Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tin tức Việt Nam TPHCM: Khu E Phú Mỹ Hưng là điểm đầu tuyến xe buýt nhanh

TPHCM: Khu E Phú Mỹ Hưng là điểm đầu tuyến xe buýt nhanh

Viết email In

Tuyến xe buýt nhanh (Bus Rapid Transit - BRT) số 1 - điểm đầu từ bến xe miền Tây đến ngã 3 Cát Lái quận 2 - sẽ được chuyển điểm đầu tuyến về khu E Phú Mỹ Hưng để thuận tiện cho việc kết nối giao thông. Khu E Phú Mỹ Hưng cũng được chọn làm nơi xây dựng bến xe miền Tây mới. 

UBND TPHCM đã chấp thuận chọn vị trí depot và nhà ga đầu tiên của tuyến BRT số 1 tại khu E, Phú Mỹ Hưng, thuộc xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh thay vì để ở vị trí bến xe miền Tây cũ hiện nay.

Việc chuyển điểm đầu của tuyến BRT số 1 về khu E để thuận lợi cho việc kết nối giao thông, sau khi UBND TPHCM kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho xây dựng bến xe miền Tây mới tại khu E Phú Mỹ Hưng.  


Vị trí khu E Phú Mỹ Hưng, nơi dự kiến xây dựng bến xe miền Tây mới và sẽ là điểm đầu của tuyến xe buýt nhanh số 1
(Ảnh: Lê Anh) 

Xe buýt nhanh (BRT) là hình thức sử dụng xe loại lớn, có sức chở cao gấp 2 - 3 lần xe buýt hiện nay và được chạy trên một làn đường dành riêng để đảm bảo đúng thời gian hành trình. Do chạy trên một làn đường riêng nên xe buýt nhanh không bị chậm giờ như xe buýt hiện nay. 

Tuyến BRT số 1 (dài gần 29 km) dự kiến khởi công xây dựng trong năm 2014 và hoàn thành vào giữa năm 2018, với tổng vốn đầu tư dự kiến là 3.248 tỉ đồng (khoảng 155 triệu đô la Mỹ) trong đó vốn ODA là 142 triệu đô la, vốn đối ứng là 13,6 triệu đô la. 

Điểm đầu dự kiến trước đây tại bến xe miền Tây điểm cuối tại ngã 3 Cát Lái (quận 2). Các hạng mục cần xây dựng gồm một nhà chờ và trạm bảo dưỡng ở Thủ Thiêm, cộng với bốn nhà ga. Ngoài ra còn có 2 trạm trung chuyển, 31 trạm dừng dọc tuyến. Tuyến BRT số 1 sẽ dùng 30 xe buýt sử dụng khí nén thiên nhiên CNG thân thiện với môi trường.

Sau khi chuyển về khu E Phú Mỹ Hưng, trong giai đoạn chưa sử dụng bến xe miền Tây mới, lộ trình của tuyến BRT số 1 sẽ được điều chỉnh như sau: Nút giao Cát Lái (Rạch Chiếc) - Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt - An Lạc (quay đầu tại khu vực trước vòng xoay An Lạc).

Ngoài ra, UBND TPHCM cũng đồng ý bổ sung hạng mục nhà ga cuối của tuyến BRT số 1 lồng ghép vào khu vực quảng trường ga của Khu Liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc (phường An Phú, quận 2);đồng thời vẫn duy trì vị trí ga trung chuyển của tuyến BRT số 1 tại khu vực ga Thủ Thiêm (quận 2).

Ngoài tuyến xe buýt nhanh số 1, TPHCM cũng đang nghiên cứu đầu tư năm tuyến xe buýt nhanh khác nhằm hoàn thiện mạng lưới vận tải hành khách công cộng.

Theo quy hoạch trước đây, TPHCM sẽ xây dựng tám tuyến xe buýt nhanh. Tuy nhiên, vào tháng 4-2013 Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020, theo đó thành phố chỉ xây dựng sáu tuyến xe buýt nhanh.

Hiện nay, TPHCM có một tuyến xe buýt chạy từ Bến Thành đến bến xe miền Tây theo đại lộ Võ Văn Kiệt được gọi là tuyến xe buýt nhanh. Tuy nhiên, chiếu theo các tiêu chí của xe buýt nhanh như có làn đường riêng, xe có sức chở với khối lượng lớn khoảng 100 người thì tuyến xe buýt chạy dọc đại lộ Võ Văn Kiệt chưa phải là xe buýt nhanh. 

5 tuyến xe buýt nhanh khác đang được nghiên cứu gồm: 

- Tuyến số 2 từ bến xe miền Tây mới tại huyện Bình Chánh tới cầu Phú Mỹ, chiều dài 24 km;

- Tuyến số 3 từ ngã tư An Sương đến bến xe miền Tây mới, chiều dài 19 km;

- Tuyến số 4 từ đường Kha Vạn Cân (Thủ Đức) đến công viên Hoàng Văn Thụ, chiều dài 14,5 km;

- Tuyến số 5 chạy dọc trục đường Thoại Ngọc Hầu - vành đai trong - nối dài ra đường Nguyễn Văn Linh từ ngã tư bốn xã đến đường Nguyễn Văn Linh, dài 8,7 km;

- Tuyến số 6 từ ngã 6 Gò Vấp đến ga Tân Thới Hiệp quận 12 chiều dài 8,5 km. 

Lê Anh 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo