Những hòn đảo tưởng chừng như chỉ tồn tại trong phim viễn tưởng có thể sớm xuất hiện trong thực tế nếu mực nước biển tiếp tục dâng lên như hiện nay.
Không còn là chuyện của tương lai nữa. Tình trạng biến đổi khí hậu đang ngốn dần các hòn đảo tại Thái Bình Dương, và nạn nhân sắp tới chính là quần đảo Kiribati xinh đẹp. Phát biểu tại diễn đàn Biển đảo Thái Bình Dương tại New Zealand, Tổng thống Kiribati là Anote Tong cho hay người dân nước ông đang lâm vào cảnh vô vọng sau khi chứng kiến nước biển liếm dần nơi ở của họ. Đứng trước tình hình báo động trên, Chính phủ Kiribati đang cân nhắc nhiều khả năng, trong đó một trong những dự án khả thi nhất là xây dựng đảo nổi thay thế phần lãnh thổ bị biển nuốt mất, theo báo Telegraph.
Dự án đầy tham vọng này có thể mất khoảng 2 tỉ USD chi phí. Tuy nhiên, do Kiribati là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, nếu muốn triển khai việc xây đảo nổi, chính phủ ông Tong phải cầu viện sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế. Kiribati gồm 32 đảo san hô vòng và một hòn đảo nằm giữa Hawaii và Úc tại Nam Thái Bình Dương. Hầu hết lãnh thổ nước này chỉ cách mặt nước biển khoảng 2m. Điều này có nghĩa là phần lớn quần đảo sẽ chìm vào biển nếu mực nước của các đại dương dâng lên đúng như dự đoán của giới chuyên gia.
Nghiên cứu mới của LHQ ước tính đến năm 2100, mực nước biển trên toàn thế giới sẽ dâng thêm 50 cm, và hậu quả là một phần đảo quốc Kiribati sẽ chìm xuống biển, trong khi các phần khác bị muối xâm thực. Quần đảo Kiribati, quê hương của 103.000 người, đã bắt đầu cảm nhận được ảnh hưởng khủng khiếp của tình trạng ấm lên toàn cầu. Nhiều người bị mất nhà cửa và bị đẩy vào cảnh nghèo đói. Bên cạnh dự án xây đảo nổi, tương tự như giàn khoan trên biển, ông Tong cho biết vẫn đang xem xét khả năng xây tường bao quanh đảo, với chi phí ước tính khoảng 1 tỉ USD, cũng như di dân đến các quốc gia khác, như New Zealand. "Mỗi lần bay đến Auckland, tôi nhìn thấy nhiều dải đất rộng vô bờ mà họ gọi là đảo vô chủ. Chúng tôi muốn có chúng", Tổng thống Kiribati nói.
Tuy nhiên, chuyện di dân không hề đơn giản. Những đảo quốc lân cận vốn đang đánh vật với vấn đề nguồn nước tất nhiên không muốn rước thêm miệng ăn, còn cơ hội đến được những quốc gia giàu có càng nhỏ nhoi hơn.
Hạo Nhiên
- Tháp Trung tâm Greenland tại Vũ Hán (Trung Quốc) sẽ cao thứ 4 thế giới
- Bắc Kinh xây tòa tháp chọc trời cao 510 mét
- Chất gây hiệu ứng nhà kính ngày càng gia tăng
- Biến đổi khí hậu làm đói nghèo thêm trầm trọng
- Mỹ xây dựng thành phố không người ở tại New Mexico
- Làng giàu nhất Trung Quốc xây tòa nhà chọc trời
- Nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản London
- Khởi động Cơ chế công nghệ của Công ước khung Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu
- Mexico phát hiện móng cung điện 2.000 năm tuổi
- Melbourne vượt qua Vancouver trở thành Thành phố đáng sống nhất thế giới