Thành phố Melbourne của Australia vừa vượt qua đối thủ Vancouver, Canada, để trở thành đô thị đáng sống nhất thế giới, theo kết quả một cuộc thăm dò toàn cầu do Đơn vị Tình báo (EIU) của tạp chí Economist tổ chức và công bố hôm 30/8.
Melbourne đã đứng đầu trong danh sách 140 đô thị được xếp hạng, lần đầu vượt qua Vancouver sau khi thành phố này đứng vị trí thứ nhất suốt gần 1 thập kỷ. Vancouver giờ chỉ đứng thứ 3, còn sau cả thủ đô Vienna của Áo. Các thành phố khác của Australia cũng được xếp hạng rất cao như Sydney đứng thứ 6, Perth và Adelaide cùng đứng thứ 8. Trong tốp 10 còn có các thành phố Toronto (4) và Calgary (5) của Canada, Helsinki (7) của Phần Lan và Auckland (10) của New Zealand.
Thành phố Melbourne
EIU nói rằng các thành phố được chấm điểm dựa trên sự ổn định về mặt chính trị, xã hội, tỉ lệ tội phạm, mức độ tiếp cận với hoạt động chăm sóc y tế có chất lượng, mức độ tổ chức các sự kiện văn hóa, môi trường sống, giáo dục và tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng. "Australia, với mật độ dân số thấp và tình trạng tội phạm khá thấp, tiếp tục mang tới cho thế giới một trong những thành phố đáng sống nhất" - biên tập viên Jon Copestake phụ trách cuộc điều tra cho biết.
Các thành phố nổi tiếng khác của thế giới có thứ hạng không được cao lắm. Paris của Pháp đứng thứ 16, trên Tokyo (Nhật Bản) 2 bậc. Thành phố Mỹ được đánh giá cao nhất là Honolulu (26) trong khi London (Anh) nằm tận vị trí thứ 53, ngay sau Singapore. Thủ đô Harare của Zimbabwe là thành phố "đội sổ" trong bảng xếp hạng, đứng sau cả Dhaka của Bangladesh và thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea.
V.L.
- Kiribati xây đảo nổi tại Thái Bình Dương
- Làng giàu nhất Trung Quốc xây tòa nhà chọc trời
- Nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản London
- Khởi động Cơ chế công nghệ của Công ước khung Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu
- Mexico phát hiện móng cung điện 2.000 năm tuổi
- UNESCO thúc giục Libya bảo vệ di sản
- Mỹ: động đất tại Virginia
- "Dân số" ôtô thế giới đạt 1 tỷ chiếc
- Làng Olympic London được bán với giá 557 triệu bảng
- Nhật Bản và 5 nước tiểu vùng Mekong hợp tác năng lượng