Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Những kinh nghiệm quý về phương thức tham gia của người dân vào dự án quy hoạch tại Lyon

Những kinh nghiệm quý về phương thức tham gia của người dân vào dự án quy hoạch tại Lyon

Viết email In

Kể từ năm 2003, chính quyền vùng đô thị Grand Lyon đã khuyến khích thử nghiệm nhiều phương pháp huy động sự tham gia của người dân vào các dự án quy hoạch đô thị. Gần 20 phương thức thảo luận khác nhau đã được ứng dụng liên quan tới các dự án cải tạo đô thị, xây dựng công trình công cộng và quy hoạch không gian công cộng với sự tham gia của tất cả các đối tượng trong đời sống xã hội, từ các đại biểu dân cử, các nhà chuyên môn cho đến các hội đồng đại diện của từng khu phố, các đoàn thể xã hội cũng như mỗi người dân. Quá trình thử nghiệm này đã giúp giải đáp hàng loạt câu hỏi liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau của cơ chế tham gia dự án của người dân, từ những vấn đề về quy mô dự án, đối tượng tham gia, phương pháp tham chiếu cho đến các quy định và vai trò của mỗi chủ thể khi tham gia thảo luận.

Ngay từ đầu, chính quyền vùng đô thị Grand Lyon đã xác định rõ các quy định của cơ chế thảo luận dự án: đó là một cơ chế trao đổi ý kiến giúp đưa ra quyết định chứ không phải là cùng quyết định. Nói cách khác, đó là sự hỗ trợ để lập dự án chứ không phải là thay thế các nhà quy hoạch làm dự án.

Chẳng hạn dự án quy hoạch nút giao thông Antonin – Perrin sau khi được nghiên cứu từ năm 1998 đã được đưa ra thảo luận lấy ý kiến của đông đảo các đối tượng trong xã hội để rồi đến năm 2001 đã được chỉnh sửa lại và lên kế hoạch triển khai thi công cho giai đoạn hai năm 2005 và 2006. Dự án chính thức sau lần chỉnh sửa cuối cùng đã được công bố tại một cuộc hội thảo vào tháng 02/2004 với mục đích thông tin rộng rãi cho người dân và cũng để thảo luận thêm về vấn đề quy hoạch khu vực này. Trong cuộc hội thảo đó, các tổ chức đoàn thể tại địa phương, hội đồng nhân dân của khu phố và nhiều người dân đã bày tỏ ý kiến muốn thảo luận sâu hơn về quy mô của ngã tư. Quá trình thảo luận đã diễn ra rất quyết liệt bởi đây là một quảng trường ngã tư lớn với mật độ giao thông rất cao và sẽ gây ra không ít phiền phức cho những người dân sống quanh khu vực này. Tuy nhiên, qua thảo luận, các nhà quy hoạch và cơ quan chủ trì cũng đã chấp nhận điều chỉnh thêm một số khía cạnh như phần làn đường riêng cho xe buýt và dành nhiều ưu đãi hơn cho các loại hình giao thông phi cơ giới, còn về phía người dân thì cũng hiểu hơn về những trở ngại và thách thức liên quan đến giao thông trên quy mô toàn vùng đô thị chứ không riêng đối với khu vực mình sinh sống.

Cuộc thảo luận rộng rãi này đã cho thấy nổi lên hai vấn đề lớn cần lưu ý. Thứ nhất là tính thực tiễn của hình thức thảo luận xét về mặt thời gian. Để đảm bảo tính thực tiễn của nội dung và các kết quả thảo luận, cần gắn với một kế hoạch thực hiện ở tầm ngắn hạn để tránh tình trạng nếu kéo dài đến khi có sự thay đổi về cơ cấu của các cơ quan chính quyền và đại diện của các đoàn thể địa phương thì vấn đề đã được thảo luận và thống nhất trước đây sẽ dễ bị đưa ra xem xét lại. Thứ hai là tính thực tiễn xét về khía cạnh lợi ích chung (tức là lợi ích của toàn thành phố hoặc vùng đô thị) kết hợp với lợi ích riêng (của khu phố hay của những người sống xung quanh khu vực được quy hoạch). Quá trình thảo luận phải bao gồm cả giai đoạn thảo luận về ý tưởng (chưa gắn với một dự án cụ thể) và thảo luận về nội dung cụ thể của dự án về mọi khía cạnh quy hoạch và xây dựng.

Xây dựng một dự án chung

Dự án quy hoạch quảng trường ngã tư Antonin – Perrin là một phần trong một dự án đô thị quy mô lớn liên quan đến cả khu Gerland do nhóm kiến trúc sư – nhà quy hoạch François Grether và Michel Desvignes lập. Dự án này nhằm kết hợp nhiều chức năng và nâng cao sức hấp dẫn cho toàn khu Gerland. Phương châm thảo luận toàn diện đã được xác định rõ cho toàn bộ dự án đô thị quy mô lớn nhằm tạo thuận lợi cho việc thông tin, lắng nghe ý kiến và đối thoại giữa nhiều chủ thể khác nhau của địa phương. Trong khuôn khổ đó, dự án thành phần liên quan đến quy hoạch quảng trường Antonin – Perrin thực sự là một giai đoạn quan trọng để vận dụng nguyên tắc thảo luận ngay từ khi bắt tay vào nghiên cứu.

Những mục tiêu chính khi quy hoạch quảng trường ngã tư Antonin – Perrin rất phức tạp do liên quan đến nhiều chức năng sử dụng ở nhiều cấp độ quy mô khác nhau, từ đó cũng tác động tới nhiều chủ thể với nhiều mong muốn khác nhau. Trong khi các đại biểu dân cử của vùng đô thị Grand Lyon và chính quyền thành phố Lyon mong muốn xây dựng một dự án vì lợi ích chung toàn vùng thì các nhà chuyên môn – trong đó có nhóm thiết kế, ban quản lý dự án Gerland và cơ quan phụ trách quy hoạch không gian công cộng – cũng như hội đồng khu Gerland lại muốn bảo vệ các lợi ích của riêng khu vực này và của những người dân sống xung quanh quảng trường. Về phần mình, Trường Đại học sư phạm khoa học và Hiệp hội các doanh nghiệp công nghệ cao Gerland lại yêu cầu phải quy hoạch các khu vực đỗ xe thuận tiện hơn. Hiệp hội tài xế taxi cũng đòi hỏi phải có khu vực đỗ xe riêng cho mình. Còn những người dân sống quanh khu vực này thì phản đối việc quy hoạch lại khu vực quảng trường cũ.

Các phương tiện và hình thức thể hiện để tổ chức lấy ý kiến thảo luận của mọi đối tượng cũng rất đa dạng. Bảy phiên thảo luận chuyên môn và hai hội thảo đã được tổ chức. Kèm theo đó là một cuốn sổ lấy ý kiến công khai, một cuộc triển lãm ngoài trời ngay tại địa điểm quảng trường cũ với những áp-phích khổ lớn và năm lần gửi thư thông tin tới tận từng cơ quan và nhà dân. Ngay từ giai đoạn đầu, một văn phòng nghiên cứu tư vấn đã được giao thực hiện một nghiên cứu khảo sát hiện trạng để xác định những điểm mạnh và điểm yếu của quảng trường, đồng thời phân tích mối liên hệ của địa điểm này với ba khu vực: khu dân cư, khu công sở và khu công trình công cộng. Đến tháng 10/2003, một cuộc hội thảo đã được tổ chức để giới thiệu các kết quả khảo sát hiện trạng và tìm hiểu mong muốn của mọi đối tượng có liên quan. Sau cuộc hội thảo này, nhóm nghiên cứu đã lên chương trình và nội dung dự kiến quy hoạch để đưa ra thảo luận lần thứ hai vào tháng 02/2004. Lần thảo luận quan trọng này là tiền đề để soạn thảo bộ hồ sơ yêu cầu kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở lựa chọn nhóm thiết kế vào tháng 04/2004. Quá trình lựa chọn dựa trên ý tưởng quy hoạch chứ không phải dự án cụ thể. Trong phần hồ sơ trình bày về phương pháp quy hoạch, nhóm thiết kế cũng phải chứng minh được năng lực chuyên môn khi tiếp thu các kết quả thảo luận chuyên sâu của các đối tượng có liên quan. Tiếp theo đến tháng 07/2004, một cuộc hội thảo nữa đã được tổ chức để giới thiệu nhóm thiết kế được lựa chọn và phương pháp thảo luận. Sau cuộc hội thảo này, có 40 người đã đăng ký tham gia vào các buổi thảo luận chuyên môn cùng với các đại biểu dân cử và các nhà quy hoạch. Từ tháng 09/2004 đến tháng 05/2005, có tổng cộng bảy buổi thảo luận chuyên môn đã được tổ chức nhằm giúp cho tất cả các chủ thể có liên quan cùng bắt tay xây dựng một dự án chung.


Các bước thực hiện quá trình tham gia thảo luận dự án của người dân

Các phiên thảo luận này đã thu được nhiều kết quả rất khả quan. Những phiên đầu dành cho việc lắng nghe ý kiến của mọi đối tượng nhằm tìm hiểu rõ những mong đợi của họ đối với dự án. Tiếp theo là những phiên dành để đối thoại và nêu đề xuất. Bên cạnh những buổi thảo luận này còn có một số cuộc họp với một số nhóm đối tượng cụ thể để thương lượng về những yêu cầu riêng (chẳng hạn với đại diện của các tài xế taxi). Cuối cùng đến giữa tháng 06/2005, một cuộc hội thảo thứ ba đã được tổ chức nhằm chốt lại các nội dung thảo luận sau khi tổng hợp kết quả của tất cả các phiên thảo luận trước, sau đó trình bày dự án được lựa chọn và những cam kết của các đại biểu dân cử.

Như vậy quá trình thảo luận và thống nhất nội dung dự án dựa trên hai thời điểm quan trọng: giai đoạn soạn thảo bộ hồ sơ yêu cầu kinh tế - kỹ thuật và giai đoạn lập dự án. Mỗi giai đoạn đều hội tụ đầy đủ các khâu thông tin, lắng nghe ý kiến, đối thoại, đề xuất, tổng hợp và cam kết. Quá trình tổ chức thảo luận đã tuân thủ chặt chẽ thời gian dự kiến của dự án và những thời điểm phê duyệt đối với các giai đoạn chủ chốt, đồng thời cũng đã đáp ứng được những mong đợi của các chủ thể tại địa phương như dung hoà được giữa chức năng của một không gian liền kề với chức năng của một quảng trường chung của thành phố, bỏ được tất cả các vị trí đỗ xe bên trong và xung quanh quảng trường, các không gian xanh được bổ sung nhiều hơn và có chất lượng hơn, quy hoạch lại khu vực dành cho các hàng rong ở phần phía tây của quảng trường, thoả thuận về khu vực dừng đỗ mới dành cho xe taxi.

Khởi đầu từ khâu khảo sát đánh giá hiện trạng, dự án này là một kinh nghiệm quý giúp cho mọi người dân và các chủ thể ở địa phương đều được tham gia vào dự án, từ đó giúp họ hiểu hơn những thách thức khác nhau về kinh tế và xã hội có tác động tới việc quy hoạch các không gian công cộng. Trên cơ sở của dự án này cũng như nhiều dự án khác được thảo luận trong địa bàn, chính quyền vùng đô thị Grand Lyon đang cho biên soạn một cuốn hướng dẫn phương pháp thảo luận để làm công cụ tham chiếu cho các nhà chuyên môn cũng như các chủ đầu tư của những dự án quy hoạch có quy mô tương tự. Như vậy, một cuốn cẩm nang về các phương pháp huy động sự tham gia của người dân vào các dự án quy hoạch sẽ sớm ra đời tại vùng Grand Lyon và những phương pháp đó sẽ mau chóng trở thành một phần đầy đủ của quá trình chủ trì triển khai dự án./. 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo