3 tuổi, Jean-Louis Deniot tập vẽ; 10 tuổi, anh bắt đầu tạo các mô hình kiến trúc thu nhỏ. 12 tuổi, anh đã tin rằng kiến trúc - nội thất là “định mệnh” của đời mình, là con đường mà anh phải theo đuổi đến cùng. Và quả thật, Jean-Louis Deniot cứ như sinh ra là để thiết kế và trang trí nội thất.
Sau khi tốt nghiệp trường Ecole Camondo, một trường đào tạo thiết kế kiến trúc - nội thất nổi tiếng, anh mở công ty riêng với 15 thành viên và bắt đầu chặng đường “hành nghề” đầy dấu ấn và thành tựu rực rỡ.
Bằng tài năng “thiên bẩm” và sự phát triển không ngừng, anh được xếp vào nhóm nhà thiết kế nội thất có ảnh hưởng khi tuổi đời còn khá trẻ. Anh cũng được xem là tương lai của thế hệ nhà thiết kế mới, mở ra lối đi khác biệt cho nội thất cổ điển Pháp và được các tạp chí nổi tiếng trên thế giới đề cử, vinh danh ở nhiều giải thưởng danh giá.
Ngoài các dự án làm nên tên tuổi, anh còn sở hữu bộ sưu tập đồ nội thất đẳng cấp và là tác giả hai cuốn sách về nội thất: “Jean-Louis Deniot: Interiors” và “Jean-Louis Deniot: Destination”.
Cảm hứng thiết kế
Với Jean-Louis Deniot, cảm hứng thiết kế đến từ bất cứ điều gì trong cuộc sống hoặc lóe lên bất chợt trong suy nghĩ. Anh thường chụp lại hình ảnh hoặc viết ra giấy nếu ý tưởng quá trừu tượng.
Đặc biệt, anh thích đi du lịch. Chính việc đi đến nhiều nơi, tiếp xúc với nền văn hóa đa dạng, nhiều màu sắc giúp anh có “vốn liếng” để tạo nên những thiết kế mang tinh thần cổ điển Pháp nhưng không quên làm nổi bật đặc trưng văn hóa, lối sống, khí hậu vùng miền nơi công trình tọa lạc.
Quan điểm thiết kế
- “Tôi chỉ làm dự án mình thích, thiết kế cho người mình thích”. Có lẽ vì vậy mà Jean-Louis Deniot thiết kế bằng tất cả đam mê. Anh sống trọn với từng dự án mà không hề có sự ép buộc, khiên cưỡng nào.
- “Tôi cố gắng không làm đi làm lại cùng một điều”. Ý thức được sự phát triển của thiết kế để thích nghi tốt với cuộc sống hiện đại, Jean-Louis Deniot luôn cố gắng tìm hướng đi cho phong cách cổ điển mới và phát triển không ngừng.
- Lấy khách hàng làm trung tâm: không gian được trau chuốt theo cách riêng để sở hữu vẻ đẹp sang trọng, tinh tế, cá tính nhưng được điều chỉnh theo nhu cầu của khách hàng (gắn với lối sống, thói quen, sở thích của khách hàng). Ngoài ra, tất cả phải được đặt trong bối cảnh văn hóa địa phương để đẹp một cách hài hòa.
- Thiết kế giao hòa giữa vẻ đẹp cổ điển và thẩm mỹ đương đại: Jean-Louis Deniot mang tinh thần cổ điển Pháp vào tất cả các thiết kế của mình, nhưng anh cũng khéo léo kết hợp chúng với nội thất đương đại, với nghệ thuật thủ công để ranh giới cũ - mới, cổ điển - hiện đại không hiện lên quá rõ. Các yếu tố quyện hòa vào nhau tạo nên bức tranh không gian sống thanh bình, trang nhã và sang trọng.
- Đặc biệt trân trọng nghệ thuật thủ công: anh cho rằng vật liệu dù cơ bản, bình thường nhưng nếu được các nghệ nhân “thổi hồn” sẽ trở nên xuất sắc hiếm có. Như Florence Givette, một họa sĩ trang trí chuyên vẽ tranh trên kính tài năng đến mức biến mảnh thủy tinh đơn giản thành một viên ngọc 50 carat.
Theo dõi Jean-Louis Deniot tại: deniot.com
Nguyễn Nhàn - Tư liệu, hình ảnh: Deniot
(Tạp chí Kiến trúc & Đời sống - số 197)
- Tomohito Ushiro thiết kế nhà vệ sinh ở Tokyo thành "một tác phẩm nghệ thuật công cộng"
- Kiến trúc từ AI: Dự án "Gaudism" của Ariadna Giménez
- Tìm hiểu "Sắc Mới" của Thiết kế Việt Nam đương đại tại SEE+ Design Fair 2022
- Urban Sketch Tour - Thành phố Hồ Chí Minh qua góc nhìn ký họa đô thị
- Khởi động Cuộc thi thiết kế nội thất quốc tế BCI Interior Design Awards 2023
- Beata Heuman và quan điểm thiết kế “Mọi căn phòng đều nên biết hát”
- Cuộc thi Ý tưởng Kiến trúc Quốc tế 72H: Vẽ (lại) giấc mơ hiện đại của quá khứ
- Trao giải cuộc thi thiết kế sản phẩm nội thất gỗ Hoa Mai 2022
- Giới kiến trúc trổ tài trong cuộc thi “Tinh tế không gian - Đậm chất tôi”
- Nhà thiết kế nội thất André Fu: “Sự hiếu khách là linh hồn của mọi thiết kế”