Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tin tức Sự kiện Hội nghị Doanh nghiệp ngành Xây dựng năm 2011

Hội nghị Doanh nghiệp ngành Xây dựng năm 2011

Viết email In

Chiều 17/12/2011, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Hội nghị Doanh nghiệp ngành Xây dựng năm 2011 đã được tổ chức với sự tham gia của trên 300 doanh nghiệp tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng thuộc các thành phần kinh tế.

Tỷ trọng đầu tư của ngành xây dựng chiếm tỷ trọng lớn trong GDP

Tại hội nghị, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những thành tựu mà các doanh nghiệp ngành xây dựng đã đạt được trong thời gian qua: “Tỷ trọng công nghiệp – xây dựng chiếm 41% GDP, trong đó riêng lĩnh vực xây dựng chiếm 10,3% đến 15% GDP. Doanh nghiệp (DN) Xây dựng là lực lượng chủ đạo tạo ra tài sản cố định phục vụ sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp quốc kế dân sinh quan trọng. Tỷ trọng đầu tư của ngành Xây dựng đối với xã hội hàng năm chiếm khoảng 40% GDP. Đồng thời hàng năm có hàng chục ngàn công trình xây dựng được triển khai trên mọi miền tổ quốc, trong đó có các công trình trọng điểm quốc gia quan trọng như Lọc dầu Dung Quất, Thủy điện Sơn La…

Trên tất cả các lĩnh vực: quản lý phát triển đô thị, phát triển nhà ở, phát triển hàng hóa sản phẩm bất động sản, xây dựng công nghiệp và công trình dân sinh, phát triển VLXD… các DN ngành xây dựng đã triển khai có hiệu quả các chủ trương của Chính phủ và Bộ Xây dựng. Các DN ngành XD phát triển mạnh về cả quy mô, số lượng, chất lượng, tham gia giải quyết bài toán việc làm. Sản phẩm của các DN ngành Xây dựng ngày càng đa dạng và chứng tỏ được năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn tồn tại trong hoạt động của các DN, đó là những khó khăn trong việc giải quyết bài toán đầu ra của bất động sản; việc thiếu một nguồn vốn tín dụng trung và dài hạn để tạo đà cho thị trường bất động sản; sự thiếu quan tâm của một bộ phận DN trong vấn đề chất lượng công trình dẫn tới sự lãng phí trong quản lý đầu tư… 

Đối mặt với tình trạng cắt giảm đầu tư công, chắc chắn tới đây nguồn vốn cho phát triển công trình giảm, nguồn cung về vốn giảm, lãi suất tín dụng cao nên tới đây các DN ngành Xây dựng buộc phải đối mặt với những khó khăn thách thức chưa có tiền lệ… Trách nhiệm trên vai các DN ngành Xây dựng sẽ phải phát huy ở mức độ cao hơn, bởi cùng lúc vừa phải đáp ứng nhiệm vụ Chính phủ giao phó, vừa phải tiếp tục tìm kiếm cơ hội phát triển trong khó khăn.

Tạo cơ chế thuận lợi cho các DN

Trong bối cảnh khó khăn, việc tìm ra giải pháp phát triển là mục tiêu sống còn của các DN. Bàn về công tác cải cách thủ tục hành chính, ông Nguyễn Quốc Tuấn –Phó GĐ Sở Xây dựng Hà Nội bày tỏ một số kiến nghị: Hiện nhiều DN có nguồn tiền để đầu tư nhưng họ còn băn khoăn trong việc bỏ vốn ra vì thủ tục hướng dẫn còn thiếu thống nhất. Hoặc trong công tác quản lý chung cư, ban quản lý chung cư hầu như không được nắm phần phí bảo trì 2% để lại nên khi có sự cố xảy ra không có nguồn để xử lý. Hoặc các vấn đề nóng bỏng không kém khác như phí dịch vụ chung cư, cơ chế trách nhiệm của thành phần người nước ngoài trong các ban quản lý chung cư…

Becamex Bình Dương – một đơn vị có nhiều thành công trong phát triển nhà ở cho công nhân cũng bày tỏ một số kiến nghị thẳng thắn, đó là: Nhìn sang các nước lân cận có trình độ quản lý thị trường BĐS khá cao, kinh nghiệm chỉ ra là phải khép kín quy trình quản lý bằng cách xây dựng bài toán chi phí một cách bài bản. Ví dụ trước mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp, cần phải tìm hiểu kỹ thực tế để thấy nhu cầu ở của người dân ra sao chứ không nên áp suy nghĩ của người có tiền lên suy nghĩ của người thu nhập thấp. Do đó, từng m2 đều phải được tính toán công năng đa dạng để thông qua một loạt những con số tiết kiệm từ việc nhỏ sẽ cho một tổng giá trị tiết kiệm lớn, phù hợp với tầng lớp thu nhập thấp.

Về những bất cập trong việc tính thuế thu nhập cá nhân phát sinh trong chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà, bà Châu Thu Nga – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Nhà Đất thẳng thắn cho rằng mức thuế suất 2% tổng giá mua ghi trong hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai là không phù hợp. Còn trong tình trạng thị trường nhà đất khó khăn như hiện nay, việc thực hiện Nghị định 69/CP quy định DN phải đóng tiền sử dụng đất theo giá thị trường sẽ khiến nhiều chủ đầu tư đã bán nhà ở mà chưa đóng tiền sử dụng đất thì DN sẽ bị lỗ…

Để vượt qua những khó khăn hiện nay, các DN xây dựng cần đẩy mạnh các giải pháp về chính sách như huy động các nguồn lực đầu tư, tăng cường xây dựng và quản lý theo quy hoạch, hỗ trợ và khuyến khích ứng dụng các giải pháp về khoa học công nghệ nhằm giảm giá thành nhà ở.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ chỉ đạo khối các DN tập trung phát triển vào các mảng kinh doanh nhìn thấy rõ hiệu quả và có nhu cầu thực sự. Những phân khúc có thị trường và có nhu cầu cao thì khó khăn đến mấy về cơ chế cũng cần phải quyết tâm thực hiện.

Anh Thư - Khánh Ngọc (báo Xây dựng)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo