Ashui.com

Wednesday
Jan 08th
Home Tin tức Sự kiện Tọa đàm "Quy hoạch và bảo tồn di sản văn hóa ở Thủ đô Hà Nội"

Tọa đàm "Quy hoạch và bảo tồn di sản văn hóa ở Thủ đô Hà Nội"

Viết email In

Tại thời điểm giữa năm 2010 này, năm Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Đồ án Quy hoạch Thủ đô cùng với dự Luật Thủ đô như không hẹn mà gặp đã trở thành hai vấn đề rất lớn trong phiên họp thứ 31 của Thường vụ Quốc hội bắt đầu diễn ra từ ngày 6/5 cho tới ngày 13/5. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo về đồ án quy hoạch chung Thủ đô và dự án Luật Thủ đô.

Nhằm lấy thêm ý kiến đóng góp của nhân dân, tầng lớp tri thức trước một vấn đề trọng đại liên quan đến toàn xã hội, đó là đồ án: Quy hoạch Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 để báo cáo Quốc hội; sáng 7/5, Báo Đại Đoàn Kết, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp cùng Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long đã tổ chức buổi tọa đàm "Quy hoạch và bảo tồn di sản văn hóa ở Thủ đô Hà Nội – Trường hợp Quy hoạch Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050".

  • Ảnh bên : TBT Báo Đại Đoàn Kết phát biểu đề dẫn (Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết điện tử)

Hà Nội đậm đặc di tích văn hóa lịch sử

Phát biểu khai mạc tại buổi Toạ đàm, Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn kết Đinh Đức Lập cho hay: Gần một tháng qua, không chỉ giới truyền thông, các tầng lớp nhân dân Thủ đô mà đông đảo nhân dân cả nước hết sức quan tâm tới triển lãm giới thiệu Quy hoạch thủ đô Hà Nội. Đây là lần đầu tiên Đảng và Nhà nước ta công bố Quy hoạch Thủ đô, lấy ý kiến nhân cả nước vào thời điểm hết sức có ý nghĩa: Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Sự kiện đã thu hút được sự chú ý quan tâm đặc biệt của dư luận, và các tầng lớp nhân dân.

Thủ đô Hà Nội đã tròn 1000 tuổi, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử Thăng Long – Hà Nội đã tích hợp trong mình bao sự kiện lịch sử, văn hóa đã trở thành di sản, di tích vô giá cho chúng ta hôm nay. Thống kê sơ bộ cho thấy Hà Nội đã có trên 5000 di tích, chiếm tới 40% di tích của cả nước; gần 1000 di tích được cấp bằng di tích quốc gia, đậm đặc di tích và sự phong phú của gần 1300 làng nghề, đa dạng không gian văn hóa… Chính những đặc trưng đặc sắc này đã làm nên hồn cốt của Thăng Long ngàn năm văn hiến, đặt ra những thách thức to lớn cho các nhà quy hoạch nhằm bảo tồn các di sản cho muôn đời con cháu. Đấy cũng là điểm nhạy cảm thu hút sự chú ý quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân, không chỉ của thủ đô Hà Nội.

TS Nguyễn Công Trường – Phó Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia 1000 năm Thăng Long – Hà Nội nhận xét: “Hiện chúng ta chỉ còn khoảng hơn 150 ngày nữa là kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, do đó nhân dịp này sự quan tâm của Nhà nước và nhân dân đến vấn đề gìn giữ di sản văn hóa là rất quan trọng. Thời gian tới ngoài việc tổ chức đại lễ chúng ta cần tích cực tuyên truyền quảng bá để nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước hiểu rõ về Thủ đô Hà Nội 1000 năm văn hiến”.

Quy hoạch Thủ đô theo hướng “Xanh – Văn hóa – Văn minh – Hiện đại”

Tại buổi tọa đàm, ông Đỗ Viết Chiến, Kiến trúc sư, đại diện Văn phòng Ban chỉ đạo Quy hoạch và Đầu tư xây dựng vùng Thủ đô đã giới thiệu về đề án quy hoạch Thủ đô Hà Nội 2030 tầm nhìn 2050. Quy hoạch nhằm hai mục tiêu cơ bản là mở rộng vùng phát triển kinh tế và giảm sức ép lên “khu vực lõi” của Thủ đô.

Theo ông Chiến, phương án phát triển Hà Nội theo hướng “chùm đô thị”, nghĩa là sẽ xây dựng 5 vệ tinh quanh Hà Nội đang được coi là lý tưởng nhất. Theo phương án này, phía Bắc có Sóc Sơn, phía Nam có Phú Minh, Phú Sơn, phía Tây có Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai… Nhưng theo thống kê, các “khu vực kề cận” này có hơn 3 triệu dân số làm nông nghiệp, do đó cần phát triển “hạt nhân trung tâm” để phát triển cho đồng đều gắn với phát triển kinh tế tập trung. Theo quy hoạch đến năm 2050 Hà Nội sẽ có khoảng 10,8 triệu dân số, trong đó có 2,9 triệu dân làm nông nghiệp, nghĩa là dân số nông nghiệp sẽ giảm dần.

Những tác động này sẽ ảnh hưởng đến “thành phố lõi” bắt buộc chúng ta phải có quy hoạch, quy định cụ thể để tránh sự phá vỡ một không gian vốn có của người Việt. Để vừa phát triển, vừa giữ được những nét văn hóa đặc thù của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Xu hướng được đưa ra là sẽ tạo những “lực hút” mạnh ra các vùng miền xa trung tâm để giãn dân, tạo không gian sống hợp lý, tránh những phá vỡ các khoảng không gian kinh tế, văn hóa, xã hội theo kiểu “quần cư tụ hội”.

5 vệ tinh sẽ phát triển các ngành công nghiệp để hỗ trợ phát triển kinh tế cho thành phố trung tâm. Bằng việc phát triển đồng bộ cơ sở sản xuất, nhà ở, công trình công cộng sẻ chia với thành phố trung tâm các gánh nặng, giảm các sức ép với “khu vực lõi’. Ngoài ra còn có vai trò kết nối giao thông với trung tâm. Việc phát triển các đô thị sinh thái sẽ có tác dụng hỗ trợ phát triển “tam nông” và tạo quỹ đất xanh, tránh đô thị hóa.

Vấn đề “Hành lang xanh” bao gồm khu vực sông Tích và sông Đáy. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phát triển theo tỷ lệ 70 – 30, trong đó 70 là diện tích phát triển cây xanh, 30 là diện tích dành để phát triển đô thị. Điều đó tạo sự đặc trưng cho Hà Nội về “cây xanh, mặt nước và văn hóa”. Việc phát triển “khu vực lõi” phải gắn với bảo tồn phố cổ, hồ Tây, hồ Gươm, các thành cổ. Việc phát triển quy hoạch chung của thành phố theo xu hướng: Xanh – Văn hóa – Văn minh – Hiện đại!

  • Ảnh bên : Một góc Thành cổ Hà Nội

Với vai trò cơ quan quản lý liên quan đến nội dung bản đồ án quy hoạch chung Thủ đô, bà Đỗ Tú Lan – Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng cho hay: “Đồ án có tính kế thừa cao, giữ gìn trung tâm tạo hình lòng chảo. Đến giờ vẫn tiếp tục duy trì ý tưởng đó, đó là giữ gìn không gian ở khu phố cổ và khu phố cũ. Tuy nhiên, có những thách thức giằng co với việc phát triển kinh tế thị trường. Chúng tôi đã có kiến nghị lên Chính phủ tạm dừng các công trình cao tầng ở khu vực trung tâm”.

Bà Lan phân tích, trong quy hoạch giai đoạn trước việc hình thành chuỗi đô thị Miếu Môn – Hòa Lạc có tầm quan trọng trong giãn dân của Thủ đô, phát triển khu vực công nghệ cao, du lịch dịch vụ. Để hoàn thiện không gian Hà Nội nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa và tiến tới hội nhập, bản đồ án có những nét sáng tạo như: xác định lại các đô thị trung tâm, vệ tinh khoa học hơn và xác định rõ các công trình bảo tồn tôn tạo có tính liên hoàn với các công trình mới để tăng giá trị. Tạo nên một số trục văn hóa tâm linh từ Cổ Loa sang Hoàng Thành... văn hóa xứ Mường. Bên cạnh đó, có biện pháp bảo tồn hệ sinh thái đa dạng của Hà Nội.

Các làng nghề đang bị áp lực trong mở rộng, xây dựng tràn lan nên cũng cần có hướng quy hoạch, bảo tồn phù hợp mà vẫn giữ được không gian và bản sắc. Những giải pháp về bảo tồn khu 36 phố phường cũng gặp nhiều khó khăn do điều kiện sinh sống của dân cư khu phố này. Do đó, bảo tồn cần nâng cao đời sống dân cư. Trong bảo vệ di sản cần chú trọng đặc biệt đến bảo vệ cảnh quan: Ví dụ ga tàu điện để gần đền Ngọc Sơn sẽ không phù hợp mà nên chuyển gần xuống vị trí của Công ty Điện lực Hà Nội.

Quy hoạch và bảo tồn di sản văn hóa cần được cân nhắc từ nhiều góc độ

Tham luận tại buổi tọa đàm, Tiến sỹ Nguyễn Doãn Tuân - Trưởng ban Di tích và Danh thắng Hà Nội góp ý: “Quy hoạch chung, bảo tồn “thành phố lõi”, theo một số nhà chuyên môn có xu hướng lấy sông Nhuệ  làm “vạch ngăn”, nhưng theo tôi nên lấy sông Đáy sẽ chuẩn hơn. Cần có quy hoạch chi tiết cho từng mảng, trong bảo tồn có phát triển, trong phát triển nên có bảo tồn. Vấn đề đặt ra cần bảo tồn cái gì, cái gì cần giữ. Không thể áp dụng một thứ Luật vào quy hoạch, bảo tồn mà còn phải kết hợp rất nhiều thứ Luật, tạm gọi là “Luật thương thảo”, như thế mới có tiếng nói chung”.

Ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Trung tâm Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội lại nhận xét: việc bảo tồn di sản văn hóa vật thể ở khu di tích Hoàng Thành Thăng Long trong quy hoạch Thủ đô chỉ là một điểm trong hệ thống di tích cần được bảo vệ. Việc số một của bảo tồn di tích là phải bảo tồn cảnh quan nếu không sẽ mất cảm xúc về khu di tích.

Là người có ý kiến phản biện rất sắc sảo về quy hoạch Thủ đô Hà Nội, phát biểu của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện - Phó Giám đốc Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm đã thu hút được sự chú ý đặc biệt trong buổi  tọa đàm. Theo Tiến sỹ Diện, “trên bản đồ Vệ tinh đã vẽ trục tâm linh đi từ dốc chợ Bưởi, xuyên qua làng văn hóa các dân tộc, vượt qua hồ Đồng Mô tạo ra một cơn sốt bất động sản ghê gớm dọc theo chiều dài 30km này. Phải chăng các nhà làm quy hoạch có dụng ý dùng ba chữ trục tâm linh để gây xáo trộn thị trường bất động sản? Hơn nữa việc đặt trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì đã bị rất nhiều ý kiến phản đối. Như vậy là không còn tựa núi nhìn sông nữa mà là "chui vào núi rời xa sông”.

Ông Diện cũng đặt câu hỏi, “Trung tâm hành chính Quốc gia sẽ gồm những gì, trong khi Nhà Quốc hội, Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình đang ở Hà Nội, phải chăng đó là sự lãng phí? Mặt khác, xứ Đoài là vùng đất phía Bắc của tỉnh Hà Tây cũ, là nơi có địa thế kẹp giữa hai dãy núi – Tam Đảo và Tản Viên, bị bao vây bởi sông Hồng và hai dãy núi nên đây là vùng đất tương đối biệt lập và khép kín, ít có giao lưu. Nơi đây, hình thành nên làng mạc khép kín, do đó lưu giữ được tương đối toàn vẹn những nét văn hóa Việt cổ (Việt  - Mường) và bảo tồn cảnh quan văn hóa xứ Đoài như đền chùa đình miếu và các nhà ở dân gian. Do đó, xứ Đoài chưa bao giờ là vùng kinh tế năng động để các nhà quy hoạch hướng tới. Nơi này chỉ thích hợp để bảo tồn văn hóa, làm du lịch văn hóa và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng”…

Tọa đàm "Quy hoạch và bảo tồn di sản văn hóa ở Thủ đô Hà Nội – Trường hợp Quy hoạch Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050" đã khép lại, có những ý kiến đồng thuận, có ý kiến còn băn khoăn, thắc mắc. Tất cả đều là những ý kiến quý báu để các nhà quy hoạch xem xét và đặc biệt là để Chính phủ, Quốc hội nhận được tiếng nói đa chiều trước khi phê chuẩn Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050, định hình cho sự phát triển tiếp theo của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Lan Hương (Hà Nội Mới)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...