Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Biệt thự "bỏ hoang" vẫn án binh bất động

Biệt thự "bỏ hoang" vẫn án binh bất động

Hàng dãy biệt thự san sát nhau tại khu An Sinh, Mỹ Đình 2, Hà Nội, xây theo kiểu liền kề, chỉ có 1-2 căn là có người đến nghe bảo là để chuẩn bị hoàn thiện. Anh Chung - bảo vệ của Cty cổ phần đầu tư và khai thác dịch vụ Ba Đình - nơi đang quản lý 36 biệt thự khu An Sinh - cho biết, chỉ lác đác mới thấy 1-2 nhà rục rịch hoàn thiện còn thì đa phần vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Vẫn “trơ gan”...

Vào giờ học sinh tan trường của Trường Trung học Đoàn Thị Điểm, nhiều bậc phụ huynh phải bịt mũi khi đứng chờ đón con trước ngôi biệt thự ô góc thuộc vị trí khá đẹp, nhưng chủ nhà bỏ hoang đã lâu, không hoàn thiện để ở. Xung quanh căn biệt thự chưa hoàn thiện rác rưởi, phế thải xây dựng chất đầy. Chị Hạnh - chủ căn biệt thự xây bên cạnh phàn nàn, nhà tôi về ở gần 2 năm nay, nhưng chẳng mấy khi biết mặt hàng xóm.

  • Ảnh bên : Những biệt thự bỏ hoang tại khu Mỹ Đình II (Hà Nội) đến ngày 15/4 vẫn án binh bất động (Ảnh: Q.T)

Khu An Sinh - An Lạc là 2 khu chung cư liền nhau, tuy đã được đưa vào sử dụng từ năm 2007, đồng thời với 36 căn biệt thự xây thô, nhưng gần đây mới có vài hộ đến ở biệt thự. 

Ông Kiều Thanh Vân - GĐ Cty đầu tư và khai thác dịch vụ Ba Đình, đơn vị quản lý các căn biệt thự xây thô - ta thán: “Tôi cũng chẳng biết làm thế nào. Thi thoảng mới có chủ biệt thự đến chìa sổ đỏ yêu cầu ban quản lý cho hoàn thiện nhà để ở. Còn thì từ trước đến nay đều quản lý những căn biệt thự hoang. Những hộ không đến, thì tôi cũng không biết chủ nhà là ai. Việc này chỉ có chủ đầu tư (là Cty cổ phần đầu tư Ba Đình - PV) bán các căn hộ mới biết, nhưng đến nay tôi đồ là cũng không biết, vì nhà đã bán từ những năm 2004-2005, trong khi qua tay rất nhiều chủ”.

Ông Đức - chủ biệt thự đang chuẩn bị hoàn thiện căn BT1 khu An Sinh - cho biết: “Tôi biết thành phố có chủ trương yêu cầu hoàn thiện nhà biệt thự, nhưng nhà mua cho cháu, hai vợ chồng nó đang học bên Đức, chưa có nhu cầu ở. Tôi định sang sửa chút ít mặt ngoài để đỡ nhom nhem”.

Ông GĐ Cty đầu tư và khai thác dịch vụ Ba Đình thì cho biết: Cũng không ít chủ đã có nhà ở nơi khác, họ đầu tư nhưng với tình hình nhà đất hiện nay, bán một căn có giá đến hàng chục tỉ đồng đâu dễ kiếm được khách. Giờ họ cứ bỏ đó, bao nhiêu năm rồi có ai đụng đến đâu. Mà chả cứ ở An Sinh, ngay trong khu Mỹ Đình này, hàng loạt biệt thự của Cty đầu tư nhà và đô thị Bộ Quốc phòng, hay của HUD cũng để hoang cả gần 6-7 năm nay, có ai bị sao đâu.

Vận động, thuyết phục là chính

Sau khi UBND TP Hà Nội có văn bản yêu cầu chủ đầu tư 36 biệt thự khu An Sinh phải tiến hành rà soát, lên kế hoạch đôn đốc các chủ nhà biệt thự phải tự hoàn thiện, phóng viên đã liên hệ rất nhiều lần với GĐ Cty CP Tập đoàn Đầu tư Ba Đình, nhưng đều không được hồi âm.

Qua tìm hiểu, các doanh nghiệp đã bán các căn biệt thự này từ khá lâu, nên tìm ra chủ thực sự của những ngôi nhà này không đơn giản. Trong trường hợp chủ nhà vẫn tìm cách này, cách khác trì hoãn việc hoàn thiện hoặc chỉ làm để đối phó thì chủ đầu tư cũng không có chế tài buộc họ phải hoàn thiện. Trường hợp như UBND TP yêu cầu chủ đầu tư mua lại các căn biệt thự này cũng rất khó, vì nếu người mua cũng không chịu bán với giá do chủ đầu tư đưa ra thì cũng khó thỏa thuận. Mà mua theo giá thị trường thì nhiều khả năng sẽ vượt quá năng lực của chủ đầu tư.

Về phía đại diện chính quyền, ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó GĐ Sở Xây dựng Hà Nội - cho biết: "Chúng tôi đang phối hợp với đoàn công tác của Bộ Xây dựng tiến hành rà soát, thống kê số biệt thự bỏ hoang trên địa bàn Hà Nội, vào khoảng cuối tuần tới sẽ có kết quả. Tuy nhiên, quan điểm của sở là trước mắt cần vận động, thuyết phục các chủ biệt thự vì mỹ quan đô thị, vì giá trị của các căn biệt thự của chính họ". Tuy nhiên, theo các chuyên gia bất động sản, cần nhanh chóng có chế tài với tình trạng găm giữ nhà đất, vì đây mới chính là nguyên nhân để các căn hộ “trơ gan” bấy lâu.

GS Đặng Hùng Võ cho rằng, chủ các căn biệt thự tiền tỉ phải là những người có thế lực, nên nếu buộc công khai danh tính, thì sẽ hạn chế được việc găm giữ. Cùng với đó, cần nhanh chóng luật hóa các sắc thuế liên quan đến sử dụng đất. “Hiện mức thuế sử dụng đất phi nông nghiệp quá thấp, cao nhất cũng chỉ 1,5 triệu đồng/năm, không thấm gì so với lợi nhuận từ đầu cơ đất nên phải điều chỉnh thì mới mong hạn chế được nạn đầu cơ hiện nay” - ông Võ nói.

Hồng Quân

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo