Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân yêu cầu các đơn vị nâng cao tinh thần trách nhiệm, đẩy nhanh tiến độ để tuyến xe điện ngầm số 1 (Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên) có thể vận hành vào năm 2017.
Trong cuộc họp với các các đơn vị liên quan về tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng ba dự án trọng điểm gồm tuyến xe điện ngầm số 1 (Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên), dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, tuyến đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài vào ngày 12/4, Ban quản lý Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc thi công dự án xe điện ngầm số 1 Bến Thành-Suối Tiên chưa đảm bảo đúng tiến độ so với kế hoạch chủ yếu là do công tác giải phóng mặt bằng còn vướng một số khó khăn. Theo hợp đồng ký với các nhà thầu, mặt bằng phải được bàn giao chậm nhất là tháng 6/2013, như vậy đến nay đã chậm 10 tháng.
Dự kiến đến cuối tháng 4/2014, Ban quản lý Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bàn giao mặt bằng toàn tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên.
Phối cảnh ga Suối Tiên và depot (ảnh: TBKTSG)
Giải thích nguyên nhân chậm trễ, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân quận Thủ Đức cho biết, phần nằm trên địa bàn quận của cả ba dự án vẫn còn một số hộ dân chưa chịu di dời. Như dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, quận Thủ Đức đã thu hồi mặt bằng của 253/254 trường hợp, chỉ còn duy nhất trường hợp Công ty Phú Đức là chưa chịu di dời.
Ủy ban Nhân dân quận Thủ Đức cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp vận động ông Lương Hạnh, đại diện Công ty Phú Đức bàn giao mặt bằng nhưng không được đồng ý.
Theo kế hoạch ngày 17 và 18/4, Ủy ban Nhân dân quận Thủ Đức sẽ tiến hành cưỡng chế với công ty này để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trước ngày 30/4.
Trong khi đó, dự án Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành Đai Ngoài cũng còn ba trường hợp chưa chịu di dời (gồm khu nhà A74 tại phường Linh Tây và hai căn hộ cuối tuyến thuộc phường Linh Trung do diện tích giải tỏa nhỏ, nằm trong phạm vi vỉa hè nên đề nghị không giải tỏa). Dự kiến các trường hợp này sẽ bị cưỡng chế ngày 23 và 24/4.
Đến thời điểm hiện tại, việc bàn giao mặt bằng ở một số địa bàn, đặc biệt là quận Thủ Đức và Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 phụ trách (địa bàn thị xã Dĩ An, Bình Dương) vẫn còn chậm trễ so với tiến độ đăng ký. Việc giải phóng mặt bằng trên địa bàn quận Bình Thạnh cũng đang gặp khó khăn.
Ông Hoàng Song Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh, cho biết nhiều trường hợp người dân bất hợp tác, trong đó có một số hộ dân tại thửa đất 94 khu vực Văn Thánh cản trở nhà thầu thi công. Quận Bình Thạnh cũng đã giao nhiệm vụ cho các phường tiến hành vận động các hộ hiểu chủ trương để đơn vị thi công đạt hiệu quả.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Lê Hoàng Quân phê bình lãnh đạo Ban quản lý đường sắt đô thị Thành phố làm việc chưa nghiêm túc, trong khi đây là dự án chiến lược hết sức quan trọng.
Ông Lê Hoàng Quân cũng chỉ đạo, các sở ngành, quận Thủ Đức, quận 9 khi giải phóng mặt bằng tới đâu cần tập trung khoanh vùng bàn giao ngay cho Ban quản lý đường sắt. Ban quản lý có nhiệm vụ tiếp nhận và bàn giao cho nhà thầu những khu vực nào có sẵn mặt bằng nên tiến hành làm ngay; không chờ bàn giao hết mặt bằng rồi mới tiến hành thi công sẽ gây chậm tiến độ của dự án./.
(Vietnam+)
- TPHCM: Vay khoảng 1 tỷ USD chống ngập
- Thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn 2050
- TPHCM chuẩn bị mặt bằng xây Trung tâm hành chính
- Hà Nội: Hợp long dự án cầu Nhật Tân
- Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ có 15 đô thị vệ tinh
- Hà Nội nghiên cứu thí điểm đường sắt đô thị một ray (monorail)
- "Đường Trường Chinh không cong hẳn mà cong mềm mại"
- LuxDev: Mời thầu xây dựng hoàn thiện và thi công nội thất Khách sạn thực hành Villa Huế
- Công bố quy hoạch xây dựng vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030
- TPHCM sẽ xây 30 hồ chứa nước lớn để giảm ngập