Các Bộ Môi trường và Tài nguyên nước của Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam sẽ họp bàn tại Siem Reap vào tuần sau (7/12), nắm trong tay số phận của dòng Mê Kông khi chính họ là những người sẽ ra quyết định xây hay không xây đối với dự án đập Xayabouri gây nhiều tranh cãi tại phía Bắc Lào.
Tháng 4 vừa qua, Ủy hội sông Mê Kông (MRC), một cơ quan đa chính phủ bao gồm dại diện của 4 quốc gia tại hạ lưu sông Mê Kông, đã không thể đạt được thỏa thuận về dự án đập Xayabouri và thống nhất chuyển quyền quyết định cuối cùng cho cấp Bộ.
Trong cuộc họp sắp tới của MRC, các Bộ sẽ cùng nhau xem xét kết quả nghiên cứu của Poyry, một công ty tư vấn nguồn nước của Phần Lan, về khả năng đáp ứng của Xayabouri đối với các tiêu chuẩn của MRC. Được ủy nhiệm bởi Chính phủ Lào, nghiên cứu này dự kiến sẽ giải đáp tất cả các quan ngại từ phía Campuchia, Thái Lan và Việt Nam về tác động của dự án đối với đa dạng sinh học, thủy sản và mức độ hiệu quả của các biện pháp giảm thiểu tác động trong sự đối chiếu với các quy chuẩn của MRC.
Nghiên cứu này đã kết luận, dự án Xayabouri đã đáp ứng được các yêu cầu của MRC, bất kể tuyên bố rằng cần phải có thêm dữ liệu về phục hồi sinh kế, sinh học và sinh thái cũng như hiểu biết thêm đối với các đề xuất đường di cư cho cá.
“Thật sững sờ khi bản Báo cáo Poyry khẳng định rằng vẫn còn rất nhiều thiếu hụt dữ liệu một cách nghiêm trọng và dự án bộc lộ nhiều điểm yếu nhưng lại kết luận dự án có thể tiến hành”, Tiến sỹ Jian-hua Meng, Chuyên gia Thủy điện Bền vững của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cho biết. “Poyry đề xuất giải quyết các thiếu hụt kiến thức nghiêm trọng trong giai đoạn xây dựng. Đánh cược đối với sinh kế của hơn 60 triệu dân là điều không bao giờ được phép tại châu Âu, vậy thì tại sao lại có sự khác biệt tại châu Á.”
WWF cho biết, tuy chưa được công bố một cách chính thức, báo cáo đã bị rò rỉ trên một diễn đàn trực tuyến của Lào. WWF đã chỉ ra những thất bại của nghiên cứu Poyry trong việc hiểu biết đầy đủ các tác động của đập Xayaburi, đặc biệt những tác động đối với thủy sản, dòng chảy trầm tích cũng như các mẫu thuẫn của chính báo cáo.
“WWF cho biết nghiên cứu của Poyry cũng khẳng định dự án Xayaburi sẽ chặn một phần dòng chảy trầm tích, đồng thời thừa nhận sự thiếu hụt thông tin và hiểu biết một cách trầm trọng về trầm tích. Sự dồi dào trầm tích của dòng Mê Kông đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì sự cân bằng sinh thái của sông và bồi đắp đồng bằng.”
“Không có thay đổi tích cực nào đối với dự án đập Xayaburi,” Tiến sỹ Meng cho biết “Thất bại trong việc giải quyết các vấn đề không chắc chắn của dự án có thể gây ra những hậu quả thảm khốc đối với cuộc sống của hàng triệu người dân sinh sống tại khu vực sông Mê Kông.”
Quyết định của các Bộ trưởng sẽ đặt tiền lệ quan trọng cho 10 đề xuất dự án đập.
Sông Mê Kông chảy dài 4.800km dọc biển Đông và là dòng sông dài nhất tại vùng Đông Nam Á. Hạ lưu sông Mê Kông, một trong những dòng chảy cuối cùng trên thế giới chưa bị biến đổi, hỗ trợ cuộc sống của hơn 60 triệu người bằng nguồn thủy sản giàu có. Là dự án đập đầu tiên tuân thủ theo quá trình tham vấn chính thức của MRC, Xayaburi sẽ là bài kiểm tra đối với chức năng của MRC. Quyết định đồng thuận của các Bộ trưởng sắp tới sẽ đặt ra một tiền lệ quan trọng đối với 10 đề xuất dự án đập tại dòng chảy chính phía hạ lưu sông.
“Các quốc gia phía hạ lưu sông Mê Kông hiện nay đang đứng trước hai lựa chọn đối lập ở tại một thời điểm mà họ sẽ phải lựa chọn, trong tuần tới, hoặc là trở thành các lãnh đạo toàn cầu về thủy điện bền vững và trì hoãn ra quyết định đối với đập Xayaburi hoặc họ lựa chọn mạo hiểm cuộc sống và sinh kế của chính những người dân đất nước họ, và đẩy dòng sông yêu quý của họ vào hiểm họa khôn lường”, tiến sỹ Meng chia sẻ.
Đầu năm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã chính thức kêu gọi hoãn xây dựng đập trên dòng chảy chính trong 10 năm và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Nước của Campuchia cũng ủng hộ trì hoãn dự án. Thủ tướng Lào đã tiếp nhận những thông điệp này và tuyên bố trong hội nghị Thượng đỉnh ASEAN rằng Lào sẽ hoãn xây dựng Xayaburi để có thêm thời gian nghiên cứu.
Về phía WWF, tổ chức này đang kêu gọi các Bộ trưởng lắng nghe các khuyến nghị của MRC về Đánh giá Môi trường Chiến lược và hoãn xây dựng đập trong 10 năm cho đến khi có đầy đủ thông tin để đánh giá tác động của đập. Quyết định cần phải dựa trên các bằng chứng và phân tích khoa học vững mạnh. WWF khuyến nghị các quốc gia hạ lưu sông Mê Kông nên xem xét việc xây dựng nhà máy thủy điện trên các phụ lưu của sông Mê Kông, nơi dễ tiếp cận và ít rủi ro hơn.
- COP-17 nhất trí về lộ trình chống biến đổi khí hậu
- COP-17: Mục tiêu cắt giảm khí thải toàn cầu - Cái chết được báo trước
- Thắp sáng bảo tàng Louvre bằng hệ thống đèn LED
- Hội nghị COP 17 còn nhiều bất đồng giữa các nhóm
- ADB: Châu Á có vai trò lớn chống biến đổi khí hậu
- Forbes công bố Top 10 thành phố triển vọng đầu tư bất động sản châu Á
- London - thành phố mua sắm được ưa chuộng nhất châu Âu
- Heerim trúng thầu dự án ở thủ đô Baku, Azerbaijan
- Liên hợp quốc kêu gọi dành 30 tỷ USD cho biến đổi khí hậu
- ADB kêu gọi cấp vốn cho các thành phố tương lai