Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng (HĐNTNN) vừa kiểm tra tại hiện trường công trình đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.
Theo GS.TSKH Nguyễn Văn Liên, Phó Chủ tịch Hội đồng: Tổng thầu EPC chưa thực hiện việc lập Chỉ dẫn kỹ thuật cho dự án. Theo quyết định số 25/2005/QĐ-BGTVT ngày 13/5/2005 (hiện đang còn hiệu lực) của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc áp dụng tiêu chuẩn trong xây dựng công trình giao thông nêu rõ “Tập Quy định và Chỉ dẫn kỹ thuật của từng gói thầu hoặc của toàn dự án là một tài liệu bắt buộc, phải được Chủ đầu tư thẩm định và phê duyệt trước khi thực hiện thi công”. Như vậy việc tổng thầu EPC chưa lập Chỉ dẫn kỹ thuật và trình Chủ đầu tư thẩm định, phê duyệt là không đúng theo quy định.
Về thiết kế trắc dọc, hướng tuyến công trình phần lớn đi qua địa bàn các quận nội thành có mật độ dân cư đông. Trắc dọc của toàn bộ công trình được thiết kế theo phương án đi trên cao, chiều cao tĩnh không tính từ mặt đường hiện hữu đến đáy dầm cao từ 7m ÷ 9m, ngoại trừ tại khu vực giao cắt với đường vành đai 3 được thiết kế theo phương án đường sắt vượt cầu đường bộ (có chiều cao tĩnh không gần 14m). Thực tế cho thấy dọc hai bên tuyến đường có nhiều nhà thấp tầng, do đó chiều cao kiến trúc của tuyến đường cao gấp khoảng hai lần nhà dân dọc theo tuyến. Việc thiết kế trắc dọc tuyến như vậy có thể sẽ gây ra bức xúc không gian đô thị trong giai đoạn khai thác, phá vỡ cảnh quan, gây ồn và không an toàn.
Về thiết kế kết cấu nhịp, phần lớn công trình được thiết kế dạng dầm hộp, kết cấu nhịp giản đơn. Việc sử dụng loại dầm này trong không gian đô thị sẽ có một số nhược điểm, như chiều cao kiến trúc lớn; chống ồn, chống bụi kém khi tàu chạy; mất mỹ quan đô thị và khả năng bảo vệ khi có sự cố tàu trật bánh sẽ không cao cho dù có thiết kế hệ thống lan can bảo vệ;
Đối với cấp phối bê tông, được thiết kế với hệ số dự trữ cường độ là 1.2, về cơ bản thiết kế cấp phối bê tông cho kết cấu móng, trụ đạt yêu cầu. Tuy nhiên qua kiểm tra cho thấy báo cáo kết quả thí nghiệm nén chỉ thể hiện chỉ số cường độ nén, chưa thể hiện kết quả về độ lệch chuẩn, cường độ trung bình và cấp bê tông.
Về chất lượng thi công xây dựng: Đối với 11 trụ đã thi công (bao gồm cọc khoan nhồi, bệ và thân trụ) qua kiểm tra báo cáo cho thấy các vật liệu đầu vào tại chân công trường đều được thí nghiệm kiểm tra, kết quả đều đạt yêu cầu; giá trị cường độ trung bình thí nghiệm nén mẫu bê tông vượt so với yêu cầu thiết kế khoảng 20%.
Riêng đối với công tác thi công cọc khoan nhồi, trong tổng số 44 cọc đã thi công tại các trụ từ BY10 - BY16 và BR3 - BR6, báo cáo kết quả kiểm tra thí nghiệm bằng phương pháp siêu âm (50% số lượng cọc) được kết luận chất lượng bê tông tốt, tuy nhiên chưa thể hiện được thông tin về vận tốc và độ đồng nhất thông qua biểu đồ đo vận tốc và siêu âm. Thí nghiệm nén tĩnh 01 cọc đường kính D=1,2m cho thấy sức chịu tải gấp hai lần tải trọng thiết kế (800T/400T) và chỉ số biến dạng là nhỏ (11.8mm), điều này cho thấy việc chọn sức chịu tải 400T cho cọc là nhỏ với đường kính 1,2m và mũi cọc đặt vào lớp sỏi cuội. Tuy nhiên với hệ số an toàn bằng 2 với công trình này là chấp nhận được. Báo cáo kết quả thí nghiệm biến dạng nhỏ (PIT) được đánh giá là tốt, song thí nghiệm này chỉ cho kết quả chính xác với chiều dài cọc khoảng 25D (D là đường kính cọc), tương đương 30m, trong khi chiều dài của các cọc thí nghiệm khoảng 40m, do đó áp dụng phương pháp này là không hợp lý.
Về công tác quan trắc lún, hiện tại Chủ đầu tư đang xem xét về việc có thực hiện công tác này hay không. Vấn đề này Cơ quan thường trực HĐNTNN đã có ý kiến tại văn bản số 790/TTHĐNTNN-GĐ3 ngày 17/12/2010về việc thông báo kết quả kiểm tra hiện trường dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông. Mặt khác cần lưu ý số lượng thí nghiệm nén tĩnh cọc khoan nhồi không đủ để khẳng định ở tất cả trụ biến dạng lún là nhỏ, nhất là tại các vị trí có địa chất thay đổi.
Về biện pháp thi công dọc tuyến đường Nguyễn Trãi, cần có phương án phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông, chống ách tắc, chống ồn, bụi bẩn.
Yêu cầu của HĐNTNN đối với Chủ đầu tư: Do không lập được Chỉ dẫn kỹ thuật, nên cần báo cáo và kiến nghị với Bộ GTVT xem xét chấp thuận cho tổng thầu EPCbiên soạn Tập hướng dẫn kiểm tra, nghiệm thu trên cơ sở các tiêu chuẩn được áp dụng đã được dịch sang tiếng Việt.
Về thiết kế kỹ thuật: Kết hợp với việc lấy ý kiến về thiết kế của các nhà ga, nên có ý kiến đánh giá của cơ quan quản lý, Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch của thành phố về cao độ trắc dọc toàn tuyến; Cấp phối bê tông đối với hạng mục kết cấu bê tông dầm (chưa thi công), nghiên cứu thiết kế cấp phối có hệ số dự trữ cường độ từ 1.28 đến 1.30 để an toàn hơn (có thể tham khảo tiêu chuẩn ACI, là tiêu chuẩn hiện đang được áp dụng rộng rãi).
Đối với công tác thi công cọc khoan nhồi, nên siêu âm 100% số lượng cọc. Nên thực hiện thí nghiệm PDA và kết hợp thực hiện thí nghiệm nén tĩnh đối với những cọc đã thí nghiệm PDA để so sánh, đánh giá độ tin cậy của các thí nghiệm PDA, trên cơ sở đó có thể triển khai đại trà thí nghiệm PDA mà không cần làm nhiều thí nghiệm nén tĩnh.
Hồ sơ quản lý chất lượng phải được tập hợp đầy đủ, khoa học. Cần bổ sung hồ sơ năng lực, hệ thống quản lý chất lượng của tổng thầu EPC. Hoàn thiện nội dung các báo cáo như kết quả thí nghiệm nén mẫu bê tông, phải thể hiện được các kết quả về cường độ trung bình, độ lệch chuẩn và cấp bê tông; báo cáo kết quả siêu âm phải có các trị số về độ đồng nhất (vận tốc sóng âm nhỏ nhất và lớn nhất).
Công trình đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài tuyến đường là 13,047km, có 12 nhà ga và 01 khu Depot. Hiện nay, công trình đang triển khai đồng thời các công việc khảo sát, lập và phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và thi công xây lắp, cụ thể: Chủ đầu tư đã phê duyệt TKKT 21/454 trụ cầu từ BY10 - BY18, BR3 - BR6, AR17-AR24 tương ứng tại các khu gian Đê La Thành - Thái Hà, Hào Nam - Hồ Đống Đa, Cát Linh - Đê La Thành; phê duyệt TKBVTC 13/454 trụ cầu và kết cấu móng của 08 trụ cầu AR17-AR24. Hồ sơ TKKT các hạng mục còn lại của công trình hiện đang được lập và thẩm tra. |
Hải Đăng
- Cơ chế đấu thầu xây lắp: Vẫn còn lỗ hổng
- Công trình ngầm - thách thức lớn
- Một số vấn đề về hoạt động tư vấn giám sát
- Xu hướng sử dụng kết cấu thép trong xây dựng
- Siết chặt chất lượng trong các công trình xây dựng
- Kết nối nhà thầu bằng công nghệ hiện đại
- Hội thảo "Công nghệ đóng cọc - xây móng các công trình dân dụng và công nghiệp trong ngành xây dựng Nhật Bản"
- Vừa có nhà ở, vừa bảo vệ môi trường
- “Xi măng Holcim - Cùng xây tổ ấm”
- Chính phủ yêu cầu “siết” quản lý các gói thầu EPC