Ashui.com

Monday
Oct 28th
Home Tin tức Sự kiện Chiếu loạt phim về Kiến trúc bền vững tại VIBE Expo 2024

Chiếu loạt phim về Kiến trúc bền vững tại VIBE Expo 2024

Viết email In

Trong khuôn khổ Triển lãm Nội thất và Xây dựng – VIBE 2024 sẽ diễn ra từ ngày 02/10 đến 05/10 tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị SECC (799 Nguyễn Văn Linh, P. Tân Phú, Quận 7, TPHCM), CLB Điện ảnh Kiến trúc phối hợp cùng ConsMedia và NetZero.VN tổ chức chiếu 03 phim về Kiến trúc bền vững.  

“Đất – Vật liệu trước nhất, Kiến trúc sinh thái kiên định”

  • Thời gian: 12h – 13h30 thứ Tư 02/10/2024
  • Địa điểm: Khu vực sự kiện, Hall B

Trong số những vật liệu ít tác động tới môi trường, phải kể đến vật liệu đất. Đây là vật liệu mà ông cha ta đã sử dụng từ ngàn xưa. Đất là vật liệu phổ thông nhất, được sử dụng trên tất cả các châu lục, cho mọi miền văn hóa và khí hậu. Cho tới nay, vẫn có khoảng một phần ba dân số trên thế giới sống trong những công trình xây dựng bằng vật liệu này. Đất mang nhiều ưu điểm, vì nó là vật liệu tự nhiên phong phú, khai thác dễ dàng và có thể tái sử dụng. Để biến nó thành vật liệu xây dựng thì không tốn năng lượng và không phải sử dụng các chế tác hóa học. Theo thời gian, lượng khí CO2 thải ra từ vật liệu đất không đáng kể. Và khi công trình hết hạn sử dụng, lượng rác thải cũng được giảm thiểu vì đất có thể được tái chế. Ngoài ra, đất là một vật liệu điều tiết được độ ẩm, giữ nhiệt và cách âm tốt.

Sau Thế chiến thứ 2, việc sản xuất vật liệu công nghiệp một cách tràn lan đã làm cho vật liệu đất bị lãng quên. Nhưng hai thập kỷ gần đây, các kiến trúc sư và những nhà khoa học đang có những nghiên cứu và ứng dụng để quay lại với vật liệu này, với nhiều sáng kiến mới.

Cuốn phim “FIRST EARTH, Uncompromising Ecological Architecture” (Tạm dịch: Đất – Vật liệu trước nhất, kiến trúc sinh thái kiên định) của đạo diễn David Sheen cho chúng ta một cái nhìn tổng quát về vật liệu đất. Ông đã tới bốn châu lục với nhiều nền văn hóa khác nhau để khám phá những lợi ích mà vật liệu này đem lại cho “sức khỏe” của trái đất và con người. Vẫn luôn là những kỹ thuật truyền thống như đất đắp, đất nện, đất trộn rơm, gạch không nung…, chúng ta sẽ rất ngạc nhiên về phạm vi ứng dụng của vật liệu này. Từ những công trình kiến trúc nhà ở đơn lẻ tại châu Âu và châu Mỹ La-tinh, các tòa nhà cao 8, 9 tầng ở đất nước Yemen (Ả Rập) cho đến việc sử dụng nó tại các không gian công cộng ở thành phố Portland (Mỹ). Hơn nữa, cuốn phim còn chỉ ra vật liệu đất còn mang nhiều ý nghĩa về mặt xã hội, như việc nó được ứng dụng để làm nhà giá thấp cho các gia đình nông dân nghèo ở Thái Lan hay xây nhà hát cho những người da màu yếu thế ở thành phố Oakland (Mỹ).

Hơn bao giờ hết, cuốn phim hướng cho chúng ta một nhận thức sâu sắc về vật liệu mang nhiều ý nghĩa này. Ngoài những vấn đề về bảo vệ môi trường, có tính xã hội và kinh tế cao, vật liệu đất còn khơi dậy sự sáng tạo bởi tính đa dạng trong việc xây dựng. Cũng chính vì vậy mà nó tạo ra tính văn hóa cao khi khai thác được kỹ năng và vẻ đẹp nơi chốn. Ngoài ra, vì là một vật liệu tự nhiên, khi làm việc với đất chúng ta có cơ hội kết nối với thiên nhiên về cả thể xác lẫn tinh thần, để rồi thêm gắn bó với nơi mà ta sinh sống.


“Biophilic Design – Kiến trúc của sự sống”

  • Thời gian: 12h30 – 13h30 thứ Năm 03/10/2024
  • Địa điểm: Khu vực sự kiện, Hall B

Từ cuối thế kỷ 20 đến nay, sự khủng hoảng về tài nguyên môi trường đã trở thành mối bận tâm lớn cho các kiến trúc sư trong việc tạo dựng kiến trúc. “Kiến trúc sinh thái” hay “Kiến trúc bền vững”, “Kiến trúc xanh” được sinh ra như một trào lưu kiến trúc mới để trả lời sự khủng hoảng đó. Có lẽ đây là lần đầu tiên người ta ít quan tâm việc cần phải gắn cho kiến trúc một “trường phái” như thường lệ mà quan tâm tới toàn bộ “quá trình” của một vòng đời công trình. Mục đích quan trọng nhất của Kiến trúc bền vững là giảm tối đa sự tác động đến môi trường từ khi thi công đến toàn bộ thời gian công trình được sử dụng và khi nó bị phá hủy.

Những năm gần đây, với sự ứng dụng của khoa học công nghệ tiên tiến, nhiều công trình sử dụng rất ít năng lượng. Hơn nữa nhiều công trình còn có khả năng tạo ra năng lượng nhiều hơn chúng cần. Điều này là một tiến bộ, khi chúng ta so sánh với Kiến trúc truyền thống. Nhưng những cuộc chạy đua về năng lượng chưa phản ánh được chất lượng tốt nhất cho kiến trúc, khi mà con người vẫn chưa được kết nối hài hòa với thiên nhiên. Đây phải là một điểm quan trọng của Kiến trúc bền vững.

Tiến sĩ Stephen R. Kellert là một giáo sư về sinh học xã hội, ông là Học giả nghiên cứu cao cấp tại khoa Môi trường ở Đại Học Yale (Mỹ). Từ nhiều năm nay, ông dành thời gian nghiên cứu mối liên hệ giữa con người – thiên nhiên trong lĩnh vực kiến trúc và đô thị. Một trong những cuốn sách nổi tiếng mà ông chủ biên và đồng tác giả “BIOPHILIC DESIGN – The Theory, Science, and Practice of Bringing Building to Life” (BIOPHILIC DESIGN – Lý thuyết, Khoa học, và Thực tiễn đưa Công trình tới Cuộc sống) được dành cho các kiến trúc sư, nhà quy hoạch, kiến trúc sư cảnh quan, cũng như các chủ đầu tư và các nhà hoạch định môi trường. Cuốn sách đưa ra những kinh nghiệm thực tế mà thiên nhiên có vai trò tác động trực tiếp tới thể chất và tâm lý con người. Thiết kế “Biophilic” liên quan đến nơi trú ngụ của con người trong thiên nhiên, cũng như vị trí của thế giới tự nhiên trong xã hội loài người. Ở nơi đó, có sự tương tác, sự tôn trọng và những quan hệ phong phú phải được tồn tại cùng nhau trên mọi mức độ; và nó phải được đặt thành những tiêu chuẩn thay vì những ngoại lệ.

“Biophilia” là một thuật ngữ được nhà sinh vật học nổi tiếng Edward O. Wilson giới thiệu trong cuốn sách cùng tên viết năm 1984. Ông định nghĩa Biophilia là “thúc đẩy liên kết với các dạng sống khác”, khi cho thấy con người có khuynh hướng bẩm sinh luôn tìm kiếm mối liên hệ với thiên nhiên và các dạng sống khác.

Cuốn phim do chính Tiến sĩ Stephen R. Kellert thực hiện: “BIOPHILIC DESIGN – The Architecture of Life” (tạm dịch: BIOPHILIC DESIGN – Kiến trúc của sự sống) dựa trên kết quả nghiên cứu mà ông đã viết sách, nhưng nó sẽ hấp dẫn khán giả hơn khi ông đến tận những công trình để quay phim, đặc biệt có sự phỏng vấn các kiến trúc sư và con người sống trong những công trình đó. Chúng ta sẽ tham quan nhiều thể loại công trình từ nhà ở riêng lẻ, trường học, bệnh viện, văn phòng làm việc đến các khu ở… và chứng kiến nhờ vào sự liên kết với thiên nhiên mà những người bệnh bình phục nhanh hơn, trẻ em có kết quả học tập cao hơn, những người làm việc đạt hiệu suất tốt hơn, và những người hàng xóm có cơ hội hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn…
“BIOPHILIC DESIGN – Kiến trúc của sự sống” không phải là cuốn phim nói về một trường phái kiến trúc, mà chỉ là sự phân tích rất thuyết phục khi con người không thể sống thiếu thiên nhiên!


“Thành phố tương lai – Những nông trang thẳng đứng”

  • Thời gian: 12h30 – 13h30 thứ Sáu 04/10/2024
  • Địa điểm: Khu vực sự kiện, Hall B

Như chúng ta đã biết, hiện nay đã có 50% dân số trên thế giới sống ở các vùng đô thị. Con số này sẽ tăng lên 70% vào năm 2050. Cung cấp đủ lương thực cho người dân thành thị là vấn đề rất nan giải trong việc quản lý thành phố hiện nay và tương lai.
Cho đến nay thì nguồn lương thực vẫn đến từ các vùng nông thôn. Vậy với sự di cư và mở rộng thành phố không ngừng, liệu chúng ta có thể sản xuất ra lương thực ở ngay trong các khu vực đô thị? Chương “Những nông trang thẳng đứng” (tiếng Pháp: Les fermes verticales) nằm trong cuốn phim “Thành phố tương lai” (Les Villes de demain) của đạo diễn Frédéric Castaignède cho chúng ta những nhìn nhận mới của một thành phố trong tương lai. Hoàn toàn không còn là viễn tưởng nữa, những nông trang có thể được xây dựng ở trên mái các toà nhà hay hiện đại hơn là những toà tháp “nông trang” với công năng chính là tạo ra thực phẩm, mà không cần đất hay nhiều ánh sáng tự nhiên. Trong cuốn phim, chúng ta sẽ được thấy những ý tưởng và các công trình thực tế thành công từ nhiều thành phố trên thế giới.

Thành phố tương lai sẽ là một thành phố mà lương thực được sản xuất ở trên mái nhà, và được bán ngay ở cửa hàng tại tầng trệt, hay những quả cà chua chín đỏ được sinh ra không cần đất, không cần ánh sáng tự nhiên ở độ cao 6m, v.v… Những điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kiến trúc, quy hoạch đô thị, giao thông vận tải,… và rồi chúng sẽ tạo ra một cách sống mới, một văn hoá mới, dẫn đến những hành vi mới của con người. Cuốn phim sẽ để lại cho người xem những suy nghĩ thú vị về tương lai của chính chúng ta!


Tổ chức thực hiện:
– Ban Tổ chức VIBE Expo 2024
– CLB Điện ảnh Kiến trúc (Ashui.com + VUUV)
– ConsMedia
– NetZero.VN

Nhà tài trợ Vàng: PFC Ecolighting
Nhà tài trợ Bạc: Tập đoàn Nam Long, Luxcars


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo