Dự án tuyến xe điện Nhổn-Ga Hà Nội được TT Chính phủ thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vào tháng 1/2006 với tổng mức đầu tư là 458 triệu Euro. Sau gần ba năm chuẩn bị, tháng 4/2009, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án khả thi với mức 783 triệu Euro.
Chỉ có điều, thành phố Hà Nội đã tự ý phê duyệt dự án rồi giải trình sau.
1.450 tỷ đồng/km đường sắt
Ngày 12/1/2006, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 67 thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội như đề nghị của UBND TP Hà Nội (văn bản số 42 ngày 7/10/2005) và báo cáo thẩm định của Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Theo đó, Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 458 triệu Euro.
Sau gần ba năm, ngày 27/4/2009, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi ký quyết định số 1970 phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đoạn Nhổn - Ga Hà Nội.
Tổng chiều dài tuyến 12,5km, trong đó đoạn đi trên cao dài 8,5km, đoạn đi ngầm dài 4km. Điểm đầu là Nhổn - theo QL32 - Cầu Diễn - Mai Dịch - nút giao vành đai 3 - Cầu Giấy - Kim Mã- Giảng Võ- Cát Linh - Quốc Tử Giám - điểm cuối là ga Hà Nội. Dự án có 8 ga trên cao, 4 ga ngầm. |
Theo quyết định này, dự án có tổng mức đầu tư tăng lên 783 triệu Euro (trong đó, chi phí xây dựng 285 triệu Euro; chi phí thiết bị 269 triệu Euro; chi phí đền bù 19 triệu Euro; chi phí quản lý dự án, chi phí khác 27 triệu Euro;
Lãi suất trong thời gian thi công 31 triệu Euro; dự phòng phí 112 triệu Euro). Như vậy, với tỷ giá như hiện nay, tổng mức đầu tư đã tăng 7.500 tỷ đồng (từ 10.500 tỷ đồng lên 18.000 tỷ đồng). Suất đầu tư cho một kilômét đường sắt khoảng 1.450 tỷ đồng.
Trong tổng nguồn vốn cho dự án có 280 triệu Euro vay từ Chính phủ Pháp và vay của Cơ quan phát triển Pháp; 503 triệu Euro dự kiến từ nguồn ODA khác; ngân sách T.Ư hỗ trợ và ngân sách địa phương.
Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ ngày 31/8/2009, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, nêu rõ rằng: UBND TP Hà Nội duyệt đầu tư dự án tuyến đường sắt thí điểm đoạn Nhổn - Ga Hà Nội với tổng mức đầu tư tăng khoảng 71 phần trăm (so với mức được Thủ tướng thông qua) là rất lớn, cần xem xét, thẩm định kỹ trước khi phê duyệt đảm bảo hiệu quả của dự án.
Như vậy là khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì thành phố Hà Nội xin ý kiến Thủ tướng thông qua, nhưng khi phê duyệt báo cáo khả thi Hà Nội lại tự ý quyết định.
Tiền - hậu bất nhất
* Ngày 12/10/2009, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến về việc tăng tổng mức đầu tư Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. Theo đó, UBND TP Hà Nội rút kinh nghiệm và tiếp thu ý kiến của các bộ, đồng thời chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của Dự án. * “Đến nay, tổng mức đầu tư dự án tăng lên 783 triệu Euro. Như vậy, về nguyên tắc, UBND TP Hà Nội phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và bổ sung các nguồn vốn nước ngoài khác ngoài vốn vay ODA cho dự án trước khi quyết định phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư mới là 783 triệu Euro. Đây là vấn đề cần được UBND TP Hà Nội lưu ý, rút kinh nghiệm thực hiện đúng trình tự, thủ tục pháp lý theo quy định”. (Trích báo cáo của Bộ Tài chính ngày 14/9/2009) |
Cụ thể, dự báo lưu lượng hành khách trên tuyến tăng so với báo cáo nghiên cứu khả thi dẫn đến tăng kích cỡ nhà ga và đoàn tàu dẫn đến toàn bộ hệ thống cầu cạn, hầm, thông tin tín hiệu... thay đổi.
Bên cạnh đó, Thành phố Hà Nội cũng điều chỉnh cục bộ quy hoạch tuyến, vị trí nhà ga, đoạn ngầm được kéo dài hơn khoảng 1,1km so với trước đó. Phương án thi công cũng được điều chỉnh từ đào mở, đào moi sang đào kín, đào ngầm.
Giải trình về việc đội mức đầu tư, Thành phố Hà Nội cho rằng đó còn là do quy mô nhà ga lớn hơn, cơ sở hạ tầng được tính cho đoàn tàu năm toa trong tương lai.
Các nhà ga hai tầng gồm cả tầng trung chuyển trên tất cả các ga. Các ga ngầm được đào sâu hơn khoảng 10m so với dự án tiền khả thi; bổ sung thêm toà nhà hành chính trong khu Đề pô; kích cỡ đoàn tàu lớn hơn, lắp thang máy, thang cuốn cho toàn bộ các ga. Hai lý do nữa được đưa ra là: đơn giá vật liệu thay đổi và tỷ giá ngoại tệ thay đổi...
Có thể thấy, việc đội mức đầu tư tại nhiều dự án không phải là lạ. Nhưng đội 71 phần trăm tổng mức đầu tư trong khi dự án mới chỉ đi từ tiền khả thi sang khả thi thì là rất lạ.
Nhưng lạ hơn là việc Thành phố Hà Nội đã tự ý điều chỉnh hạng mục, thay đổi quy hoạch và tăng tổng mức đầu tư so với dự án tiền khả thi trong khi đáng lẽ phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Phải chăng Hà Nội thực hiện cơ chế đặc thù?
Nhóm PVTS
>>
- Luật Thuế nhà, đất: Mấy vấn đề cần minh định từ đầu
- Đô thị “da beo”
- 100 triệu USD xây dựng khách sạn 5 sao ở Đà Nẵng
- Tái khởi động dự án tòa tháp 65 tầng Hanoi City Complex
- Danh mục 240 đồ án, dự án được triển khai đợt 1 trên địa bàn TP Hà Nội
- Nhiều đại gia "bán tháo" dự án bất động sản
- Vụ Phú Mỹ Hưng: Chủ đầu tư đá quả bóng trách nhiệm!
- Xây khu đô thị được nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ
- FBS bán hết 300 tỷ đồng trái phiếu dự án khu đô thị
- Khai trương làng nhà mẫu Ecolakes tại Bình Dương