“Cuối năm, dự án sẽ được thực hiện ngay chứ không chỉ khởi công công trình “lấy ngày”. Theo cam kết của nhà thầu, sau 36 tháng, Hà Nội sẽ có tuyến đường sắt trên cao đầu tiên”- Ông Vũ Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam khẳng định.
Dự án có tổng vốn hơn 8.000 tỷ đồng này được kỳ vọng sẽ cải thiện căn bản giao thông trục Hà Nội - Hà Đông vốn quá tải ngày một trầm trọng.
Đường sắt trên cao có tổng chiều dài 13km, bắt đầu từ Cát Linh chạy dọc mương Hào Nam qua sông Tô Lịch rẽ ra Ngã tư Sở rồi chạy thẳng vào thị xã Hà Đông đến Yên Nghĩa.
Trên tuyến bố trí 12 ga và một Depot (tuyến nhánh dài 2,5km và dừng tại xã Phú Lương- Hà Đông). Trung bình mỗi ga có diện tích khoảng 2.000m2.
- Ảnh bên : Phối cảnh ga xe điện trên cao
Ông Nguyễn Bình, Trưởng phòng Quản lý dự án 4 (QLDA)- Ban QLDA đường sắt đô thị (Cục Đường sắt Việt Nam) cho biết, về cơ bản tuyến đường sắt trên cao chạy dọc dải phân cách giữa của quốc lộ (QL) 6, tức là đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân và đường Quang Trung, quận Hà Đông.
Dự án có tổng mức đầu tư 8.770 tỷ đồng (tương đương 552 triệu đô la, trong đó vốn vay của Trung Quốc: 250 triệu đô la và 1,2 tỷ nhân dân tệ (tổng giá trị quy đổi là 410 triệu đô la). Vốn đối ứng của Việt Nam là 133 triệu đô la. 12 ga trên tuyến đường là: Ga Cát Linh, ga La Thành, ga Thái Hà, ga Láng, ga Đại học Quốc gia, ga đường Vành đai 3, ga Thanh Xuân, ga bến xe Hà Đông, ga Hà Đông, ga La Khê, ga Văn Khê, ga bến xe Hà Đông mới (khu vực Yên Nghĩa). |
“Sau khi khánh thành tuyến đường, chúng tôi sẽ đưa loại xe điện bốn toa vào hoạt động với tần suất ba phút/lượt” - Ông Bình cho biết.
Theo thiết kế trên toàn tuyến sẽ có 52 toa khách (13 xe) hoạt động liên tục với vận tốc 80km/giờ. Khi qua mỗi ga xe điện sẽ dừng khoảng 45 giây để đón trả khách.
Như vậy, để đi hết tuyến đường 13km bằng xe điện trên cao sẽ chỉ mất 20 phút. Rút ngắn được 2/3 thời gian so với các phương tiện xe máy, xe buýt hiện nay.
Ưu điểm vượt trội của tuyến đường sắt trên cao chính là năng lực vận chuyển. Theo thiết kế, mỗi toa xe điện có chiều dài 19,5m, chiều rộng 2,8m. Trong điều kiện có ghế ngồi mỗi đoàn tàu (bốn toa xe) chứa được 156 khách. Còn trong điều kiện khách phải đứng, số khách sẽ lên đến 950 và tối đa có thể chứa được 1.420 khách.
Với thời gian hoạt động liên tục từ năm giờ sáng đến 23 giờ đêm, mỗi ngày chỉ riêng tuyến đường sắt trên cao Hà Nội - Hà Đông có khả năng vận chuyển được trên 330 ngàn lượt hành khách. Số hành khách này tương đương 1/3 số hành khách của 56 tuyến xe buýt hiện nay của Hà Nội chuyên chở.
“Tình hình ùn tắc trên tuyến Nguyễn Trãi - Hà Đông sẽ căn bản được giải quyết khi tuyến xe điện đưa vào sử dụng” - Ông Bình khẳng định.
- Ảnh bên : Sơ đồ tuyến đường sắt trên cao Hà Nội - Hà Đông
Theo ông Bình, trên thực tế, Tổng thầu EPC là Cty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Hoa đã có những bước thi công ban đầu. Tính đến ngày 5/9, nhà thầu đã khoan thăm dò được 60 lỗ/75 lỗ. Những ngày gần đây việc khoan thăm dò tiếp tục được thực hiện trên tuyến đường Nguyễn Trãi và dự kiến khoan xong trong tháng Chín.
Không có công nhân Trung Quốc làm việc tại dự án Ông Nguyễn Bình cho biết, trong quá trình đàm phán hợp đồng EPC (Tổng thầu thi công rồi bàn giao) giữa hai bên đã đi đến thống nhất: Trung Quốc sẽ đưa chuyên gia cao cấp sang làm việc tại dự án để đáp ứng được công việc. Còn lao động phổ thông, phía nhà thầu Trung Quốc tuyệt nhiên không được phép đưa sang để thi công dự án. |
Theo ông Vũ Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam dự án được tách phần giải phóng mặt bằng về địa phương và chủ đầu tư sẽ chuyển kinh phí về địa phương. Cụ thể, Cục đã chuyển 65 tỷ đồng về quận Hà Đông, 10 tỷ về Sở Xây dựng Hà Nội để di dời công trình hạ tầng kỹ thuật và tiếp tục chuyển 130 tỷ đồng về địa phương phục vụ giải phóng mặt bằng.
Cho đến nay, đã có 247/248 hộ dân thôn Nhân Trạch - Phú Lương (quận Hà Đông) bàn giao diện tích 8,6/23 ha xây dựng depot. Trên trục đường Nguyễn Trãi, Sở Xây dựng Hà Nội đang tích cực lên phương án di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Theo ông Lê Văn Dục, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, để đảm bảo có mặt bằng phục vụ thi công tuyến đường sắt, Sở đang lên kế hoạch di toàn bộ hệ thống dây các loại (viễn thông, thông tin, điện lực...) sang hai bên đường. Dự kiến công việc sẽ được thực hiện ngay trong tháng Chín này.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, dự án khởi công cuối năm 2009. “Sau khi khởi công, nhà thầu bắt tay ngay vào thi công đồng loạt” - Ông Hồng tái khẳng định. Sau 36 tháng tuyến đường sắt trên cao sẽ giúp Hà Nội đối phó với vấn nạn ùn tắc và tạo dáng dấp cho một Thủ đô hiện đại.
Phùng Sưởng
>>
- Quy hoạch vùng kinh tế nam Phú Yên - bắc Khánh Hòa
- Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược lần 2 phục vụ Quy hoạch chung Hà Nội
- WB tăng vốn cho dự án ở Việt Nam do lạm phát
- Trưng bày “Thị dân và nông dân Bắc Bộ đầu thế kỷ 20 - Sự việc và hành động”
- Gần 840 tỷ đồng tư vấn tuyến đường sắt đô thị số 1
- Hà Nội "chốt" thời điểm giải quyết nhà công
- Thông xe đại lộ Đông Tây, khánh thành cầu Phú Mỹ
- Cuộc thi “Tòa nhà hiệu quả năng lượng” hấp dẫn các khu resort
- BIDV hợp tác với VinaCapital xây Trung tâm thương mại thế giới tại Đà Nẵng
- Công ty của Mỹ sẽ thiết kế Vietcombank Tower TP.HCM