Thực hiện giai đoạn một của Đề án giãn dân phố cổ, 533 hộ dân đang sống trong di tích, công sở, trường học sẽ nằm trong đối tượng giãn dân bắt buộc. Sáng 16/1, UBND quận Hoàn Kiếm đã tổ chức thông tin tới báo chí về giai đoạn một của đề án. Theo đó, dự kiến trong tháng 3, quận sẽ khởi công xây dựng các dự án hạ tầng giao thông đô thị, xã hội khu nhà ở giãn dân. Quý III/2015, quận sẽ khởi công khu nhà ở và hoàn thành vào quý IV/2017.
Ông Phạm Tuấn Long, Phó ban quản lý phố cổ Hà Nội cho hay, những đối tượng phải di dời trong giai đoạn một của dự án gồm: số dân sống trong di tích (464 hộ); trong công sở (21 hộ); trường học (13 hộ). Tổng số có 553 hộ với 1.856 nhân khẩu thuộc diện phải dời.
Ngõ 44 phố Hàng Buồm sâu hun hút, cả ngày tối đen, thuộc loại hẹp nhất thủ đô. Con ngõ chỉ vừa cho một người đi này dẫn vào khu nhà nhếch nhác. (Ảnh: Quý Đoàn)
Bên cạnh đó, gần 6.000 nhân khẩu đang sống trong các căn hộ có giá trị, giá trị đặc biệt, biển số nhà đông hộ, nhà nguy hiểm, chung cư sở hữu tư nhân cũng nằm trong kế hoạch giãn dân đợt một.
“Quận khuyến khích người dân trong cùng biển số nhà mua lại diện tích di dời. Nếu việc chuyển nhượng gặp khó khăn, nhà nước sẽ tạm thời giữ lại diện tích này và sử dụng vào mục đích chung”. Lãnh đạo Ban quản lý phố cổ nói.
Về quyền lợi của người dân thực hiện chủ trương giãn dân, Phó Chủ tịch quận Hoàn Kiếm, ông Lâm Quốc Hùng cho biết, với những hộ thuộc diện bắt buộc di dời, sẽ được tái định cư tại khu nhà ở giãn dân phố cổ Việt Hưng (quận Long Biên).
Các hộ dân sẽ được miễn phí 30 m2 diện tích căn hộ tái định cư, phần diện tích trên 30 m2 được trả dần. Nếu hộ dân không đủ điều kiện mua sẽ được thuê, thuê mua nhà theo chính sách xã hội. Trường hợp không nhận nhà tái định cư, ngoài tiền đền bù diện tích bị thu hồi theo khung giá đất của thành phố còn được hỗ trợ thêm 100 triệu đồng.
Vẫn theo Phó Chủ tịch quận Hoàn Kiếm, nếu hộ dân đã nhận nhà tái định cư nhưng không có nhu cầu ở có thể bán. Tuy nhiên đối tượng này không được quay trở lại để ở tại diện tích đã thu hồi.
Với đối tượng mua nhà tự nguyện (khoảng1.000 hộ), quy định hiện hành về nhà ở xã hội không cho phép chuyển nhượng nhà trong 10 năm.
Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết, những hộ dân có diện tích bình quân dưới 5 m2/người sẽ phải di dời sang khu giãn dân phố cổ Việt Hưng, quận Long Biên. (Ảnh: Quý Đoàn)
Nói rõ thêm về đề án, ông Dương Đức Tuấn, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho hay, việc giãn dân phố cổ là chủ trương lớn của thành phố. Toàn bộ đề án sẽ phải di chuyển 6.500 hộ dân với 26.000 nhân khẩu, trong đó giai đoạn một di chuyển 1.500 hộ dân.
“Giai đoạn một, Quận sẽ tiếp tục đề xuất thành phố bố trí 30 ha để di dời khoảng 5.000 hộ dân còn lại, đạt mục tiêu giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ 823 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha đến năm 2020. Đề án giãn dân phố cổ sẽ kết thúc vào năm 2020”, Chủ tịch Hoàn Kiếm thông tin.
Bà Lê Quỳnh Anh, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu nhà giãn dân phố cổ cho biết, tổng vốn đầu tư xây khu giãn dân giai đoạn một ước 5.000 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách. Khu giãn dân phố cổ có diện tích 11,12 ha, gồm 16 tòa nhà cao 8-9 tầng, một tòa nhà hỗn hợp (trung tâm thương mại dịch vụ, chung cư, công trình công cộng) cao 15 tầng. Khu ở được bố trí đầy đủ các công trình phúc lợi như nhà trẻ - mẫu giáo, trạm y tế, không gian sinh hoạt cộng đồng, tuyến phố đi bộ. Đối tượng mua nhà ở giãn dân được xác định là các hộ gia đình di dời ra khỏi khu vực phố cổ theo đề án giãn dân phố cổ được phê duyệt. Giá bán nhà không được vượt tổng mức đầu tư của dự án đã phê duyệt và lợi nhuận định mức 10% so với chi phí đầu tư xây dựng. Khoảng 39% số hộ dân di dời sẽ được bố trí kiốt kinh doanh, bán hàng ở tầng 1 các tòa nhà. Các cửa hàng kinh doanh được bố trí theo nhóm ngành hàng. Khu phố cổ nằm trên địa bàn 10 phường của quận Hoàn Kiếm, có diện tích là 81 ha, mật độ dân số 840 người một ha (tổng dân số trên 66.000 người). |
(VnExpress)
- Bảo tồn Thương xá Tax để giữ ký ức Sài Gòn xưa
- Đến hết 2014, cả nước có 774 đô thị
- Hà Nội gặp nhiều khó khăn trong các dự án giảm tải nội đô
- Khởi công giai đoạn 1 Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc
- Điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Vinh thành Cảng quốc tế
- Thừa Thiên-Huế đầu tư 150 tỷ đồng trùng tu 22 công trình di tích
- Cả nước hoàn thành xây dựng hơn 100 dự án nhà ở giá rẻ
- Công bố quy hoạch hành lang xanh của Thủ đô đến năm 2030
- Triển khai các dự án đường cao tốc
- Việt Nam cần 30 tỷ USD cho Chiến lược tăng trưởng xanh năm 2020