Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tin tức Việt Nam TPHCM: thêm 5.800 hộ dân sống ven kênh cần tái định cư

TPHCM: thêm 5.800 hộ dân sống ven kênh cần tái định cư

Viết email In

UBND TPHCM vừa có văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các quận 4, 7, 8 xây dựng phương án đầu tư quỹ nhà tái định cư cho khoảng 5.800 hộ dân sống ven Kênh Đôi - Kênh Tẻ bị ảnh hưởng bởi dự án Cải thiện môi trường nước TPHCM giai đoạn 3 theo tiêu chuẩn, điều kiện tái định cư của nhà tài trợ JICA.  

Theo yêu cầu của JICA 

TPHCM chuẩn bị triển khai Dự án cải thiện môi trường nước TPHCM giai đoạn 3 - cải tạo chỉnh trang toàn bộ 13,5km của tuyến Kênh Đôi – Kênh Tẻ để tăng cường giao thông thủy và cải thiện môi trường; xây dựng khoảng hơn 40km tuyến cống thu gom nước thải và hai nhà máy xử lý toàn bộ nước thải của lưu vực kênh rộng 1.600 héc ta; rà soát và hoàn thiện 20km cống thoát nước mưa… 


Các hộ dân sống ven kênh Tẻ (ảnh) sẽ được tái định cư tại chỗ theo chủ trương của TPHCM.

(Ảnh: Quang Chung) 

Theo ông Lương Minh Phúc, Trưởng ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TPHCM, để thực hiện dự án này thành phố cần số tiền 13.700 tỉ đồng; đồng thời phải di dời toàn bộ khoảng 5.800 hộ dân sống dọc Kênh Đôi – Kênh Tẻ. 

Hiện lãnh đạo TPHCM đang làm việc với Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để vay khoảng 9.459 tỉ đồng (ODA) và lo thu xếp khoản vốn ngân sách hơn 4.000 tỉ đồng. Tại buổi làm việc với lãnh đạo chính quyền thành phố mới đây, ông Mori Mutsaya, Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam, cho biết JICA ủng hộ dự án này.

Tuy nhiên, yếu tố quyết định để JICA hỗ trợ cho dự án, theo ông Mori, đó là chính quyền thành phố phải nâng chất lượng của công tác giải phóng mặt bằng, thông qua các tiêu chuẩn, điều kiện tái định cư. Ông nói: “Với dự án phải di dời gần 6.000 hộ dân, chúng tôi nghĩ cần phỏng vấn nguyện vọng của từng hộ dân một”.

Vì vậy nên UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các quận 4, 7, 8 (các địa phương có tuyến Kênh Đôi – Kênh Tẻ đi qua) xây dựng phương án đầu tư quỹ nhà tái định cư cho khoảng 5.800 hộ dân sống ven kênh bị ảnh hưởng bởi dự án. Chỉ đạo của UBND TPHCM nói rõ, phương án đầu tư quỹ nhà tái định cư phải “đảm bảo đáp ứng những tiêu chuẩn, điều kiện tái định cư của nhà tài trợ JICA”. 

Sẽ… tái định cư tại chỗ 

Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, thực tiễn trong thời gian qua việc bồi thường, giải phóng mặt bằng các hộ dân ven kênh rạch có khó khăn do giá trị bồi thường thấp (hơn các dự án khác). Bởi vì, phần nhà trên kênh do người dân lấn chiếm, còn phần đất ven kênh thì nhiều trường hợp cũng có nguồn gốc… lấn chiếm.

Chính vì giá trị bồi thường thấp nên nhiều trường hợp không đủ tiền mua căn hộ thương mại. Cho nên, để thực hiện dự án Cải thiện môi trường nước TPHCM giai đoạn 3, ông Tuấn cho rằng, cần phải có quỹ nhà tái định cư để bố trí chốn ở cho người dân bị ảnh hưởng.

Ông Tuấn cho biết, quỹ nhà tái định cư có hai loại là nhà ở thương mại và nhà ở xã hội. Hiện nay, trên địa bàn quận 4, 7, 8 có nhiều dự án nhà ở thương mại (không cao cấp) đang triển khai; và thành phố đang hướng các nhà đầu tư xây các căn hộ 60 – 70 m2. Tuy nhiên, không có nhiều trường hợp người dân bị ảnh hưởng bởi dự án có thể mua những căn hộ này.

Vì vậy, theo ông Tuấn, nhà ở xã hội sẽ là nguồn đáp ứng nhu cầu của phần lớn người dân bị giải tỏa bởi dự án. Cho nên, “Khi có nguồn nhà ở xã hội thì họ sẽ được thuê, thuê mua – tùy khả năng và nhu cầu của từng gia đình”, ông nói.

Hiện nay, cũng có một số dự án nhà ở xã hội có nguồn vốn ngoài ngân sách. Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, thời gian tới quỹ nhà này phải do Nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Ông nói: “Sở Xây dựng sẽ xây dựng kế hoạch phát triển quỹ nhà xã hội dựa vào quỹ đất trên địa bàn của quận 4, 7, 8 để đáp ứng cho dự án này.”

Theo Chủ tịch UBND quận 8, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, thì kinh nghiệm cho thấy dự án nào mà di dời, bố trí tái định cư tại chỗ đều thành công. “Do đó, dự án này, quận 8 sẽ dành các quỹ đất liền kề [dự án] để bố trí tái định cư cho người dân”, ông nói. 

Quang Chung 
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo