PGS TSKH Vũ Cao Minh, nguyên Viện phó Viện Địa chất, Viện KH&CN cho biết: Tại Lesvos (Hy Lạp), ngày 3/10, tổ chức GGN (Global Geoparks Network - Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu) đã trao quyết định công nhận cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) là thành viên (hồ sơ trình lên GGN cuối năm 2009).
Thưa PGS, tiêu chí nào để cao nguyên đá của Hà Giang được công nhận là công viên địa chất toàn cầu?
Đó là những giá trị địa chất, địa mạo, văn hóa của các dân tộc trên cao nguyên đá: cảnh quan caster phong hóa hàng chục triệu năm rất đẹp; nền địa chất đa dạng; nền văn hóa địa phương phong phú.
Du khách đứng trên đỉnh cột cờ Lũng Cú ở cực bắc của Việt Nam hay trên đỉnh Tu Sán ở huyện Đồng Văn có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh cao nguyên đá hùng vĩ trải dài đến tận chân trời. Hiếm gặp trên thế giới địa hình núi đá như ở Đồng Văn với những dãy núi hình chóp nhọn, hình kim tự tháp kỳ vĩ trên đỉnh Mã Pì Lèng; những rừng đá, vườn đá kỳ thú ở khu vực chợ tình Khau Vai... Đặc biệt là hẻm vực Nho Quế, nơi hình thành do đứt gãy của vỏ Trái đất, sâu trên một cây số, với vách đá vôi dựng đứng cao khoảng 700m, rất hiếm gặp trên thế giới.
Sự kiện này mở ra cơ hội gì cho cao nguyên đá Đồng Văn?
Chúng ta sẽ có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, quản lý, phát triển với khoảng 77 công viên địa chất toàn cầu của 24 nước. Ta sẽ nhận được một số tài trợ quốc tế để khai thác, phát triển cao nguyên đá. Sự kiện này tạo động lực quảng bá vẻ đẹp của cao nguyên đá Hà Giang ra với thế giới, thu hút sự chú ý của các nhà khoa học và khách du lịch quốc tế đến với Đồng Văn, Hà Giang. Điều đó cũng đặt ra trách nhiệm lớn bảo tồn, quy hoạch cao nguyên đá.
Trước người ta coi nơi này là chỉ toàn đá, “sống trong đá chết vùi trong đá”. Nay Hà Giang đã tìm ra lối thoát để làm giàu, phát triển đời sống. Biến địa hình núi đá tai mèo thành lợi thế, thành nét đặc sắc mang tầm quốc tế. Tỉnh Hà Giang đã thành lập Ban quản lý cao nguyên đá địa chất Đồng Văn.
Việc khai thác đá có thể làm suy giảm giá trị của cao nguyên đá Đồng Văn. Cần làm gì để ngăn chặn tình trạng này?
Khai thác đá là nhu cầu tất yếu của người dân cao nguyên đá từ bao đời nay. Khai thác đá để làm bờ rào, đường, xây nhà, làm ruộng... Mấy năm gần đây, tỉnh Hà Giang đã quy định vùng được khai thác. Đến nay, việc khai thác bừa bãi gần như đã chấm dứt.
Với những điều kiện hiện có, có thể nghĩ tới việc đệ trình UNESCO công nhận cao nguyên đá Đồng Văn là di sản thiên nhiên thế giới không, thưa ông?
Nhiều địa điểm trên cao nguyên đá có thể làm bảo tàng tự nhiên kỳ thú ngoài trời như khu vực rừng đá, vách đá thể hiện rõ sự vận động, phát triển của vỏ Trái đất dọc theo đèo Mã Pì Lèng, trên đường đi Lũng Cú. Các nhà khoa học đã có ý tưởng chọn lựa một khu vực hẹp hơn, tìm những giá trị đặc biệt nổi bật, để làm hồ sơ công nhận di sản thiên nhiên thế giới. Do vậy, cần bảo vệ chặt chẽ những khu vực này.
Xin cảm ơn PGS!
Sự đa dạng địa chất của cao nguyên đá là duy nhất ở Việt Nam. Tại đây còn có một loạt hệ tầng đất đá có tuổi trên nửa tỉ năm trở lại đây. Đặc biệt là gần một chục phân vị về đá vôi rất khác nhau, có tổng chiều dầy xấp xỉ 4.000m. Đã tìm thấy gần 1.000 loài động thực vật hóa thạch, trong đó có một số loại đặc hữu cho khu vực. Đây cũng là nơi ghi chứng tích của hai trong năm sự kiện lớn của thế giới về sự hủy diệt hàng loạt thế giới sinh vật trên phạm vi toàn cầu xảy ra cách đây khoảng 250 và 350 triệu năm. |
Mỹ Hằng (thực hiện)
Tin mới hơn:
- TPHCM: Đầu tư xây dựng đường vành đai
- Hà Nội xây cầu nối 2 khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp
- Hội thảo quốc tế Hà Nội học: Hãy mở thêm không gian cho thành phố!
- Duyệt Hiệp định tài trợ tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội
- Phê duyệt đề án kiểm định công trình xây dựng
Tin cũ hơn:
- Dự án trùng tu đình Chu Quyến giành giải thưởng lớn của UIA
- Khánh thành Bảo tàng Hà Nội
- Hộ nghèo ở đô thị sẽ được hỗ trợ nhà ở
- Phát huy các giá trị di sản và làng nghề truyền thống
- Đô thị Việt Nam đối mặt với bất bình đẳng thu nhập