Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Những khu đô thị vắng người - Kỳ 2: Dồn dập ra dự án

Những khu đô thị vắng người - Kỳ 2: Dồn dập ra dự án

Trong khi nhiều khu dân cư-khu đô thị vắng người ở thì các chủ dự án vẫn tiếp tục chào mời người mua, trong đó có nhiều dự án mới được cấp phép.

Theo đại diện Hiệp hội Bất động sản, để tránh tình trạng tiền tỉ bỏ hoang, chủ đầu tư nên tập trung cho dự án đáp ứng nhu cầu thực của cư dân địa phương thay vì chạy theo đuôi các nhà đầu tư mua đi bán lại. Chính quyền địa phương cũng đang tính tới các biện pháp mạnh tay hơn để hướng tới các khu dân cư phù hợp với sức mua.


Trong khi nhiều khu dân cư như khu Mỹ Phước 3 còn vắng người ở thì vẫn có thêm dự án mới khởi công và chào bán ở Bình Dương - Ảnh: H.Đăng

Thêm nhiều dự án mới

Đầu tháng 11-2009, dự án xây dựng thành phố Nhơn Trạch đã được UBND tỉnh Đồng Nai trao giấy phép cho một nhà đầu tư Malaysia. Đây là dự án 100% vốn nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay tại Đồng Nai với vốn đầu tư 2 tỉ USD, triển khai trên diện tích khoảng 600ha tại khu trung tâm Nhơn Trạch. Cũng tại Nhơn Trạch đã khởi công dự án khu đô thị Đông Sài Gòn, lớn nhất tại Đồng Nai, được xây dựng trên diện tích 940ha, vốn đầu tư 6 tỉ USD.

Hấp dẫn nhưng phải lâu dài

So với TP.HCM, giá đất nền và cả nhà phố xây sẵn tại các khu dân cư - khu đô thị ở Bình Dương, Đồng Nai, Long An... hiện vẫn còn khá “mềm”, thậm chí hấp dẫn để đầu tư.

Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, các chính sách quản lý có xu hướng siết lại hoạt động đầu cơ bất động sản, vì vậy nhà đầu tư phải xác định mục tiêu đầu tư trung và dài hạn.

Đồng thời phải đặc biệt quan tâm đến các rủi ro về pháp lý cũng như sự thay đổi về chính sách. Không nên bỏ vốn vào các dự án hồ sơ pháp lý không rõ ràng, các điều khoản ràng buộc trách nhiệm có lợi cho chủ đầu tư...

Tới đây, một số địa phương sẽ yêu cầu chủ đầu tư phải đảm bảo tiến độ xây dựng nhà ở, đó cũng là một rủi ro cho nhà đầu tư khi chủ dự án không đảm bảo tiến độ... 
Trước đó, dự án khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng với diện tích 671ha, vốn đầu tư khoảng 1,2 tỉ USD được một doanh nghiệp tại Đồng Nai khởi công xây dựng tại Long Thành. Một loạt dự án khu đô thị khác tại Đồng Nai cũng đang được khởi động với quy mô khá lớn như khu đô thị Đại Phước (Nhơn Trạch, 464ha, hơn 7.500 tỉ đồng), khu đô thị sinh thái Long Tân (Nhơn Trạch, 331ha, 3.000 tỉ đồng)...

Số liệu từ cơ quan chức năng địa phương này cho biết chỉ trong hai năm qua, trên địa bàn đã có hơn 150 dự án được giới thiệu địa điểm, với tổng diện tích khoảng 9.400ha, chưa kể hàng trăm dự án khác được triển khai trước đó.

Tuy nhiên, sôi động hơn và được nhà đầu tư bất động sản biết đến nhiều hơn là các khu dân cư và khu đô thị tại Bình Dương. Được triển khai khá sớm và hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, khu công nghiệp - đô thị Mỹ Phước (Bình Dương) từng trở thành điểm nóng của thị trường bất động sản phía Nam. Giá đất nền tại khu đô thị này từng tăng vọt trong năm 2007 và sau đó trở thành gánh nặng của nhiều nhà đầu tư thời gian sau đó. Khi giao dịch trên thị trường bất động sản bắt đầu được cải thiện vào đầu năm nay, nhiều khu đô thị tại địa phương này tiếp tục tung sản phẩm ra bán như khu đô thị Hoàng Gia, Hưng Phước và Rạch Bắp...

Mới đây nhất, chủ đầu tư khu đô thị Ecolakes cũng tung sản phẩm ra bán. Ông Trần Văn Dũng - giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương - cho biết tính đến giữa tháng 11-2009, trên toàn địa bàn có hơn 200 dự án khu dân cư và khu đô thị nhưng con số này dự báo còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới.

Dở dang quá nhiều

Có quá nhiều dự án khu dân cư và khu đô thị mọc lên trong thời gian qua, nhưng số các dự án được triển khai đầu tư nghiêm túc chưa nhiều” - ông Dũng nói. Theo ông Dũng, trong hơn 200 dự án trên địa bàn hiện chỉ có khoảng 25% số dự án đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, số còn lại triển khai nham nhở, thậm chí có đến 30% số dự án chẳng thấy động tĩnh gì. Còn tại Đồng Nai, chỉ có khoảng 20 dự án đã hoặc đang hoàn tất cơ sở hạ tầng, một số nhỏ khác đang triển khai xây dựng, trong khi một nửa số dự án này (chiếm khoảng 60% diện tích) dù đã được giới thiệu địa điểm nhưng liên tục xin gia hạn với đủ loại lý do khách quan.

Tổng giám đốc một công ty bất động sản tại Đồng Nai thừa nhận một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án bất động sản là tính thanh khoản của sản phẩm thấp, nhất là sản phẩm tại các dự án cao cấp. Không tiêu thụ được hàng, việc huy động vốn của chủ đầu tư gặp khó khăn. Còn theo ông Trần Văn Dũng, khả năng tài chính kém của nhiều chủ đầu tư, một số chủ đầu tư được giao quá nhiều dự án so với năng lực... là những lý do dẫn đến tình trạng hạ tầng nham nhở ở hầu hết các khu dân cư, khu đô thị.

Khắc phục, cách nào?

Theo bà Đỗ Thị Loan - tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản, ngay cả khi cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn chỉnh, các khu dân cư hay khu đô thị cũng bị xem là thất bại nếu thiếu cư dân sinh sống. “Nhiều chủ đầu tư quá chạy theo mục tiêu bán cho được sản phẩm thay vì quan tâm việc xây dựng một khu dân cư hay khu đô thị thật sự...” - bà Loan nói. Để cải thiện tình hình này, theo bà Loan, các chủ đầu tư trước hết cần đặt mục tiêu thu hút được cư dân địa phương vào sinh sống, với sản phẩm vừa túi tiền, kèm theo các khu thương mại và dịch vụ đáp ứng nhu cầu tại chỗ của người dân.

Ông Trần Văn Dũng cho biết để hạn chế hiện tượng các khu dân cư và khu đô thị đua nhau mọc lên như nấm sau mưa, địa phương này đang và sẽ áp dụng nhiều biện pháp xử lý quyết liệt hơn. Chẳng hạn, ngoài 19 dự án đã bị xem xét thu hồi, các cơ quan chức năng trên địa bàn cũng đang tiếp tục rà soát tiến độ các dự án còn lại để có biện pháp xử lý thích hợp.

Đặc biệt, theo ông Dũng, một biện pháp mạnh tay hơn đang được địa phương này tính tới là ngừng cấp mới đối với các dự án khu dân cư, khu đô thị. “Chúng tôi đang xem xét khả năng áp dụng các biện pháp như đối với các khu công nghiệp, tức là chỉ sau khi khu dân cư, khu đô thị được lấp đầy, chủ đầu tư mới được xem xét phê duyệt dự án mới...”, ông Dũng nói.

HẢI ĐĂNG

>> Kỳ 1: Sàn nóng, đô thị hoang

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo