Ashui.com

Wednesday
Apr 24th
Home Tin tức Thế giới Cầu treo Messina: Italia quyết xây "Kỳ quan thứ 8"

Cầu treo Messina: Italia quyết xây "Kỳ quan thứ 8"

Viết email In

Sau nhiều năm bị trì hoãn, dự án xây cầu treo Messina dài nhất thế giới, nối liền châu Âu lục địa với đảo Sicily đã được phê chuẩn với tổng chi phí 6,1 tỷ euro (hơn 7,7 tỷ USD). Thủ tướng Berlusconi muốn “lưu danh muôn thuở” với cây cầu này.



“Siêu dự án”

Cầu treo Messina dự kiến sẽ được khởi công vào mùa Thu 2010 và khai trương trong năm 2016. Đây sẽ là cây cầu treo dài nhất thế giới và được người Italia gọi là “kỳ quan thế giới thứ 8”. Cuối tuần qua, Chính phủ Itala đã chuẩn chi 1,3 tỷ euro (trong tổng mức kinh phí ước tính khoảng 6,1 tỷ euro) cho công trình “sẽ làm lu mờ” cây cầu treo Golden Gate (Cổng vàng) biểu tượng của California. Cầu Messina là một trong những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn nhất châu Âu hiện nay, nằm trong chương trình nâng cấp giao thông của chính phủ Italia. Tổng chiều dài của cầu treo Messian là 5.070m, có 6 làn đường ô tô và 4 đường ray cho phép 100.000 xe cộ và 200 chuyến tàu hỏa qua lại mỗi ngày. Theo thiết kế, cầu treo Messina có thể đứng vững trước các cơn động đất có cường độ 7,1 độ Richter và nhịp giữa của Mesina có chiều dài 3.300 m, trong khi cầu treo dài nhất thế giới hiện nay ở Nhật Bản chỉ có nhịp giữa dài 1.991m.

Theo hãng tin ANSA, Tập đoàn xây dựng khổng lồ Impregilo đã thắng thầu xây cầu treo này. Impregilo, có trụ sở tại Milan, là một trong những tập đoàn xây dựng hùng mạnh tại châu Âu, từng xây dựng 5.500km đường xe lửa, 30.000km đường bộ, 56 km cầu và 95 đường hầm trên khắp thế giới. Hai trụ chính của cầu treo Messina cao tới 382m, còn cao hơn cả tháp Eiffel.

Dấu ấn riêng của Thủ tướng Berlusconi

Từ thời La Mã cổ đại, người Italia luôn mơ tưởng xây dựng một cây cầu nối liền “chiếc ủng” Italia với hòn đảo lớn nhất là Sicily. Ý tưởng xây dựng một chiếc cầu vượt qua eo biển Messina tiếp tục được vua Charlemagne thời Trung Cổ nghĩ tới. Một số kế hoạch chi tiết đã được các kỹ sư trong thế kỷ 19 thảo ra, nhưng chưa bao giờ được thực hiện. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nhiều chính phủ Italia đã thất bại trong việc thực hiện “siêu dự án” này do kinh phí xây cầu quá lớn và điều kiện kỹ thuật chưa cho phép: Eo biển Messina khá sâu, nằm ở vùng có nhiều động đất, gió mạnh và sóng thủy triều lớn.

Mãi đến đầu thiên niên kỷ thứ 3, người ta mới có một dự án khả thi đầu tiên cho “Kỳ quan thứ 8 thế giới” của người Italia và đây là dự án ”ruột” của ông Silvio Berlusconi: Năm 2002, trong thời gian giữ ghế Thủ tướng Italia lần thứ nhất, ông đã ký sắc lệnh dự kiến bắt đầu khởi công xây dựng cây cầu khổng lồ vào năm 2006. “Siêu dự án” này sẽ tạo ra 40.000 việc làm và với nguồn kinh phí chủ yếu là của các nhà đầu tư tư nhân. Thế nhưng sau đó, Berlusconi đã bị hạ bệ và người kế nhiệm ông là Thủ tướng Romano Prodi đã xếp dự án này lại.

Giờ đây, khi lần thứ 2 làm Thủ tướng, ông Berlusconi lại khởi động “siêu dự án” của mình và quyết tâm khởi công xây cầu, với lý do nó có thể tạo ra hàng trăm nghìn việc làm, một điều càng trở nên quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế khủng hoảng hiện nay. Cây cầu là một phần trong kế hoạch trị giá 17,8 tỷ euro nhằm tạo việc làm và thúc đẩy kinh tế ở khu vực phía nam Italia. Dĩ nhiên còn có một lý do khác mà Thủ tướng Berlusconi không muốn nói ra: Ông muốn “lưu danh muôn thuở” với cây cầu này.

Chỉ có điều đến năm 2016, Thủ tướng Berlusconi chắc không còn tại vị. Chắc ông hy vọng sẽ tham dự lễ cắt băng khánh thành cầu Messina trên cương vị Tổng thống Italia.

Những ý kiến phản bác

Tương tự như lần trước, dĩ nhiên lần này dự án cầu Messina tiếp tục vấp phải một lang sóng phản đối. Không ít người phê phán siêu dự án cầu treo Messina là lãng phí và đầy rủi ro. Họ không loại trừ khả năng Mafia đã “vận động hành lang” và kiếm lời từ dự án này. Hai tổ chức Mafia là Cosa Nostra (Sicilia) và ‘Ndrangheta (Kalabria) vốn có truyền thống thao túng các dự án lớn ở Italia để phục vụ cho công việc “rửa” những đồng tiền nhơ bẩn kiếm được từ các hoạt động phi pháp trên toàn thế giới.

Phe đối lập cho rằng cầu treo Messina là vô ích, nếu người ta không khắc phục được tình trạng yếu kém về cơ sở hạ tầng ở xứ Calabria. Họ cho rằng không bao giờ Italia có lượng xe cộ lớn như vậy đi qua cầu treo Messina. Theo họ, kế hoạch kích thích kinh tế của ông Berlusconi chỉ là "sự xào xáo lại các khoản ngân sách đã được chính quyền trung tả trước đây thông qua và là sự chuyển vốn từ các dự án như đường sắt cao tốc sang cho cầu Messina", một công trình trước mắt là chưa cần thiết.

Trong khi nhiều kỹ sư tiếp tục nêu ra nguy cơ động đất và gió lớn ở khu vực này, thì tổ chức bảo vệ thiên nhiên WWF bày tỏ lo ngại môi trường từ nhiên tại eo biển Messina sẽ bị phá vỡ bở cây cầu này.

10 cầu treo (dây võng) có nhịp giữa dài nhất thế giới hiện nay:

1. Cầu Akashi Kaikyo, nối Kobe với đảo Awaji (Nhật Bản), xây 1998: 1.991m (trên tổng chiều dài 6.529m).

2. Cầu Xihoumen, quần đảo Zhoushan (Trung Quốc), 2009: 1.650m (5.414m)

3. Cầu Great Belt, Halsskov-Sprogo (Đan Mạch), 1998: 1.624m (5,328m)

4. Cầu Runyang, qua sông Dương Tử (Trung Quốc), 2005: 1.490 (4.888m)

5. Cầu Humber, Barton-upon-Humber (Anh), 1981: 1.410 (4.626m)

6. Cầu Jiangyin, qua sông Dương Tử (Trung Quốc), 1999: 1.385 (4.543m)

7. Cầu Tsing Ma, Tsing Yi-Ma Wan (Hong Kong), 1997: 1.377 (4.518m)

8. Cầu Verrazano-Narrows, New York City (Mỹ), 1964: 1.298 (4.260m)

9. Cầu Golden Gate, San Francisco (Mỹ), 1937: 1.280 (4.200m)

10. Cầu Yangluo, qua sông Dương Tử (Trung Quốc), 2007: 1.280 (4.200m) 

>> Nước Anh công bố 7 cây cầu di sản quốc gia 
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo