Chiến lược thiết kế của VNDW2021_Không gian Triển lãm "Đối thoại":
Nằm trong chuỗi dự án với ý niệm "Không gian Nối Kết" (LINK architecture) của văn phòng kiến trúc HMLarchitecture - Kiến trúc đóng vai trò là cầu nối giữa con người với các giá trị văn hóa, dự án này đặt trong di sản văn hóa Văn Miếu - Quốc Tử Giám của Hà Nội, như một thí dụ về cách thức để nối kết những hoạt động mới trong cấu trúc cũ của di sản, nhằm tiếp biến các giá trị của di sản thích nghi trong thời đại mới. Tuần lễ Thiết kế Việt Nam - VietNam Design Week (VNDW2021) với chủ đề "Đánh thức truyền thống", do Ashui.com (VietNam Design Group) & Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức tại 3 thành phố: Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh. VNDW2021 là chương trình tôn vinh các sản phẩm và nhà thiết kế xuất sắc của Việt Nam thuộc các lĩnh vực: Thiết kế truyền thông, thiết kế đồ nội thất, thiết kế vật dụng và trang trí, thiết kế trang phục, thiết kế công cộng, với điểm nhấn là cuộc thi Designed by VietNam, lấy cảm hứng từ truyền thống văn hóa và tri thức dân gian để sáng tạo nên những sản phẩm có tính ứng dụng cao, mang giá trị thương hiệu thiết kế Việt Nam.
Để tôn vinh các tác giả và tác phẩm đạt giải, ban tổ chức cuộc thi đã xây dựng một không gian triển lãm để trao giải và giới thiệu tới công chúng, địa điểm tại Văn Miếu - Quốc tử Giám, Hà Nội. Nơi đây cũng hứa hẹn sẽ là nơi để tổ chức các hoạt động liên quan đến sáng tạo của Hà Nội trong tương lai, hiện thực hóa thương hiệu "Hà Nội - thành phố sáng tạo" do UNESCO công nhận từ năm 2019.
Vị trí lựa chọn xây dựng: Khu nhà tiền đường Thái học, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Không gian triển lãm trong nhà giới thiệu 30 tác phẩm xuất sắc nhất của cuộc thi Designed by VietNam 2021.
Ý tưởng thiết kế:
Khác với nghệ thuật phương Tây, tinh thần nghệ thuật Á Đông phụ thuộc vào sự giao thoa giữa sự cảm thụ của chính những người thưởng lãm tác phẩm và những suy tư của nghệ sĩ thông qua tác phẩm của họ. Nghệ thuật từ đó không còn ranh giới giữa cao thấp, tốt xấu mà nó chỉ phản ánh cuộc đối thoại không có điểm dừng giữa những người / vật trong cuộc. Từ góc độ nhìn nhận này, HMLarchitecture muốn tạo ra một không gian trưng bày mà ở đó, mỗi tác phẩm tự nói tiếng nói của nó, đối thoại cùng người xem và đối thoại với chính di sản chứa đựng nó. Chính điều đó sẽ tạo ra một sức sống của mỗi tác phẩm khi nó đã qua giai đoạn sở hữu của cá nhân tác giả. Một đời sống mới, một giá trị mới.
Không gian trưng bày trong nhà được tổ chức tự do bởi các vách ngăn bằng acrylic trong và đánh xước kết hợp cùng ánh sáng, hình ảnh các tác phẩm được in phim dán phía trên vẫn giữ được sự trong mờ. Không gian triển lãm không được định tuyến và dẫn hướng, mỗi người tham quan sẽ tìm ra tác phẩm họ cho là hay nhất với chính mình. Các tấm acrylic phản chiếu toàn bộ không gian nội thất nhà tiền đường và cả người xem. Ánh sáng đèn led thanh gắn trên các tấm mica theo phương dọc ngang đan xen với nhau. Toàn bộ các yếu tố về phông nền, vật phẩm và ánh sáng và con người được hòa trộn với nhau tạo thành một tác phẩm nghệ thuật riêng biệt, phản ánh bối cảnh một cách hài hòa và sống động.
Giải pháp kỹ thuật:
Do việc thi công trong di tích nên các giải pháp kỹ thuật đều phải lắp dựng độc lập ko tác động đến di tích.
- Không gian trong nhà: Các tấm acrylic trong dày 10mm, có gắn đèn led theo phương dọc ngang khác nhau chiếu sáng các bản pano. Chúng được treo lên trên 1 hệ thép độc lập với hệ vì kèo gỗ của nhà tiền Thái học để đảm bảo ko tác động vào di tích.
- Các vật liệu như acrylic được tính toán trước để có thể tái sử dụng sau triển lãm.
Thông tin dự án:Địa điểm: Nhà Tiền Đường, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội |
- Beata Heuman và quan điểm thiết kế “Mọi căn phòng đều nên biết hát”
- Cuộc thi Ý tưởng Kiến trúc Quốc tế 72H: Vẽ (lại) giấc mơ hiện đại của quá khứ
- Trao giải cuộc thi thiết kế sản phẩm nội thất gỗ Hoa Mai 2022
- Giới kiến trúc trổ tài trong cuộc thi “Tinh tế không gian - Đậm chất tôi”
- Nhà thiết kế nội thất André Fu: “Sự hiếu khách là linh hồn của mọi thiết kế”
- 5 thiết kế công cộng mà bạn sẽ yêu thích
- Ý tưởng thiết kế công cộng "The Meander" ở Công viên Anyangcheon, TP Seoul
- Trạm để xe đạp ở ga Sloterdijk (Amsterdam, Hà Lan)
- Cuộc thi Designed by VietNam 2022 thêm nhánh đề bài “Thiết kế không gian tiện ích dành cho xe đạp ở Huế”
- Naoto Fukasawa: Thiết kế với tiềm thức rộng mở