Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến 2030.
Mục tiêu của quy hoạch là nhằm nhanh chóng hình thành mạng đường bộ cao tốc quốc gia, bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm, các cửa khẩu chính, các đầu mối giao thông quan trọng có nhu cầu vận tải lớn, tốc độ cao.
Trong đó, tập trung xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam, ưu tiên các tuyến đường cao tốc nối các thành phố lớn (Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng), các tuyến ra các cảng biển lớn.
Tuyến cao tốc Bắc - Nam được quy hoạch 2 tuyến với tổng chiều dài khoảng 3.083 km.
Đồng thời, tạo khả năng liên kết cao với các phương thức vận tải hiện đại khác và hội nhập khu vực, quốc tế. Đường bộ cao tốc được thiết lập tách biệt nhưng phải đảm bảo liên kết được với mạng đường bộ hiện có, bảo đảm môi trường và cảnh quan; góp phần giải quyết ách tắc giao thông, trước hết tại các thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM.
Các tuyến đường cao tốc trong quy hoạch được hoạch định với quy mô hoàn chỉnh, tuy nhiên trong quá trình thực hiện có thể phân kỳ xây dựng để phù hợp với lưu lượng xe và khả năng huy động nguồn vốn, nhưng phải tiến hành quản lý quỹ đất để hạn chế chi phí giải phóng mặt bằng sau này.
Trên cơ sở dự báo nhu cầu vận tải, định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 của đất nước; định hướng phát triển kinh tế của 4 vùng kinh tế trọng điểm; chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, quy hoạch xác lập mạng đường bộ cao tốc Việt Nam gồm 21 tuyến với tổng chiều dài 6.411 km.
Cụ thể, tuyến cao tốc Bắc - Nam được quy hoạch 2 tuyến với tổng chiều dài khoảng 3.083 km gồm: tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tổng chiều dài 1.814 km; tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, tổng chiều dài là 1.269 km.
Hệ thống đường cao tốc khu vực phía Bắc gồm 14 tuyến cao tốc hướng tâm kết nối với Hà Nội với tổng chiều dài 1.368 km. Trong đó có tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn, dài 143 km; tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, dài 105 km; tuyến cao tốc Hà Nội - Việt Trì (Phú Thọ) - Lào Cai, dài 264 km; tuyến cao tốc Nội Bài (Hà Nội) - Bắc Ninh - Hạ Long (Quảng Ninh), dài 176 km; tuyến cao tốc Hạ Long (Quảng Ninh) - Móng Cái (Quảng Ninh), dài 128 km; tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh, dài 160 km; tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), dài 144 km...
Hệ thống đường cao tốc khu vực miền Trung và Tây Nguyên gồm 3 tuyến với tổng chiều dài 264 km. Cụ thể, tuyến cao tốc Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) - Hương Sơn (Hà Tĩnh), dài 34 km; tuyến cao tốc Cam Lộ (Quảng Trị) - Lao Bảo (Quảng Trị), dài 70 km; tuyến cao tốc Quy Nhơn (Bình Định) - Pleiku (Gia Lai), dài 160 km.
Hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam gồm 7 tuyến với tổng chiều dài 983 km. Cụ thể, tuyến cao tốc Châu Đốc (An Giang) - Cần Thơ - Sóc Trăng, dài 200 km; tuyến cao tốc Hà Tiên (Kiên Giang) - Rạch Giá (Kiên Giang) - Bạc Liêu, dài 225 km; tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, dài 150 km...
Bảo Anh
(VnEconomy)
- Tăng cường hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Phần Lan
- Xây nhà ga, mở đường để giảm tải sân bay Tân Sơn Nhất
- Bí thư Hà Nội lo thủ đô ô nhiễm hơn Bắc Kinh
- Bắc Ninh đẩy nhanh tiến độ trùng tu, tôn tạo chùa Bút Tháp
- TPHCM: thêm 5.800 hộ dân sống ven kênh cần tái định cư
- Điểm mặt 42 chung cư cũ “nguy hiểm” ở Hà Nội
- Yêu cầu thi tuyển thiết kế nhà ga sân bay Long Thành
- Mercer: TP.HCM thứ 152, Hà Nội thứ 155/230 thế giới về chất lượng sống
- Vùng nào ở TPHCM bị sụt lún nhanh?
- Trà Vinh: Khởi công nhà máy điện gió 2.800 tỉ đồng