Ashui.com

Tuesday
Apr 23rd
Home Tin tức Việt Nam Bí thư Hà Nội lo thủ đô ô nhiễm hơn Bắc Kinh

Bí thư Hà Nội lo thủ đô ô nhiễm hơn Bắc Kinh

Viết email In

"Hạ tầng giao thông Hà Nội ở mức báo động. Từng người dân ra đường đã thấy vô cùng khó khăn trong tham gia giao thông" - Bí thư Hoàng Trung Hải nói. 

Sáng 7/3, Bí thư Hoàng Trung Hải cùng Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cùng chủ trì Hội nghị triển khai công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải, phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016- 2020. Ông Hoàng Trung Hải đánh giá, thời gian qua, Bộ Giao thông đã phối hợp chặt chẽ với thành phố trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng, hoàn thành nhiều công trình quan trọng.  


Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp cùng Hà Nội chủ động bắt tay ngay vào triển khai kế hoạch cho quy hoạch giao thông vận tải thành phố và quy hoạch chung vùng thủ đô. (Ảnh: Công Khanh) 

Ra đường đã thấy khó khăn 

Tuy nhiên, ông Hải nhận định, hạ tầng giao thông của thủ đô nói riêng và vùng thủ đô nói chung còn nhiều hạn chế, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu phát triển. 

Các tuyến đường vành đai 1, 2, 3, các trục hướng tâm và các tuyến phố chính đô thị đều chưa kết nối hoàn chỉnh. Các tuyến vành đai 4, 5 chưa được đầu tư xây dựng.

“Đường vành đai 3 mới vi vu được mấy hôm, đang định tăng tốc độ lên nhưng không thể vì quá tải ”- Bí thư Hải nói. 

Ông Hải nhận định, hệ thống vận tải hành khách công cộng đặc biệt là các tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội triển khai còn chậm. Trong khi đó, phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh dẫn đến ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông có nguy cơ tăng cao trở lại.

"Hạ tầng giao thông Hà Nội ở mức báo động. Báo động vì từng người dân ra đường đã thấy vô cùng khó khăn trong tham gia giao thông" - ông Hải nói.

Các vấn đề về hạ tầng giao thông đi lại của Hà Nội là đáng báo động, quá tải về đi lại, mất an toàn và hiệu quả kinh tế xã hội bị ảnh hưởng. 

-Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải 

Ông đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp cùng Hà Nội chủ động bắt tay ngay vào triển khai kế hoạch cho quy hoạch giao thông vận tải thành phố và quy hoạch chung vùng thủ đô, chuẩn bị trước những khâu, những việc chuẩn bị thực hiện ngay khi quy hoạch được phê duyệt.

Cụ thể, các việc cần làm sớm là thuê đơn vị tư vấn trong và ngoài nước có năng lực, kinh nghiệm để tiếp tục nghiên cứu triển khai các quy hoạch chi tiết, chuyên ngành như: quy hoạch vận tải hành khách công cộng, vận tải thủy, đường sắt đô thị; đảm bảo phát triển kết cấu hạ tầng đô thị trên địa bàn thủ đô đồng bộ, hiện đại theo đúng Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Hà Nội - một trong ba khâu đột phá của thành phố.

Không quy hoạch, Hà Nội sẽ ô nhiễm hơn Bắc Kinh 

Đề cập tới hiện trạng phương tiện cá nhân tiếp tục bùng nổ hiện nay khi lượng ôtô tăng 17%, xe máy 11% mỗi năm, dân số sinh sống ở thủ đô đã lên tới cả chục triệu, Bí thư Hà Nội ví đây là sự tăng trưởng "nước sôi" chứ không còn là tăng trưởng "nóng" nữa.


Ông Hoàng Trung Hải cho rằng, dân số và phương tiện cá nhân ở Hà Nội đang tăng trưởng "nước sôi".
(Ảnh: Hoàn Nguyễn) 

Và để ứng phó, nguồn vốn cho hạ tầng của Hà Nội cũng như cho cả nước luôn chiếm phần lớn chi ngân sách, nhưng sẽ luôn không đủ, không đáp ứng nhu cầu. Và vì vậy, bài toán cho giao thông được ông phân tích là "đừng chỉ nhìn vào hạ tầng, mà phải chú trọng vào công tác quản lý".

"Tôi xem trên mạng, người ta quay cảnh bến xe Mỹ Đình lộn xộn lắm. Như thế đầu tư hạ tầng tới khi nào cho hết?" - Bí thư Hà Nội nói.

Theo Bí thư Hà Nội, những giải pháp về quản lý nếu làm tốt, đồng bộ, có thể giải quyết được 30% các vấn đề "nóng" về giao thông vận tải hiện nay.

Tương tự, tỷ lệ 8,65% đất cho giao thông là còn thấp, giao thông tĩnh 0,8% là rất thấp. Vận tải công cộng đáp ứng 8% nhu cầu là còn xa mới đáp ứng mục tiêu. "Các vấn đề về hạ tầng giao thông đi lại của Hà Nội là đáng báo động, quá tải về đi lại, mất an toàn và hiệu quả kinh tế xã hội bị ảnh hưởng", ông nhìn nhận.

Bí thư Hà Nội cũng lưu ý các đơn vị cần tập trung làm tốt, xử lý nghiêm vấn đề vệ sinh môi trường, ô nhiễm của các phương tiện giao thông từ xe buýt, xe công trường, vệ sinh đường phố, trật tự an toàn các bến xe bến tàu, từ vỉa hè đến đường phố, tạo bộ mặt mới thực sự văn minh, thanh lịch cho thủ đô ngay từ "bộ mặt" giao thông.

"Xe từ các công trường xây dựng phải vệ sinh sạch sẽ mới được ra phố. Các anh chị nhìn công trình Lotte, họ làm bao nhiêu năm có bụi bẩn không? Các anh chị nêu Hà Nội có khả năng ô nhiễm bằng Bắc Kinh, tôi nghĩ còn hơn nếu không quy hoạch từ bây giờ" - Bí thư Hà Nội lo ngại.

Theo ông Hoàng Trung Hải, cần cơ giới hóa hệ thống vệ sinh của thành phố thì mới tăng năng suất được. Trong vấn đề môi trường, đã có luật, có quy định, cứ theo luật để xử lý xe quá tải, xe hết hạn. 

Phó chủ tịch UB ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho hay, về định hướng dài hạn đề nghị Hà Nội quan tâm sớm việc xây dựng và triển khai đề án tăng cường năng lực vận tải công cộng và kiểm soát phương tiện cá nhân.

Thứ hai, cần sớm áp dụng tiêu chuẩn khí thải cao hơn đối với phương tiện giao thông. Trong lộ trình đổi mới xe buýt cần đưa tiêu chí đảm bảo môi trường vào đấu thầu, để xe buýt sạch hơn. “Hiện, hình ảnh xe buýt nhả khói đen giữa giờ cao điểm mà phía sau là hàng nghìn xe máy hình ảnh thường thấy ở thủ đô” – ông Khuất Việt Hùng nói và thông tin thêm, tạp chí Nature công bố, mỗi năm Việt Nam có 4.000 người tử vong vì ô nhiễm môi trường liên quan tới khí thải giao thông. 

Công Khanh 
(Zing News)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo