Các tuyến đường ở cửa ngõ phía Đông thông thoáng sẽ là cơ hội cho TPHCM mở rộng hợp tác kinh tế với miền Đông Nam bộ - khu vực kinh tế năng động nhất Nam bộ chỉ sau TPHCM. Đường Vành đai 2 sớm hoàn thành sẽ giúp giảm tải cho khu vực nội thành hiện hữu của TP bởi khi ấy ô tô các loại, đặc biệt là ô tô tải, xe container... sẽ đi trên đó để qua TP thay vì phải đi vào nội thành như hiện nay.
Ưu tiên cửa ngõ phía Đông
Có đến gần 10 công trình giao thông đang được Sở GTVT TPHCM đầu tư xây dựng có vai trò mở thông cửa ngõ phía Đông của TP và kết nối đến các tỉnh miền Đông Nam bộ. Dự án đầu tiên là mở rộng xa lộ Hà Nội do Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) làm chủ đầu tư. Dự án có chiều dài khoảng 16km với điểm đầu kết nối với cầu Sài Gòn và điểm cuối kết nối với cầu Đồng Nai. Toàn tuyến xa lộ Hà Nội sẽ được mở rộng lên 113 - 153m tùy đoạn. Tổng vốn xây dựng của công trình gần 3.000 tỷ đồng.
Theo Sở GTVT, dự án có vai trò quyết định đến việc thông thương giữa TPHCM với các tỉnh miền Đông Nam bộ như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... Hiện dự án đang trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng và lập dự án đầu tư.
Liên tỉnh lộ 25B chỉ dài hơn 5km với điểm đầu tiếp nối với đại lộ Đông Tây và điểm cuối tiếp giáp với khu vực phà Cát Lái, nhưng là con đường huyết mạch nối khu vực cảng Cát Lái - cảng container hiện đang tiếp nhận tới hơn 70% lượng container ra, vào Việt Nam với xa lộ Hà Nội để đi về các KCN-KCX ở miền Đông Nam bộ và miền Trung.
Hiện nay, dự án Mở rộng liên tỉnh lộ 25B đã hoàn thành hạng mục xây dựng cầu Giồng Ông Tố 2 và hiện đang đợi quận 2 hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng để tiếp tục triển khai xây dựng phần đường.
Dự án mở rộng tỉnh lộ 10 không nằm trên tuyến đường Vành đai 2 song đây cũng là một tuyến giao thông quan trọng nối TPHCM (huyện Bình Tân, Bình Chánh) với tỉnh Long An, một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế khá của miền Tây Nam bộ. Chính vì vậy, TPHCM đang đầu tư khá mạnh cho công trình này. Hiện nay công trình đã hoàn thành được khoảng 60% khối lượng công việc, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2010.
Một dự án khác là dự án xây dựng cầu Rạch Chiếc mới do cầu Rạch Chiếc hiện hữu nằm trên trục xa lộ Hà Nội đã quá tải. Do đó, TPHCM đã quyết định xây thêm 2 nhánh cầu Rạch Chiếc mới nằm song song hai bên với chiếc cầu cũ nhằm chia tải.
Theo ông Vũ Kiến Thiết, Giám đốc Khu Quản lý giao thông số 2, chủ đầu tư công trình, cầu phía bên phải đã xây dựng được khoảng 75% khối lượng và cầu bên trái đã xây dựng được khoảng 65% khối lượng. Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 sẽ phấn đấu hoàn thành công trình trước kế hoạch 6 tháng.
Được biết, giai đoạn 2 của dự án sẽ xây dựng thêm một cầu mới nằm song song với những chiếc cầu hiện hữu, dự kiến sẽ được khởi công xây dựng vào cuối năm nay.
Dự án xây dựng, mở rộng cầu đường Bình Triệu do CII làm chủ đầu tư, đang được triển khai xây dựng cũng góp phần mở rộng cửa ngõ phía Đông của TP. CII sẽ tiến hành mở rộng đường Bình Triệu và sửa chữa cầu Bình Triệu cũ theo hình thức BOT.
Theo Sở GTVT, cầu đường Bình Triệu là trục giao thông quan trọng kết nối Bến xe miền Đông, bến xe khách lớn nhất TP đi các tỉnh miền Đông Nam bộ. Thời gian qua, trục đường này luôn quá tải vì lưu lượng xe quá đông trong khi đường nhỏ. Nếu tuyến đường này cùng với tuyến xa lộ Hà Nội, liên tỉnh lộ 25B, cầu Rạch Chiếc được mở rộng thì trong vài năm tới tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực cửa ngõ phía Đông của TPHCM sẽ được giải quyết căn bản.
Công trình xây dựng cầu Phú Long tuy không nằm ở khu vực cửa ngõ phía Đông của TP nhưng vẫn có vai trò không nhỏ trong việc thông thương giữa TPHCM và tỉnh Bình Dương. Cầu Phú Long trước đây nối quận 12 của TPHCM với huyện Thuận An của tỉnh Bình Dương có trọng tải chỉ hơn 1 tấn. Cầu mới được xây dựng bằng bê tông vĩnh cửu có tuổi thọ 100 năm, hiện đã thực hiện được hơn 80% khối lượng xây dựng. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào năm 2011.
Nhanh chóng hoàn thành đường Vành đai 2
Đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai 2 - một phân đoạn quan trọng của toàn bộ đường Vành đai 2 của TPHCM đang được Tập đoạn GS E&C (Hàn Quốc) khẩn trương triển khai xây dựng. Toàn bộ công trình có chiều dài gần 14km đi qua 4 quận: Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức đang trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cầu Bình Lợi - một hạng mục của dự án.
Hiện nay, quận Bình Thạnh đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng. Công trình dự kiến xây dựng trong 4 năm, tuy nhiên Sở GTVT nhận định, tiến độ này còn phụ thuộc nhiều vào tiến độ giải phóng mặt bằng của các địa phương còn lại.
Một phân đoạn khác của đường Vành đai 2: đường dẫn kết nối cầu Phú Mỹ với cầu Rạch Chiếc do Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ làm chủ đầu tư đã thực hiện được khoảng 80% khối lượng xây dựng. Riêng đoạn từ chân cầu Phú Mỹ tới nút giao với Liên tỉnh lộ 25B đã đưa vào khai thác đồng thời với cầu Phú Mỹ (9-9-2009), đoạn còn lại dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2010.
An Nhiên
Tin mới hơn:
- Nền hồ Hà Nội và những thông tin cập nhật nhất
- Khánh thành nhà máy sản xuất tuabin gió đầu tiên tại Việt Nam
- Nhật Bản sẽ giúp Hà Nội xử lý rác thải công nghiệp
- Tổng diện tích nhà ở toàn quốc tăng thêm khoảng 85,2 triệu m2
- Cơ chế đặc thù huy động vốn để trùng tu Đại Nội Huế
Tin cũ hơn:
- Hà Nội xây cầu nối 2 khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp
- Hội thảo quốc tế Hà Nội học: Hãy mở thêm không gian cho thành phố!
- Duyệt Hiệp định tài trợ tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội
- Phê duyệt đề án kiểm định công trình xây dựng
- Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu