Rất nhiều thông tin mới nhất, thời sự nhất về nền hồ ở 6 quận nội thành (quận lõi) Hà Nội, sẽ khiến những ai quan tâm đến bất ngờ, lo lắng...
Những thông tin đó được công bố cụ thể trong cuốn sách "Hỗ trợ cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường hồ Hà Nội" mà Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng vừa giới thiệu. Cuốn sách này là kết quả của Dự án “Bảo tồn Di sản – Bảo vệ Tương lai: Tiến tới sự bảo vệ bền vững hệ thống hồ Hà Nội với sự tham gia của cộng đồng” được Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) đề xuất và tổ chức thực hiện cùng với Trường Đại học Bách Khoa và Trường Đại học Xây dựng.
Dự án được sự tài trợ từ Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam và Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Việt Nam, được triển khai từ tháng 2/2010 đến tháng 10/2010. Đây cũng là công trình chào mừng đại lễ Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội.
Trong cuốn sách này có báo cáo cung cấp thông tin nền thực trạng của toàn bộ 120 hồ, ao, đầm lớn nhỏ trong sáu quận lõi của Hà Nội bao gồm: Phân tích tổng hợp về hiện trạng hồ và hiện trạng chất lượng nước của các hồ trong sáu quận lõi của Hà Nội, hiện trạng bờ và hành lang bờ, thông tin nền của từng quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, kết quả nghiên cứu thể chế về quản lý hồ, ao, đầm ở Hà Nội.
Trong báo cáo hiện trạng các hồ ghi rõ tên từng hồ, địa chỉ, diện tích, ngày tháng đo đạc, bản tỉ lệ, bản hiện trạng về cộng đồng dân cư sống xung quanh khu vực hồ và các kiến nghị cụ thể cho từng hồ để cộng đồng dân cư đặc biệt là cộng đồng dân cư sống quanh khu vực hồ tham gia bảo vệ hồ Hà Nội với cách tiếp cận hệ sinh thái.
Trên cơ sở đánh giá hiện trạng ô nhiễm chất lượng nước của hồ, hiện trạng bờ và hành lang bờ của 120 hồ, ao đầm thì phần lớn các hồ có giá trị pH và nhiệt độ trong giới hạn cho phép, tuy nhiên phần lớn các hồ có giá trị các chỉ tiêu còn lại không đạt yêu cầu, chỉ có 6 hồ mà tất cả các chỉ tiêu phân tích đạt yêu cầu chất lượng với mức độ phát triển tảo thấp; Phần lớn các hồ bị ô nhiễm chất hữu cơ, có tới 71% hồ có giá trị BOD5(1) vượt quá tiêu chuẩn cho phép (>15mg/l); trong đó 14% hồ bị nhiễm hữu cơ nặng (>100mg/l); 25% hồ bị ô nhiễm nặng (BOD5 từ 50-100mg/l) và 32% có dấu hiệu ô nhiễm. 70% số lượng hồ có nông độ oxy hòa tan (DO)(2) dưới mức tiêu chuẩn cho phép (<4mg/l); 6 hồ có nồng độ DO dưới 1mg/l, nghĩa là hầu như không có sự sống của vi sinh vật. |
Còn nguyên nhân gây ô nhiễm chính là do nước thải sinh hoạt và một phần nước thải từ gia đình hoặc cộng đồng tùy tiện thải xuống hồ. Các ô nhiễm này làm tăng nồng độ các chất hữu cơ, vượt quá khả năng tự làm sạch của hồ, dẫn đến suy thoái chất lượng nước, dẫn đến thiếu hụt oxi, tăng lượng trầm tích trong hồ, khiến cho nước của nhiều ao hồ đục bẩn, có nhiều hồ, ao nước biến thành màu đen, hệ thống sinh thái bị đe dọa và rối loạn nghiêm trọng.
Hiện tượng đổ phế thải xây dựng, đổ đất, lấn chiếm ao hồ… làm giảm đáng kể diện tích ao hồ, nhiều hồ đang dần biến mất. Các hồ chưa kè đều đứng trước nguy cơ bị lấn chiếm, việc kè hồ giúp chấm dứt việc lấn chiếm. Tuy nhiên, nhiều hồ đã kè nhưng cũng rất ô nhiễm, nước đục đen, làm mất đi nền tảng sinh thái và thảm động, thực vật tự nhiên ven bờ rất quan trọng đối với hồ.
Với mục tiêu cung cấp thông tin nền về các hồ ở Hà Nội, cuốn sách trở thành công cụ cho cộng đồng đặc biệt là các cộng đồng sống xung quanh khu vực hồ tham gia bảo vệ môi trường, ngăn ngừa ô nhiễm, bảo vệ hành lang bờ ven hồ và ngăn các nguồn xả thải vào hồ để nước hồ trong sạch tạo nên cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cho thành phố Hà Nội.
Thành Huy
- Công bố quy hoạch xây hai nhà máy điện hạt nhân
- TP.HCM: 26.000 tỉ đồng cho tuyến tàu điện ngầm số 2
- Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ đồ án Quy hoạch Hà Nội
- Việt Nam và Pháp hợp tác trong lĩnh vực bảo tàng
- Trên 1,6 tỉ USD xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành
- Khánh thành nhà máy sản xuất tuabin gió đầu tiên tại Việt Nam
- Nhật Bản sẽ giúp Hà Nội xử lý rác thải công nghiệp
- Tổng diện tích nhà ở toàn quốc tăng thêm khoảng 85,2 triệu m2
- Cơ chế đặc thù huy động vốn để trùng tu Đại Nội Huế
- TPHCM: Đầu tư xây dựng đường vành đai