làm nghề khác sau khi tốt nghiệp.

Thứ tư là vấn đề lãnh đạo - quản lý. Có một thực tế là trong khoảng thời gian 15 năm, từ năm 1975 đến 1990, hầu hết những KTS không có cơ hội đào tạo hoặc tu nghiệp ở nước ngoài, tài liệu lạc hậu và không được cập nhật. Khá nhiều những người có tiếng nói quyết định trong lĩnh vực kiến trúc hiện nay từng được đào tạo trong thời kỳ này. Họ cần được tạo điều kiện tu nghiệp thêm ở nước ngoài, hoặc chính họ phải biết cầu thị, mời người giỏi về giúp mình.

Thêm nữa, đã chuyển sang giai đoạn kinh tế thị trường nhưng chúng ta vẫn duy trì cứng nhắc bộ Tiêu chuẩn thiết kếtheo cơ chế cũ, khiến KTS bị gò bò bởi các quy định đã lỗi thời, từ tiêu chuẩn kỹ thuật cho đến chi phí thiết kế. Chưa kể, không ít chủ đầu tư vin vào đó để mặc cả với KTS.

Phải chăng đó là lý do khiến nhiều địa phương mời tư vấn thiết kế nước ngoài?

Cầu ngoại viện là “con dao hai lưỡi”. Tháp đôi Petronas được xem là biểu tượng của Malaysia, mặc dù tác giả là KTS người Mỹ Cesar Pelli vì trước khi thiết kế, ông ấy đã dành rất nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu về văn hóa nước này. Vậy nên, đã mời thì phải mời cho đúng. Mời KTS hàng đầu thế giới bớt được rủi ro vì họ có ý thức bảo vệ uy tín của mình.

Tuy nhiên, trong nhóm phác thảo ý tưởng nhất thiết phải có người Việt, am tường văn hóa Việt tham gia. Khi thống nhất ý tưởng, chúng ta có thể nhờ giúp thêm về hạ tầng, giao thông… bởi đó là lĩnh vực mà họ có nhiều kinh nghiệm. Cũng không cần nước ngoài phải làm nhiều, chỉ cần họ làm mẫu một vài công trình, để đội ngũ KTS trong nước học hỏi.

Hiện nay, rất nhiều công trình do nước ngoài thực hiện tại TP. Hồ Chí Minh có hàm lượng văn hóa bản địa rất kém và chủ yếu thiết kế để phục vụ mục đích lợi nhuận của nhà đầu tư, điển hình là Khách sạn Kumho Asiana và Diamond Plaza, phá hỏng cảnh quan lịch sử khu vực Nhà thờ Đức Bà. Những công trình này không tệ về mặt kiến trúc nếu đơn lẻ. Tuy nhiên, phong cách hiện đại và giải pháp chiều cao không phù hợp với quần thể kiến trúc của trung tâm, bộc lộ sự thiếu ý thức về văn hóa.

Đúng là Nhà thờ Đức Bà đang bị bủa vây bởi các tòa nhà cao tầng. Đứng ở bất kỳ góc nào cũng không thể ngắm công trình văn hóa - tôn giáo này một cách trọn vẹn, bởi hậu cảnh luôn có sự hiện diện của tòa nhà thương mại. Vì sao khi duyệt quy hoạch người ta không thấy điều này?

Theo tôi, nên tách bạch lãnh đạo hành chính và lãnh đạo quy hoạch kiến trúc. Vai trò của người quản lý rất quan trọng. Một quyết định đúng có thể cứu cả một khu đô thị. Không thể bảo tồn trung tâm lịch sử bằng hô khẩu hiệu. Bên cạnh phí môi trường phải cao hơn nhiều như đã đề cập, việc cần làm ngay là xác định ranh giới cụ thể, trong đó chức năng và hệ số sử dụng đất cho phép phải phù hợp với cảnh quan trung tâm lịch sử, đảm bảo các công trình lân cận phải tương hợp với công trình trọng tâm, trong trường hợp này là Nhà thờ Đức Bà.

Thí dụ, xác định hệ số sử dụng đất đối với việc xây dựng mới khu vực quanh các công trình lịch sử sao cho nếu đạp đi cái cũ thì cũng không xây cao thêm được bao nhiêu. Lúc đó, các nhà đầu tư sẽ “đi chơi chỗ khác”, chẳng hạn như khu đô thị mới Thủ Thiêm. Bởi điểm chung ở các nhà đầu tư hiện nay là “tư duy mét vuông”, tức là càng nhiều mét vuông càng tốt.

Liệu có giải pháp dung hòa lợi ích của đối tượng này với lợi ích cộng đồng?

Tất cả các tác phẩm kiến trúc nổi tiếng trên thế giới đều không chỉ mang dấu ấn cảu kiến trúc sư mà còn có dấu ấn của nhà đầu tư và nhà quản lý có tầm và có tâm. 

Lý do là thiếu kiến thức, chỉ thấy một vế của vấn đề. Bớt “mét vuông”, dành thêm diện tích cho cảnh quan và các công trình phụ trợ thì giá trị gia tăng nhiều hơn, túi tiền của nhà đầu tư vừa không vơi, lại vừa đóng góp cho xã hội những công trình đẹp.

Có một thực tế là người ta đang đánh tráo khái niệm nhà cao tầng và nhà cao cấp. Thực ra, nhà thấp tầng với bao cảnh đẹp mới là cao cấp nhất. Như vậy, kiến trúc sư hiện nay bị chi phối bởi hai nhà là Nhà nước và nhà đầu tư.

Nhiều trói buộc như vậy nhưng anh quyết định “dành nhiều thời gian hơn ở Việt Nam” như lời tâm tình tại buổi sinh hoạt ở Cà phê thứ Bảy. Có phải vì con chim bay mãi rồi cũng mỏi?

Trước khi đi du học, tôi chưa bao giờ có ý nghĩ mình sẽ sống luôn ở nước ngoài. Những kinh nghiệm tích lũy nay đã tạm đủ để tôi về đóng góp cho Việt Nam. Cái mất thứ nhất khi sống ở nước ngoài là bỏ qua cơ hội đóng góp cho quê hương. Cái mất thứ hai là thời gian cho bản thân và gia đình.

Kiếm được nhiều tiền nhưng không có thời gian để tiêu và gần gũi người thân thì cũng không có ý nghĩa. Thành ra, về Việt Nam cũng là vì mình. Tuy vậy, tôi vẫn chưa về hẳn. Tôi ở nước ngoài quá lâu, cuộc sống ở Bắc Mỹ cũng gần gũi như ở Việt Nam. Phần khác là bởi kiến thức ngày nay thay đổi rất lẹ, ngừng một thời gian quay lại Mỹ là đã thấy có những kiến thức mới cần phải cập nhật rồi.

Anh có tin những lời mình đóng góp sẽ được lắng nghe?

Ngày còn bé xíu, có những lúc tôi ấm ức, cảm thấy bị trói buộc bởi những lời dạy của cha mẹ. Nhưng cha mẹ tôi vẫn kiên trì và quả là “mưa dầm thấm đất”. Những lời dạy của cha mẹ tôi lúc sinh thời đã giúp tôi rất nhiều trong trường đời, càng ngày tôi càng thấm thía.

Thay đổi tư duy người khác rất khó, cho dù mình góp ý với thiện chí. Nhưng không vì khó mà mình im lặng. Tôi tin dần dần sẽ có những nhà lãnh đạo lắng nghe và phát huy hiệu quả cho đất nước Thay đổi tư duy đúng thì xã hội sẽ tiến rất nhanh, một năm bằng mấy chục năm.

Kiến trúc là nghệ thuật. Nhìn lại các công trình mình đã thực hiện, với anh, công việc nhiều hơn tác phẩm hay ngược lại?

Tôi đã làm khá nhiều công trình, nhưng ưng ý thì rất ít. Phải vào cuộc mới có kinh nghiệm. Kiến trúc là lao động tập thể. Tất cả tác phẩm kiến trúc nổi tiếng trên thế giới đều không chỉ mang dấu ấn của kiến trúc sư, mà còn có dấu ấn của nhà đầu tư và nhà quản lý có tầm và có tâm.

Bảo tàng Louvre của Pháp là một ví dụ. Bản thiết kế cải tạo mở rộng công trình này của KTS I.M Pei từng bị dư luận chỉ trích kịch liệt. Tổng thống Pháp Mitterand phải “đứng mũi chịu sào” rất lâu, trước khi nó được toàn thế giới công nhận là một kiệt tác. Đương nhiên, tìm được tri kỷ như vậy không dễ.

Gần đây, tôi đã buộc phải khước từ một dự án mà mình rất muốn làm. Lý do cũng vì không thuyết phục được nhà đầu tư thay đổi “tư duy mét vuông”, cho dù đã có phương án đảm bảo lợi nhuận và lợi ích lâu dài cao hơn nhiều. 


Bảo tàng nghệ thuật - lịch sử Louvre ở Paris, Pháp - Ảnh: Xinhua

Ngoài kiến trúc, anh còn chơi dương cầm rất cừ. Liệu có sự đồng điệu nào giữa những bản vẽ kỹ thuật và âm thanh?

Âm nhạc đỉnh cao và kiến trúc đỉnh cao đều thể hiện vẻ đẹp tâm hồn, vượt xa khỏi những toan tính đời thường như tiền bạc, danh vọng… Bởi nếu chạy theo tiền bạc và danh vọng thì không bao giờ trở thành nghệ sĩ giỏi. Âm nhạc giúp tôi giải tỏa những xúc cảm, tìm lại sự lạc quan, hứng khởi đối với công việc.

Trong âm nhạc, anh đã tìm được tri kỷ?

Tôi viết nhạc trước hết là để cho mình. Tôi chia sẻ âm nhạc của mình với những người mình yêu quý. Công việc sáng tác với tôi khá nhẹ nhàng, giống như một hình thức nhật ký, ghi lại những cảm xúc của mình vào những thời điểm đặc biệt với mình. Đến giờ, gia tài cũng được mấy trăm bài.

Xin cảm ơn anh.

Thượng Tùng (thực hiện)
Tranh: Hoàng Tường - Ảnh minh họa: Ashui.com 

>> Nên tổ chức bộ máy lãnh đạo quy hoạch kiến trúc ra sao? 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo