Ashui.com

Tuesday
Apr 16th
Home Tương tác Góc nhìn Xử lý việc lãng phí nhà, đất công: vướng cơ chế

Xử lý việc lãng phí nhà, đất công: vướng cơ chế

Viết email In

Sau hơn ba năm thực hiện quyết định 09 của Chính phủ về xử lý tình trạng lãng phí nhà đất công, nhiệm vụ trọng tâm của cục Quản lý công sản trong sáu tháng cuối năm 2010 vẫn được xác định là “gấp rút triển khai việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước tại các tỉnh, bộ ngành”.

Mới “nhúc nhích”

Khuôn viên Nhà khách Chính phủ tại số 1 Lý Thái Tổ, quận 10, TP.HCM với kiến trúc nhà thấp tầng, mật độ xây dựng thấp, nhiều cây xanh, thảm cỏ… nên không khí nơi đây trong lành dù nằm ngay giữa trung tâm thành phố ồn ào và bụi bặm. Có lẽ vì vậy mà nhiều cặp uyên ương thích chọn nơi này để tổ chức tiệc cưới. Thật vậy, dù Nhà khách Chính phủ có khách hay không thì cuối tuần nào nơi này cũng đón hàng trăm vị khách đến dự các tiệc cưới.

Như vậy, đã có hiện tượng nơi tiếp đón và lưu trú các vị khách của Chính phủ sử dụng không đúng mục đích. Nên, theo tinh thần quyết định 09 – sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước – bộ Ngoại giao đã kiến nghị được bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất toàn bộ cơ sở này. Và, theo bộ Tài chính, hơn 7.000m2 diện tích sàn sử dụng và gần 40.000m2 đất khuôn viên của Nhà khách Chính phủ sẽ được bán đấu giá trong thời gian tới.

Thực tế, không chỉ bộ Ngoại giao kiến nghị được bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với nhà đất sử dụng lãng phí. Theo cục Quản lý công sản, bộ Tài chính, sau hơn ba năm triển khai quyết định 09, các cơ quan chức năng đã đề xuất bán 1.159.717m2 nhà và 2.724.692m2 đất, thu hồi do sử dụng không hiệu quả 255.468m2 nhà và 2.673.560m2 đất… Số tiền thu được từ bán nhà, chuyển quyền sử dụng đất sở hữu Nhà nước gần 20.000 tỉ đồng.

Thế nhưng, theo một quan chức của cục Quản lý công sản, số nhà đất thu hồi và bán được so số nhà đất sử dụng lãng phí hiện nay rất nhỏ bé. Đơn cử, chỉ riêng TP.HCM, tổng số nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước là gần 11.000, với gần 233.000.000m2 đất và hơn 14.200.000m2 nhà nhưng số nhà đất sử dụng lãng phí hơn 60%, theo sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM.

Vướng mắc từ cơ chế

Thực tế, việc sắp xếp tại hai địa phương có nhiều nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước là TP.HCM và Hà Nội đến nay còn rất nhiều việc phải làm. Tại TP.HCM, tổng số cơ sở nhà đất phải báo cáo, kê khai và sắp xếp xử lý là gần 11.000 cơ sở nhưng UBND TP.HCM và bộ Tài chính chỉ mới phê duyệt khoảng 6.000 cơ sở. Trong khi tại Hà Nội báo cáo kê khai hơn 8.355 cơ sở nhưng UBND thành phố Hà Nội và bộ Tài chính mới phê duyệt hơn 800 cơ sở. 

Một thành viên của Ban chỉ đạo 09 (TP.HCM) cho rằng, về nguyên tắc, khi rà soát lại các địa chỉ nhà đất công, nếu phát hiện nhà đất nào đang sử dụng lãng phí, sai mục đích thì Ban chỉ đạo 09 đề xuất thu hồi. “Đối với nhà đất công thuộc khối thành phố thì việc thu hồi dễ thực hiện; còn khối trung ương thì rất khó khăn, vì phải có ý kiến của bộ Tài chính và bộ chủ quản”, ông này nói. Thật vậy, như thừa nhận của ông Phạm Đình Cường, cục trưởng cục Quản lý công sản: “Không ít nguồn lực đất đai ở các cơ quan, đặc biệt là văn phòng 2 của các bộ tại TP.HCM đang bỏ không, phải mất tiền duy tu bảo dưỡng rất tốn kém nhưng các bộ vẫn ôm”. 

Trong một buổi làm việc với đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM và các sở ngành liên quan về quản lý, sử dụng đất của các tập đoàn, tổng công ty, một đại biểu của uỷ ban Kinh tế ngân sách của Quốc hội nói: “Trong những tài sản của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước thì đất đai là tài sản có giá trị lớn. Riêng tại Hà Nội và TP.HCM, tình hình sử dụng đất đai của các đơn vị này là vấn đề cần phải xem xét kỹ lưỡng. Trên cơ sở đó, kiến nghị với Chính phủ có biện pháp quản lý và sử dụng có hiệu quả hơn”. 

Việc quản lý, sử dụng nhà đất công nói chung và ở TP.HCM nói riêng vướng mắc chủ yếu từ cơ chế.

Đào Thị Hương Lan
- Giám đốc sở Tài chính TP.HCM

Việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tại TP.HCM sử dụng lãng phí nhà đất đã được các cơ quan chức năng xác định: có đến 3,7 triệu m2 đất để hoang. Thế nhưng làm sao thu hồi nhà đất của các đơn vị này khi mà Nhà khách Chính phủ và cả Văn phòng Quốc hội tại TP.HCM cũng “dư xài” và cho thuê tổ chức tiệc cưới? Và ngoài toà nhà Văn phòng Quốc hội tại TP.HCM trên đường Hoàng Văn Thụ không biết đã sử dụng hết công suất chưa, Văn phòng Quốc hội còn một toà nhà bề thế khác tại 54 – 56 Nguyễn Văn Trỗi. 

Hay như bộ Tài chính là cơ quan chịu trách nhiệm việc sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước thuộc khối Trung ương nhưng bộ này lại “giữ” 4.476 địa chỉ nhà đất, gấp nhiều lần các bộ ngành khác. Riêng tại TP.HCM bộ này cũng có đến trên 100 cơ sở nhà đất. Theo ông Phạm Đình Cường, “con số này khá nhiều”, nhưng không có nghĩa là ngành này sử dụng không hiệu quả. Phải chăng, vì thế mà sau hơn ba năm thực hiện sắp xếp lại thì bộ Tài chính phát hiện rất nhiều bộ, ngành khác sử dụng nhà đất lãng phí nhưng với chính bộ mình thì chưa! 

Tất nhiên, để bảo vệ lợi ích riêng, trong cơ chế quản lý nhà đất công chưa chặt chẽ như hiện nay, nhiều đơn vị không thiếu cách để đối phó. Cục Quản lý công sản đưa ra ví dụ: có trường hợp trước khi thực hiện cổ phần hoá các công ty thành viên, tổng công ty điều động tài sản trên đất của công ty thành viên về tổng công ty nhưng trên hồ sơ pháp lý về đất đai vẫn đứng tên công ty thành viên và ngược lại… 

Bà Đào Thị Hương Lan, giám đốc sở Tài chính TP.HCM cho rằng, việc quản lý, sử dụng nhà đất công nói chung và ở TP.HCM nói riêng vướng mắc chủ yếu từ cơ chế. Đất do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sử dụng, quản lý thì việc xử lý (thu hồi, chuyển mục đích, điều chuyển…) do bộ ngành Trung ương quyết định, thành phố khó can thiệp. Đó là chưa nói đến việc quỹ nhà đất công thì việc sắp xếp theo quyết định 09 do ngành tài chính thực hiện trong khi theo luật Đất đai, việc giao, cho thuê… do ngành tài nguyên môi trường tham mưu… 

Quang Chung


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo