Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tin tức Sự kiện Tọa đàm "Đánh thức tiềm năng văn hóa Việt"

Tọa đàm "Đánh thức tiềm năng văn hóa Việt"

Viết email In

Nước Nam đã trải qua hơn hàng ngàn năm, hưng thịnh, vong tồn đều có. Song, chí hướng với sự học vẫn chảy xuyên suốt trong huyết mạch của con người nước Nam, chưa từng đứt gãy, trước sau như một. Dẫu là lòng kính với thầy, hay đề cao người trò, không thể phủ nhận rằng, đạo học lâu nay đã là điều cốt yếu hình thành nên lối sống của người  Việt Nam.

Trường Quốc Tử Giám xưa, xây dựng dưới triều vua Lý Nhân Tông, không chỉ là nơi bồi dưỡng anh tài hào kiệt, mà còn là chứng nhân của đạo học trong hệ giá trị Việt. Đinh Nam vương Trịnh Căn trong tập Ngự đề thiên hòa danh bách vịnh viết về trường Quốc Tử Giám rằng: “Ta vâng nối nền vương, tự cầm vương chính. Tôn phò hoàng đế, giữ vững cơ đồ. Dùng văn giáo để tô vẻ thái bình, chọn nhân tài mà lo nền trị đạo. Nghĩ rằng: nhân, nghĩa, lễ, nhạc, vốn đã có bậc tôn sư. Xem xét trong điển tịch, đến thăm nhà Thái học, làm lễ bái yết, hết mực tôn kính.” Trước đó, hơn ba trăm năm, “vẻ thái bình”  gìn giữ bởi “nhân, nghĩa, lễ, nhạc” ấy cũng đã được  Lý Tử Tấn nhắc đến như một định luật khó bàn cãi — văn hiến sáng rỡ, ắt nước nhà thịnh trị:

Tứ hải hân phùng lạc dục thu,
Tiết y bác đái tổng anh du.
Văn chương úc úc siêu thiên cổ,
Huyền tụng dương dương bá cửu châu [...]

Bốn biển mừng nay buổi thịnh cầu,
Cân đai rộn rã thảy khách du.
Văn chương rạng rỡ hơn thiên cổ,
Thơ nhạc ngâm nga khắp cửu châu [...]”

(Bích Ung Tức Sự — Mừng Nhà Quốc Học, Phan Văn Các dịch)

Ngày nay, giáo dục phổ cập tới mọi miền, trường học ở khắp nơi cũng trở thành một lẽ tất yếu, song khiến người ta không thể không đặt câu hỏi: trường Quốc Tử Giám còn là trường nữa chăng? Hay bất quá, chỉ là nơi thờ tự, tôn vinh  một nền văn hiến đã không còn sức sống trong kỷ nguyên hội nhập, kỷ nguyên công nghệ?

Trước hết, phải khẳng định rằng, xã hội càng phát triển, sức sống của sự học càng vững bền. Sự học ấy không thể hiểu đơn thuần là học con chữ, học kiến thức mà phải hiểu từ gốc rễ, hiểu ngọn ngành:  tựu học để lấy lễ giáo, thành đạo đức, rèn ý chí, đúc nhân nghĩa. Thời thái bình thịnh trị hay loạn lạc lầm than, chưa có đời nào không cần những điều ấy vậy. Hội nhập càng sâu rộng, người Việt càng cần định danh mình, chẳng phải sự học ấy lại là nguồn sinh dưỡng cho một “xã hội văn minh” chăng? Bằng không, e rằng giàu có đấy cũng là vật chất, hư vinh mà thôi, không thể trở nên thịnh vượng.

Sau cùng, người ta thường coi trường Quốc Tử Giám xưa là trường dạy chữ Nho, kì thực, trường Quốc Tử Giám xưa nay, trước dạy người nhân nghĩa, sau đào tạo hiền tài, phụng sự việc kinh bang tế thế, dựng nước giúp đời. Nay Quốc Tử Giám không còn chiêu sinh dạy học, mà một bề dày lịch sử về sự học, về người ngay, dường như vẫn sống, vẫn thở cùng nhịp thở của thời đại, thay lời nhắc của bậc tiền nhân về cái cốt yếu của văn hiến. Dẫu không là trường học đúng nghĩa như xưa, chúng tôi, những người yêu mến Quốc Tử Giám, vẫn hằng mong gìn giữ được sự song hành của văn hóa và phát triển, của quá khứ và tương lai.

Bởi lẽ đó, dự án “Không gian Văn hóa Quốc Tử Giám” ra đời như một lời khẳng định về sức trường tồn của “nhân, nghĩa, lễ, nhạc” trong đời sống nước Nam. Qua dự án này, chúng tôi, những người thực hiện, muốn tái hiện ít nhiều phong khí của một nền lịch sử văn hiến rạng rỡ, và giữ cho ngọn lửa văn hóa vốn âm ỉ cháy trong đời sống Việt được truyền tay, kế thừa. Những hoạt động văn hóa sẽ được Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Dự án phi lợi nhuận về Văn hóa và Giáo dục Gavisto Diplomat phối hợp cùng các đơn vị để thực hiện trong khuôn khổ này, như là lời phi lộ về vị thế của đạo học trong sự phát triển của nước Việt, cũng là hành động thiết thực trong sứ mệnh kế tục truyền thống trường Quốc Tử Giám xưa:

“[...] Rộng chở văn chương hằng rỡ rỡ,
Tỏ nghe đức giáo hãy rành rành.
Vững bền sóc sóc đồng thiên địa,
Thấy đấy ai là chẳng ngưỡng thành.”

Tọa đàm đầu tiên mang chủ đề "Đánh thức tiềm năng văn hóa Việt" của Dự án Không gian Văn hoá Quốc Tử Giám sẽ xoay quanh những câu hỏi ý nghĩa và thú vị sau:

  • Di tích Quốc gia Đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám có nên chỉ dừng lại ở một địa điểm tham quan du lịch?
  • Trong bối cảnh hiện đại, Văn Miếu - Quốc Tử Giám phải làm gì để duy trì và phát triển những giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc? Cần phát huy giá trị theo hướng nào để di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành một trung tâm văn hoá thực thụ?
  • Không gian Văn hóa Quốc Tử Giám là gì? Đó là không gian vật thể hay không gian số (không gian ảo)? Không gian Văn hóa Quốc Tử Giám ra đời có ý nghĩa gì trong xã hội hiện nay?

Tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả:

  1. Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
  2. Ông Trương Quốc Toàn, Cố vấn các hoạt động phát huy giá trị du lịch của Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đồng thời cũng là dịch giả cuốn sách “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ" (NXB Hà Nội, Nhã Nam, 2020), “Nghệ thuật xứ An Nam" (NXB Hội Nhà Văn, Nhã Nam, 2021).
  3. Cô Hoàng Đoan Trang, Cử nhân ngành Ngôn ngữ và Văn học Anh-Mỹ, Cử nhân ngành Ngôn ngữ và Nghiên cứu Văn hoá Pháp tại Đại học Augustana College, Illinois, Hoa Kỳ. Đồng sáng lập, đại diện Dự án Giáo dục khai phóng Gavisto Diplomat.

Toạ đàm sẽ diễn ra:

- Thời gian: 09h30, Chủ Nhật 26/09/2021
- Hình thức: trực tuyến qua hệ thống fanpage:

(Nguồn: Không gian Văn hoá Quốc Tử Giám)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo