Năm 1909, nhà khảo cổ học người Pháp - M.Vinet đã tình cờ phát hiện tại động cát cạnh đầm An Khê thuộc xã Phổ Thạnh, H.Đức Phổ (Quảng Ngãi) một khu mộ chum với rất nhiều hiện vật giá trị.
Bắt đầu từ đó, cụm từ “văn hóa Sa Huỳnh” đã trở thành ma lực đối với giới khảo cổ học. Suốt 100 năm qua là những cuộc kiếm tìm không mệt mỏi của các nhà khảo cổ về nguồn gốc của nền văn minh này, cùng tung tích những chủ nhân của nó. Những thông điệp mà người xưa muốn gửi cho hậu thế qua các hiện vật tìm thấy dần dần được giải mã.
Thế nhưng, để có một định danh “văn hóa Sa Huỳnh” như ngày hôm nay là cả một cuộc cày xới trường kỳ của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Hàng chục tham luận của các nhà khảo cổ, các nhà nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh trên thế giới đã gửi về hội thảo “Một trăm năm phát hiện và nghiên cứu di chỉ khảo cổ học Sa Huỳnh” được tổ chức vào ngày 22-24.7 tới đây tại Quảng Ngãi, cũng đủ nói lên điều đó.
Vì sao văn hóa Sa Huỳnh được sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học đến vậy? Vì trước hết, đây là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại. Chủ nhân của những hiện vật được phát hiện qua các cuộc khai quật, sống cách nay trên 2.500 năm nhưng đã biết chế tác một cách tinh xảo những công cụ phục vụ cho sản xuất cũng như các đồ trang sức hết sức vi diệu.
Chính sự tinh xảo trong chế tác các hiện vật đã khiến không ít người hoài nghi về chủ nhân của nền văn minh ấy có phải là người bản địa hay di cư từ nơi khác đến? Có giả thiết cho rằng, số mộ chum này là của các thuyền nhân từ những tàu buôn ngang qua biển Đông, họ tạt ngang qua động cát cạnh đầm An Khê và chôn cất những người xấu số chứ không phải là của dân bản địa.
Song những bí ẩn ấy lần lượt lộ sáng sau những thu lượm từ các cuộc khai quật khảo cổ sau năm 1975 ở Bình Châu và Bình Đông huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), ở xóm Ốc, đảo Lý Sơn, ở Động Cườm huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định cùng hàng loạt các cuộc khai quật khác ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Hiện vật thu lượm được từ các cuộc khai quật này đã có mối liên hệ mật thiết với những hiện vật phát hiện đầu tiên tại gò Ma Vương.
Thông điệp từ những hiện vật qua các cuộc khai quật này còn mách bảo cho hậu thế rằng, chủ nhân của văn hóa Sa Huỳnh còn có một mối giao thương mạnh mẽ với các nền văn minh khác như Đông Sơn phía bắc và Óc Eo ở phía nam. Thậm chí một số đồ gốm sứ của Trung Hoa đã có mặt, nằm lẫn với đồ gốm Việt trong các mộ chum. Điều ấy nói lên rằng, ngay từ hàng ngàn năm trước, con người đã biết “mở cửa” để giao lưu với thế giới bên ngoài rồi. Vậy là, sức lan tỏa của văn hóa Sa Huỳnh không chỉ bó hẹp trong phạm vi một tỉnh hay một vùng miền mà nó đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia.
Trà Sơn / Thanh Niên - Ảnh minh họa : Ashui.com
>>
- Báo cáo lần 2 Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050
- Thanh Hóa: Phát hiện giếng cổ tại Thành nhà Hồ
- Ký Hợp đồng dịch vụ tư vấn tổng thầu EPC - Dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1
- Ký thỏa thuận hợp tác lập quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội giai đoạn 2
- Hoàn thành đề án tập đoàn xây dựng trong tháng 7/2009
- Khánh thành cầu dây võng lớn nhất Việt Nam
- Nhà Quốc hội sẽ cao 7 tầng
- Chất vấn về ô nhiễm môi trường và dự án treo ở Hà Nội
- Đà Lạt mở rộng gấp đôi diện tích nội thành
- TPHCM : Gần 4 triệu m2 đất sử dụng sai mục đích