Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tin tức Sự kiện Hội thảo "Văn Miếu - Quốc tử giám Hà Nội và hệ thống di tích Nho học Việt Nam'

Hội thảo "Văn Miếu - Quốc tử giám Hà Nội và hệ thống di tích Nho học Việt Nam'

Viết email In

Cuộc hội thảo do Trung tâm hoạt động văn hóa - khoa học Văn Miếu - Quốc tử giám tổ chức ngày 13-1-2009 với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa có am hiểu sâu sắc về vấn đề này.

Văn Miếu được xây dựng năm 1070 dưới thời Vua Lý Thánh Tông (1054-1072), cùng với sự kiện triều đình cho mở khoa thi Minh kinh bác học năm 1075 và lập Quốc tử giám (trường đại học đầu tiên của Việt Nam) năm 1076 dưới thời Vua Lý Nhân Tông (1072-1128) đã trở thành mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển có ý nghĩa lịch sử đối với vai trò của Nho học trong đời sống văn hóa, giáo dục ở Việt Nam, chính thức mở đầu cho nền giáo dục và khoa cử Nho học của nước nhà. Nền giáo dục Nho học sau gần 1.000 năm đã để lại cho dân tộc một di sản văn hóa vật thể bề thế với hệ thống các di tích dày đặc, từ các văn miếu, văn từ, văn chỉ (nơi thờ các bậc tiên thánh, tiên hiền Nho học và tôn vinh các danh nhân của đất nước) đến các từ đường dòng họ, các trường học, trường thi với nhiều hiện vật liên quan như bia đá, bảng vàng, sắc phong, bút, nghiên…

Theo thống kê năm 1988, cả nước có 696 di tích Nho học, trong đó những di tích lớn như Văn Miếu - Quốc tử giám Hà Nội, Văn Miếu Bắc Ninh, Văn Miếu Mao Điền, Văn Miếu Xích Đằng cùng một số văn từ, văn chỉ tại các địa phương đã được trùng tu, bảo tồn và quản lý tốt. Song đáng tiếc là do mặt trái của nền kinh tế thị trường, kèm theo là sự thiếu hiểu biết, ý thức chưa đầy đủ về giá trị các di tích Nho học của một bộ phận người dân và một số cấp, ngành, nên không ít di tích Nho học đã bị xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí bị xóa sổ hoặc đem bán đấu giá.

Chính vì vậy, cuộc hội thảo lần này, ngoài việc nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn những đặc điểm cơ bản của Nho học Việt Nam, quy mô, vị trí, cấu trúc, bố cục thờ tự, nghi thức tế lễ, những tài liệu mới phát hiện về di tích, còn tập trung khảo sát một số di tích Nho học ở các địa phương: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình… nhằm đề ra những giải pháp hữu hiệu cho việc quản lý, bảo tồn, trùng tu và phát huy giá trị của các di tích Nho học Việt Nam - những di tích không chỉ là nơi thờ tự mà còn là không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống, có ảnh hưởng tích cực đến đời sống văn hóa của cộng đồng.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo