Ashui.com

Wednesday
Jan 08th
Home Tin tức Sự kiện Hội thảo quốc tế "Hà Nội Thiên niên kỷ - Thành phố quá khứ và tương lai"

Hội thảo quốc tế "Hà Nội Thiên niên kỷ - Thành phố quá khứ và tương lai"

Viết email In

Quá khứ và tương lai của Hà Nội thế nào? Vấn đề định cư, cũng như việc thay đổi kiến trúc, hình thức của Thủ đô trong tương lai sẽ ra sao? - là nội dung chính của cuộc Hội thảo Quốc tế "Hà Nội Thiên niên kỷ - Thành phố quá khứ và tương lai" được tổ chức vào hai ngày 12-13/10/2010 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - 11 Lê Hồng Phong - Hà Nội, đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hội thảo do Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, UBND Thành phố Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu toàn cầu hóa - Đại học Hawaii (Hoa Kỳ) và Chương trình UN-Habitat tại VN phối hợp tổ chức. 

Đây là hội thảo khoa học lớn, mang nhiều ý nghĩa liên quan đến công tác quy hoạch, thu hút sự hơn 200 chuyên gia của 8 quốc gia đến từ Mỹ, Pháp, Anh, Canađa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia cùng nước chủ nhà Việt Nam tham gia. Chương trình hội thảo sẽ gồm những bài thuyết trình chủ yếu về thành phố Hà Nội, đồng thời có sự so sánh với các đô thị khác trên thế giới. 9 chủ đề chính sẽ được trao đổi trong hội thảo, gồm:

- Các đô thị VN trong quá trình chuyển đổi
- Bảo tồn lịch sử
- Thành phố sống tốt
- Không gian công cộng
- Thiết kế đô thị có sự tham gia của cộng đồng
- Sự chuyển đổi vùng ngoại ô
- Biến đổi khí hậu và phát triển đô thị bền vững
- Định cư và sự thay đổi kiến trúc đô thị
- Thành phố trong tương lai. 

Một đô thị sở hữu nhiều điều đáng để "ghen tỵ"

Với tất cả những gì mà đã và đang có sau 1.000 năm lịch sử, Hà Nội đang sở hữu những giá trị văn hóa - truyền thống vật thể và phi vật thể mà không phải nơi nào cũng có được. Tuy nhiên bề dầy của một đô thị cũng đã để lại những vấn đề cho chính đô thị hôm nay và trong tương lai.

KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho biết, với bề dày lịch sử 1000 năm, Thăng Long - Hà Nội luôn phát triển theo cấu trúc đô thị đặc thù của phương Đông - đô thị là kinh đô. Những biến đổi thăng trầm qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước không chỉ thể hiện ở lĩnh vực kinh tế - chính trị - xã hội mà còn để lại dấu ấn qua cấu trúc đô thị. Thời kỳ Pháp thuộc tuy không dài nhưng đã là thời kỳ Hà Nội được mở rộng về quy mô lẫn diện tích và dân số. Sự quy hoạch bài bản cũng mang đến sự thay đổi diện mạo đô thị. Thời kỳ sau Cách mạng Tháng 8 đến nay, đây là giai đoạn Hà Nội chuyển biến mạnh cả về quy mô và chất lượng đô thị. Đến thời điểm này, thủ đô Hà Nội được tổ chức lập qui hoạch với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là nhìn về tương lai cho Hà Nội - Thủ đô của đất nước có hơn 100 triệu dân - "Thành phố vì hòa bình".

TS Phạm Sỹ Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng (IUSID) đánh giá, trong 20 năm Đổi mới, kinh tế Hà Nội phát triển nhanh, mức sống người dân được nâng cao. Cùng lúc nhiều "căn bệnh đô thị" xuất hiện và ngày càng trầm trọng. Trước các thách thức đó, đô thị sống tốt phải trở thành mục tiêu phát triển hướng tới sự bền vững của thành phố trong giai đoạn sắp tới. Theo TS Phạm Sỹ Liêm, xây dựng đô thị sống tốt có nghĩa là vừa coi trọng chất lượng và hiệu quả của phát triển kinh tế đô thị, vừa đặt con người vào trung tâm của sự phát triển, phát huy dân chủ, coi trọng các giá trị nhân văn và chất lượng cuộc sống tinh thần và vật chất của mọi người dân.

Tại Hội thảo, Giám đốc Viện Nghiên cứu Đô thị - Bảo tồn và phát triển của khu phố Pháp ở quận Hoàn Kiếm Laurent Pandolfi cho rằng: Khách du lịch quốc tế là một nguồn thu nhập tiềm năng của di sản đô thị Hà Nội - di sản duy nhất ở châu Á. Vì vậy, cần xây dựng quy định bảo quản chung, rộng hơn cho toàn bộ trung tâm lịch sử của Hà Nội bao gồm Hoàng thành Thăng Long, khu Ba Đình, khu 36 phố phường, khu phố Pháp và khu vực Bùi Thị Xuân.

Còn ông Paul Schuttenbelt, Công ty Tư vấn giải pháp đô thị đưa ra một cái nhìn khá rõ nét về những thách thức cho thành phố. Theo đó, thách thức ngày càng cao tạo cạnh tranh cho chính quyền thành phố trong kinh doanh toàn cầu đi xa hơn đến việc cung cấp môi trường đầu tư tối ưu: nhà nước của khu thương mại nghệ thuật, các khu tổ hợp dân cư, các tòa nhà với những tiện nghi văn phòng hiện đại và những ưu đãi khác để thu hút người mua tiềm năng và các nhà đầu tư tới thành phố. Do vậy các thành phố của Việt Nam đã nhập cuộc đua, với Hà Nội, hiện đại hóa trung tâm thành phố cũng với tốc độ nhanh chóng. Có phải Hà Nội đang trên bờ vực của việc mất đi bản sắc của chính mình (?). Một tính năng khác biệt của Hà Nội là hệ thống các hồ và cây xanh, trong khi các công trình xây dựng được thu nhỏ lại theo kích thước của con người. Hà Nội có những thứ đáng bị ghen tị bởi bất kỳ nhà tiếp thị thành phố nào khác trên thế giới, đó là hàng ngàn năm lịch sử và văn hóa, cái luôn tồn tại trong đời sống tinh thần của người dân Hà Nội, là văn hóa ẩm thực, là các lễ hội, đền chùa và khu phố cổ ở trung tâm thành phố.



Hướng tới mục tiêu hiện đại, bền vững và giàu bản sắc

Mục tiêu của hội thảo này là nhìn lại chặng đường dài của quá trình phát triển đô thị với những di sản hiện hữu, với những không gian cảnh quan đặc trưng, cấu trúc không gian đô thị truyền thống để nhìn nhận và chọn lọc để bảo tồn những giá trị này trong quá trình phát triển và toàn cầu hóa. Từ đó rút ra những vấn đề, giải pháp nhằm xây dựng một Hà Nội trong tương lai trở thành một thành phố hiện đại, phát triển bền vững nhưng vẫn giàu bản sắc văn hóa, truyền thống.

Về giải pháp cho những thách thức mà Hà Nội đang đối diện, Ths.KTS Lã Thị Kim Ngân, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội (HUPI) đưa ra các nhóm giải pháp trong đó có việc khoanh vùng các không gian lịch sử, văn hóa, truyền thống, đặc trưng kiến trúc, không gian cảnh quan tự nhiên theo hướng duy trì bản sắc, lưu giữ các giá trị và tạo lập môi trường phát triển du lịch với các ứng xử đặc biệt. Cải tạo trong khu vực lõi trung tâm để nâng cấp các khu ở chung cư, tập thể, khu ở khác đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội, tạo ra hình ảnh mới cho khu vực lõi trung tâm, đồng thời tạo ra các không gian mới bổ xung cho hệ thống trung tâm chức năng của quốc gia và Thủ đô.

Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn (Bộ Xây dựng), bà Lê Thị Bích Thuận nhận định, công tác bảo tồn phố cổ Hà Nội cần sự tham gia của cộng đồng để hướng tới một đô thị sống tốt hơn. Cải tạo phố cổ Tạ Hiện là một ví dụ về bảo tồn không gian văn hóa sống của người dân cho phù hợp với nhu cầu cuộc sống hiện tại; can thiệp có chọn lọc nhưng không làm mất đi nét cổ kính nguyên bản mà vẫn phát huy được giá trị nổi bật về di sản kiến trúc nhằm tăng sức hút du lịch cho khu phố cổ Hà Nội.

Để Thủ đô xứng là "Thành phố của quá khứ và tương lai", ông Đào Ngọc Nghiêm - Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội khẳng định: Quy hoạch xây dựng phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội và đồng hành với các quy hoạch chuyên ngành; trong đó, phát triển phải gắn với bảo tồn; phát triển Hà Nội phải khai thác được thế mạnh của Thủ đô, đồng thời phải tính đến lợi thế so sánh với cả vùng và các tỉnh lân cận. Đặc biệt, để phát triển bền vững, thân thiện với môi trường cần có cơ chế kiểm soát, quản lý thích hợp - yếu tố này phải được đặt lên hàng đầu. 

Ông Paul Schuttenbelt cho rằng, thay vì thiết kế chi tiết, Hà Nội cần một định hướng chiến lược. Trong đó, văn hóa và di sản có thể được coi như là một cơ sở mạnh mẽ cho chiến lược này. Hà Nội là Thủ đô văn hóa của châu Á, có thể làm cho Hà Nội bước ra khỏi đám đông và trở thành một thành phố trẻ năng động với một trái tim có tuổi, thông minh và xinh đẹp. Minh Thu (KT&ĐT)

Một số hình ảnh tại hội thảo

( Ashui.com


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...