Ngày 21/12, Hội Hữu nghị Việt - Pháp và Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Văn hóa - kiến trúc Pháp với thủ đô Hà Nội”.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhận xét, khu phố Pháp góp phần không nhỏ tạo nên nét hấp dẫn, sắc thái rất riêng cho Hà Nội, đã tạo nên nét đặc trưng mà không phải đô thị nào cũng có, kể cả đô thị ở Pháp.
(ảnh: Ashui.com)
Theo ông Nghiêm, trên nền của quy hoạch hiện đại châu Âu, khi xây dựng ở Hà Nội, người Pháp đã có sự kết hợp yếu tố truyền thống, điều kiện khí hậu, phong tục tập quá Á Đông, cảnh quan tự nhiên… Nhờ vậy mà khu phố Pháp đã có giá trị cả về kiến trúc đô thị. Trong đó, cây xanh, mặt nước là những thành phần rất được chú trọng. Nhiều khu vực như vườn Bách Thảo, các vườn hoa, quảng trưởng, không gian quanh hồ Gươm, cây xanh trên hè phố trở thành đặc trưng cho đô thị Hà Nội.
Cũng đánh giá cao về quy hoạch mà người Pháp đã thực hiện, PGS.KTS Trần Hùng, Phó viện trưởng Viện Kiến trúc, cho rằng đường trong khu phố Pháp tính đến nay đã qua gần một thế kỷ sử dụng nhưng vẫn thỏa mãn được nhu cầu đi lại, mà không hề bị lạc hậu, rất ít bị tắc nghẽn, đó là tầm nhìn đô thị.
Tuy nhiên, các chuyên gia quy hoạch kiến trúc lo ngại rằng khu phố Pháp là khu vực có vị trí lý tưởng do điều kiện môi trường sống, giao thông, khả năng sinh lời nên lôi cuốn các nhà đầu tư khai thác, tăng hiệu quả sử dụng đất. Không ít biệt thự, những công trình tạo nên dấu ấn cho khu phố Pháp, đã bị dỡ bỏ và thay thế bằng những công trình cao tầng hiện đại. Nhiều tòa nhà của nhà nước song đã được hợp thức hóa thành sở hữu riêng và được xây lại theo kiến trúc mới...
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, thành phố Hà Nội cần xác lập khu phố Pháp với phân khu cụ thể để có thái độ ứng xử phù hợp. Ô phố hoặc cả đường phố được bảo tồn kết hợp với cải tạo, chỉnh trang, di dời công trình không hợp lý để bổ sung chức năng mới nhằm nâng cao chất lượng sống.
Biệt thự phong cách miền Trung nước Pháp tại ngã ba Điện Biên Phủ - Chu Văn An (nguồn: Ashui.com)
Nhiều chuyên gia cho rằng, khu phố Pháp cần được nghiên cứu, nhìn nhận một cách kỹ lưỡng, rõ ràng hơn nữa trong bối cảnh có nhiều yêu cầu, tác động mới. Trong đó phải kể đến việc điều chỉnh về chức năng một số lô đất để tạo được mạng lưới công trình công cộng, dịch vụ thương mại cho phù hợp với yêu cầu thực tế như khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại. Bên cạnh đó là việc một số khu sản xuất không còn thích hợp, gây ô nhiễm môi trường được di chuyển dành lại quỹ đất cho mục đích sử dụng khác, phù hợp hơn.
Năm qua, Pháp đã tài trợ cho Hà Nội thực hiện dự án hợp tác về nghiên cứu bảo tồn và phát triển khu phố Pháp tại phía nam quận Hoàn Kiếm. Theo nhận định của các chuyên gia Pháp, một số biệt thự đã được tư nhân cải tạo rất cẩn thận và chuyển đổi chức năng phù hợp, làm khách sạn, nhà hàng. Những sáng kiến bảo tồn này cần được khuyến khích, bởi sẽ góp phần gìn giữ di sản, đồng thời vẫn hỗ trợ cho quá trình phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, có một số trường hợp cải tạo không được quản lý nên không thu được kết quả khả quan. Những gam màu tiêu biểu trong khu phố là tường vàng và cửa sơn xanh, thường không được tôn trọng. Phổ biến hơn cả chính là các biển hiệu của các cửa hàng có kích thước quá to, quá lòe loẹt, đôi khi che khuất toàn bộ mặt tiền của công trình. Vì vậy, theo nhóm nghiên cứu, trong quy định hướng dẫn cần nêu rõ những gam màu và tông màu phù hợp, chỉ cần một vài quy định đối với các biển hiệu cũng đã đủ để cải thiện đáng kể cảnh quan đô thị.
(VnExpress)
>>
- Khởi công công trình thủy điện Lai Châu
- Các thành phố trên thế giới chào đón 2011
- DIC Group kỷ niệm 20 năm thành lập
- Khóa học "An toàn phòng hỏa trong Kiến trúc – Xây dựng hiện đại" lần 2
- Thông xe hai nhánh cầu biên Rạch Chiếc và nhánh N4 cầu Thủ Thiêm
- Triển lãm sản phẩm công nghệ tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường
- Chuẩn bị Hội nghị quy hoạch các trường đại học, cao đẳng thuộc vùng Hà Nội và TP HCM
- Hội thảo "Quản lý và xử lý nước thải phi tập trung tại các đô thị"
- Triển lãm Bất động sản Quốc tế Vietreal 2010
- Sân chơi VietReal - Doanh nghiệp Bất động sản cùng nhau vượt khó