Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe đánh giá của đại diện Bộ Kế hoạch-Đầu tư về thực trạng phát triển và định hướng hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển khu kinh tế ven biển Việt Nam.
Theo báo cáo, hiện cả nước hiện có 18 khu kinh tế sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung thêm 3 Khu kinh tế, với tổng diện tích mặt đất, mặt nước hơn 730.000ha, tương đương với khoảng 2,2% tổng diện tích của cả nước.
Đến hết năm 2010, tổng vốn đầu tư hạ tầng của các khu kinh tế lên đến gần 170.000 tỷ đồng, nhiều khu kinh tế đã cơ bản hoàn thành công tác quy hoạch, thu hút khoảng 130 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư hơn 25 tỷ USD và 650 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư gần 537 tỷ đồng…
Hiện tại, trong các quy chế hoạt động của khu kinh tế đều có những quy định về các lĩnh vực hoạt động như cơ chế tài chính, tín dụng, ưu đãi, xuất nhập cảnh, đất đai, ngân sách, chức năng nhiệm vụ.
Tuy nhiên, vẫn chưa có một văn bản pháp quy nào quy định thống nhất về hoạt động quản lý Nhà nước của khu kinh tế; kết cấu hạ tầng của phần lớn các khu kinh tế chưa được xây dựng đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển; thu hút đầu tư vào các khu kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, tiến độ thực hiện các dự án còn chậm, số dự án lớn, đóng góp của các khu kinh tế còn khiêm tốn, chưa thể hiện được vai trò động lực phát triển vùng như mục tiêu đề ra.
Đồng thời, các khu kinh tế chưa tạo được sự liên kết, tương hỗ trong quá trình hoạt động; quy hoạch nguồn nhân lực chưa được chú trọng; quá trình triển khai còn bộc lộ nhiều điểm chưa phù hợp, bất hợp lý, thậm chí vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện…
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh các khu kinh tế ven biển được hình thành từ năm 2003 và được coi là một trong những động lực quan trọng trong thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm đến việc phát triển các khu kinh tế ven biển trong những năm vừa qua.
Theo quy hoạch Việt Nam có 15 khu kinh tế ven biển và đang quy hoạch thêm 3 khu kinh tế ven biển nữa, nâng tổng số khu kinh tế ven biển lên 18 khu.
Hội thảo này là bước chuẩn bị cho việc tổng kết đánh giá 20 năm thành lập các khu công nghiệp và khu kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, trong đó có khu kinh tế mở Chu Lai - khu kinh tế mở đầu tiên của Việt Nam.
Hiện nay, khu kinh tế ven biển nói riêng và khu kinh tế công nghiệp nói chung của Việt Nam có một vai trò vô cùng quan trọng trong tiến trình xây dựng chuyển đổi cơ cấu kinh tế của đất nước sang công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong khu kinh tế ven biển nói riêng và khu kinh tế công nghiệp của đất nước nói chung đã tạo ra những chuyển biến, sức bật mới của đất nước. Các khu kinh tế đã thu hút vốn đầu tư trong nước và quốc tế. Đặc biệt, hơn 40 % vốn đầu tư của nước ngoài đã đầu tư vào các khu kinh tế này.
Đây cũng là nơi thu hút các nguồn lực và tiếp thu những công nghệ khoa học để tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh trong khu vực và trên quốc tế và nhất là tạo ra những sản phẩm sinh học mang tính đột phá, không những phục vụ trong nước mà còn xuất khẩu.
Với 15 khu kinh tế chiếm quỹ đất hơn 92.000ha, nhu cầu vốn đầu tư cần tới 170.000 tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư nước ngoài chiếm 130.000 tỷ, trong nước 40.000 tỷ đồng) trong khi kế hoạch năm nay, tổng vốn hỗ trợ của ngân sách Trung ương cho các khu kinh tế ven biển mới chỉ có 8.756 tỷ đồng. Do đó, nguồn vốn mới chỉ tập trung vào các khu kinh tế chính như Khu kinh tế mở Chu Lai, Dung Quất, Vũng Áng...
Các khu kinh tế khác chỉ được đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương và vốn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nên chưa đáp ứng được nhu cầu. Bên cạnh đó, hoạt động của nhiều khu kinh tế mở cũng gặp khó khăn, hiệu quả chưa cao do tác động của suy thoái kinh tế thế giới. Để tháo gỡ khó khăn trên, cần rà soát lại quy hoạch các khu kinh tế theo hướng xây dựng các khu kinh tế phải cân đối với yêu cầu phát triển của địa phương và khu vực.
Trong điều kiện nguồn kinh phí có hạn, các khu kinh tế phải lựa chọn kỹ phân kỳ đầu tư và lựa chọn đầu tư đúng hướng; đồng thời cần có những giải pháp phù hợp để xây dựng các khu kinh tế hoàn thiện, phát triển một cách hiệu quả..../.
(TTXVN/Vietnam+)
Tin mới hơn:
- Tuần lễ mua sắm Nội thất 2011
- Hội thảo "Tư vấn lãnh đạo về Chiến lược phát triển Quảng Nam"
- Cuộc thi "Khoảnh khắc ngước nhìn"
- Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2011
- Tọa đàm “Văn hóa và các chính sách đô thị” - GS Ola Soderstrom trình bày
Tin cũ hơn:
- Hội thảo quốc tế về môi trường và biến đổi khí hậu
- Diễn đàn Đầu tư Xây dựng và Bất động sản Việt Nam - Kinh tế và Triển vọng
- Chương trình Đối thoại chính sách “Tăng trưởng xanh-Cơ hội, thách thức và lựa chọn nào cho Việt Nam?"
- Diễn đàn Sáng tạo Xanh - Xây dựng và Kiến trúc bền vững
- Triển lãm quốc tế công nghệ sản phẩm tiết kiệm năng lượng và năng lượng xanh - Enertec Expo 2011