Ngày 3/1 tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa trường Đại học Xây dựng và 15 doanh nghiệp ngành Nước.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác diễn ra đúng vào thời điểm bắt đầu một nhiệm kỳ công tác mới của lãnh đạo trường Đại học Xây dựng, dịp kỷ niệm 53 năm ngày thành lập bộ môn Cấp thoát nước (4/1/1967 – 4/1/2020).
Trải qua hơn 50 năm thành lập, bộ môn Cấp thoát nước luôn một đơn vị mạnh trong trường, có uy tín lớn trong nước và ngoài nước về các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực kỹ thuật nước, hạ tầng và môi trường. Bên cạnh đó, ngành Nước đã có truyền thống liên kết, hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với các doanh nghiệp từ nhiều năm nay.
Đại diện trường Đại học Xây dựng thực hiện nghi thức ký kết cùng lãnh đạo 15 doanh nghiệp ngành Nước.
15 doanh nghiệp tham gia ký kết là những đơn vị mạnh, thành đạt trong các hoạt động tư vấn, thi công, kinh doanh vật tư, thiết bị, sản xuất và cung cấp nước sạch, quản lý nước thải như Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng, Công ty Cổ phần Kinh doanh nước sạch Hải Dương, Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh, Công ty Cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội, Công ty Cổ phần Thoát nước và Xử lý nước thải Bắc Ninh, các Công ty VIWASEEN, VIWASE, VCC, VUCICO, WATERCO, VINSE, INTEC, SCDI, INNO.
Đây là các đơn vị đã đồng hành với ngành Nước Đại học Xây dựng trong nhiều năm qua, với các hoạt động tiếp nhận sinh viên thực tập, trao học bổng, thỉnh giảng, tuyển dụng, hợp tác nghiên cứu khoa học...
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS. Phạm Duy Hoà - Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng nhấn mạnh: “Việc thành lập mạng lưới kết nối nhà trường – doanh nghiệp ngành Nước, mở đầu bằng ký kết thoả thuận chính thức với 15 doanh nghiệp là vô cùng quan trọng, phù hợp với chiến lựợc của nhà trường trong việc từng bước hiện thực hóa cách tiếp cận và công nghệ đào tạo theo CDIO (Conceive – Design – Implement – Operate hay Hình thành ý tưởng – thiết kế – triển khai – vận hành), góp phần nâng cao chất lượng đào tạo với chuẩn đầu ra, đáp ứng yêu cầu thực tế, để kỹ sư sau khi ra trường có thể “làm việc” được ngay.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tiếp cận CDIO trong xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo đại học các ngành kỹ thuật đang trở thành một cách tiếp cận hiện đại, được áp dụng tại nhiều trường đại học tiên tiến trên thế giới. Hướng tiếp cận này đặc trưng bởi sự kết hợp chặt chẽ giữa trường đại học và doanh nghiệp trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ”.
Thỏa thuận ký kết giữa nhà trường và các doanh nghiệp gồm nhiều nội dung, trong đó đề cao việc xúc tiến các hoạt động chuyên môn có tính hệ thống, đa chiều, đáp ứng kịp thời nhu cầu tuyển dụng, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, khai thác có hiệu quả tiềm năng, nguồn lực, những thế mạnh của các bên về chuyên môn, công nghệ, cơ sở vật chất… vì mục đích phát triển bền vững của cả hai bên, vì sự phát triển của ngành Cấp thoát nước Việt Nam nói chung và đóng góp hữu hiệu cho xã hội, cho cộng đồng.
Tại buổi lễ, Hội Cấp thoát nước Việt Nam cũng tham gia ký kết với tư cách là đơn vị chứng kiến. Các Phụ lục của thoả thuận cũng được ký giữa bộ môn Cấp thoát nước với từng công ty, cụ thể hoá các hoạt động hợp tác và kế hoạch thực hiện.
Tuệ Minh
(Báo Xây dựng)
- Dự án tuyến metro số 1 TP.HCM kỳ vọng bứt tốc trong năm 2020
- TP.HCM đề xuất WB hỗ trợ xây dựng trung tâm tài chính quốc tế
- Ngân hàng Thế giới tài trợ 10,5 triệu USD để triển khai xe buýt nhanh ở TP.HCM
- Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Thủ tướng phê duyệt thành lập "thung lũng Silicon" Đà Nẵng
- Hà Nội lấy ý kiến người dân cải tạo, chỉnh trang quanh hồ Hoàn Kiếm
- TP.HCM xếp hạng di tích cấp thành phố cho 5 công trình kiến trúc
- TP.HCM xin cơ chế đặc thù về giải phóng mặt bằng và tái định cư
- Khởi công xây dựng nhà ga hành khách T2 Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (Huế)
- Muốn xây cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng phải "làm lại từ đầu" quy trình thực hiện đầu tư